Lao động
Phát động chiến dịch thanh tra lao động trong lĩnh vực xây dựng
11:18 AM 03/04/2021
(LĐXH)- Chiến dịch Thanh tra Lao động năm 2021, với chủ đề "Tăng cường tuân thủ pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động tại công trường xây dựng" đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ phát động vào ngày 2/4, tại thành phố Buôn Ma Thuật.
Theo báo cáo thống kê, tổng hợp giai đoạn năm (2011 – 2020), cả nước đã xảy ra hàng loạt vụ tai nạn lao động chết người, riêng lĩnh vực xây dựng luôn xếp vị trí hàng đầu về số vụ. Cụ thể, năm 2015, trên toàn quốc xảy ra 629 vụ tai nạn lao động chết người làm 666 người chết, (trong đó lĩnh vực xây dựng chiếm 31,1% số vụ tai nạn chết người và 31,8% số người chết). Năm 2016, xảy ra 799 vụ tai nạn chết người làm 862 người chết, (trong đó lĩnh vực xây dựng chiếm 22,6% số vụ tai nạn chết người và 22,1% số người chết). Trong các năm từ 2017 đến năm 2020, tình hình tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt trong các hoạt động thi công tại công trường dự án lại có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp hơn, các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng  tại công trường xây dựng thường xuyên xảy ra. Trong giai đoạn này, trung bình hằng năm lĩnh vực xây dựng chiếm 32% số vụ tai nạn chết người và 31% số người chết…
Thanh tra Bộ Lao động - TBXH và UBND tỉnh Đắk Lắk ấn nút phát động Chiến dịch thanh tra
Năm 2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện chiến dịch thanh tra trong lĩnh vực xây dựng với chủ đề "Tuân thủ pháp luật lao động vì những công trình xây dựng an toàn".
Trong năm đầu thực hiện (2016), Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thanh tra trong lĩnh vực xây dựng và đồng loạt triển khai tại 63 tỉnh, thành phố. Kết quả, đã tiến hành thanh tra tại 1.036 công trình xây dựng và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Trong đó, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra tại 169 doanh nghiệp; Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đã thanh tra tại 867 doanh nghiệp. Qua thanh tra phát hiện 6.440 sai phạm, bình quân 6,21 sai phạm/ công trình, doanh nghiệp; xử phạt hành chính với tổng số tiền là 1.881,9 triệu đồng (một tỷ tám trăm tám mươi mốt triệu chín trăm nghìn đồng)…
Đến nay, qua 5 lần thực hiện chiến dịch, việc triển khai thực hiện Chiến dịch thanh tra lao động đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế cũng như thúc đẩy an sinh xã hội.
Số vụ tai nạn lao động và tai nạn lao động chết người giảm đáng kể, các ngành xuất khẩu ngày càng tạo được thương hiệu, uy tín trên thị trường thế giới, mở được các thị trường mới, các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động được đảm bảo, góp phần không nhỏ vào định hướng "việc làm bền vững".
Chánh Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Tiến Tùng phát động Chiến dịch thanh tra
Phát biểu tại Lễ phát động, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết: Lĩnh vực xây dựng là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hàng đầu về mất an toàn lao động, ngay sau Chiến dịch thanh tra lao động trong lĩnh vực xây dựng được thực hiện năm 2016, số vụ tai nạn lao động và số người chết, bị thương do tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, những năm gần đây, hiệu ứng tích cực từ Chiến dịch thanh tra lao động năm 2016 có biểu hiện giảm, tình hình tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt trong các hoạt động thi công tại công trường dự án có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp, các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại công trường xây dựng thường xuyên xảy ra, trung bình hằng năm lĩnh vực xây dựng chiếm 32% số vụ tai nạn chết người và 31% số người chết. Chính vì vậy, năm 2021 sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra trên 600 dự án xây dựng trên địa bàn cả nước.
Tuy nhiên, theo Chánh Thanh tra Nguyễn Tiến Tùng, lực lượng thanh tra trong ngành lao động rất mỏng, chỉ khoảng hơn 400 người trên cả nước. Chính vì thế, trong thời gian tới, lực lượng thanh tra sẽ được trang bị những kiến thức chuyên sâu hơn để thực hiện chiến dịch, góp phần tích cực vào việc đảm bảo an toàn lao động, cải thiện điều kiện làm việc, phát triển kinh tế.
"Trong năm 2021, Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành thanh tra khoảng 600 công trình xây dựng lớn trên cả nước. Một số địa phương lớn sẽ có sự tham gia trực tiếp của Thanh tra Bộ. Sau chiến dịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hy vọng số vụ tai nạn lao động chết người sẽ giảm xuống khoảng 15%" - Chánh Thanh tra Nguyễn Tiến Tùng, thông tin.

Bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Lễ phát động

Ngoài ra, để giám sát hoạt động thanh tra, tránh tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp nhận phản ánh, đánh giá của người lao động, doanh nghiệp thông qua ba kênh: Hộp thư điện tử; phiếu đánh giá và giám sát thanh tra. Nếu phát hiện có tiêu cực, bất cập sẽ kiến nghị thay thanh tra khác.
Năm 2021, Chiến dịch thanh tra lao động được triển khai trên 63 tỉnh thành có chủ đề "Tăng cường tuân thủ pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động tại công trường xây dựng".
Chiến dịch sẽ có sự tham gia của đại diện người lao động, người sử dụng lao động, các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và các cơ quan thanh tra lao động trong cả nước. Nội dung thanh tra bao gồm Giao kết và thực hiện hợp đồng lao động; thời gian làm việc, nghỉ ngơi và tiền lương; bảo hiểm xã hội; quy định về an toàn vệ sinh lao động; an toàn xây dựng.

Chí Tâm