Xã hội
“Phải rất chú trọng đến xã hội hóa công tác trẻ em”
07:37 PM 23/09/2016
Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH tại buổi làm việc với khối các cơ quan về trẻ em thuộc Bộ, bao gồm: Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, Văn phòng Làng trẻ em SOS Việt Nam vào sáng ngày 23/9/2016.
Cùng dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Đào Hồng Lan; lãnh đạo các đơn vị: Cục Bảo trợ xã hội, Thanh tra Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ.
Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng, lãnh đạo 3 cơ quan về trẻ em lần lượt báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động của đơn vị mình, những kết quả đã đạt được trong 9 tháng đầu năm cũng như thuận lợi, khó khăn vướng mắc cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ thời gian tới. Bên cạnh đó, sẽ tập trung triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2016 và đề xuất, kiến nghị để công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hoạt động ngày càng hiệu quả.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì buổi làm việc.
Hai vấn đề nóng về trẻ em: Tình trạng đuối nước và việc đảm bảo quyền lợi cho con của phụ nữ lấy chồng nước ngoài về Việt Nam sinh sống
Tại buổi làm việc, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục BVCSTE đã báo cáo nhanh về tình hình nhiệm vụ năm 2016 và dự kiến chương trình công tác năm 2017.
Theo đó, Cục đã tham mưu cho Bộ trình Chính phủ và được Quốc hội thông qua Luật trẻ em 2016, mở ra giai đoạn mới thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em 2016-2020. Hiện Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang soạn thảo Đề án bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em tại cộng đồng. Đồng thời, xây dựng Dự án Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 – 2020; Kế hoạch liên tịch về phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016-2020.
Cục trưởng Đặng Hoa Nam cho biết thêm, hiện có 2 vấn đề nóng về trẻ em đó là tình trạng đuối nước trẻ em và việc đảm bảo quyền lợi cho con của phụ nữ lấy chồng nước ngoài về Việt Nam sinh sống. Cục đã cập nhật thông tin từ các phương tiện truyền thông và số liệu từ các địa phương. Nhìn chung, số lượng trẻ em bị chết vì đuối nước không tăng nhưng trẻ em chết đuối cùng một lúc lại tăng. Liên quan hành lang pháp lý đăng ký hộ tịch hộ khẩu, làm giấy khai sinh cho con phụ nữ lấy chồng nước người về Việt Nam sinh sống, Cục đang phối hợp với Bộ Tư pháp, Hội phụ nữ để các em được hưởng các quyền lợi chính đáng. Bên cạnh đó, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang ngày càng phức tạp đặc biệt là việc bố đẻ xâm hại con gái gây bức xúc dư luận. Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang nghiên cứu để đưa vào Chương trình bảo vệ phòng chống xâm hại trẻ em.
Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi làm việc
Theo số liệu thống kê, hiện nay có khoảng 5,6% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Quy định Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Tuy nhiên, với việc thông qua Luật Trẻ em sửa đổi 2016, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sẽ tăng lên, bao gồm thêm trẻ em nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em trong gia đình nghèo…, cần sự hỗ trợ nên sẽ gia tăng đối tượng chính sách.
Vị thế và hình ảnh của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã được cộng đồng trong nước và quốc tế quan tâm nhiều hơn
Báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động của Quỹ BTTEVN, Giám đốc Hoàng Văn Tiến cho biết, năm 2016, tổng kinh phí nhà tài trợ cam kết là 83,669 tỷ đồng. Tính đến nay, Quỹ đã phối hợp với các nhà tài trợ triển khai các hoạt động hỗ trợ tại 63 tỉnh, thành phố cho 78.190 em. Tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 34,6 tỷ đồng gồm: Cấp phát sữa và thực phẩm; Phẫu thuật dị tật tim bẩm sinh; Phẫu thuật nụ cười; Phẫu thuật mắt; Xây dựng công trình nước sạch; Hỗ trợ xe đạp, học bổng, dụng cụ học tập, cặp phao cứu sinh; Xây dựng lớp học, nhà nội trú; Xây dựng điểm vui chơi công cộng. Quỹ BTTE Việt Nam thường xuyên được giám sát, quan tâm chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo các Bộ, ngành... Vì vậy, vị thế và hình ảnh của Quỹ đã được cộng đồng trong nước và quốc tế quan tâm nhiều hơn.
Ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ BTTE Việt Nam báo cáo về hoạt động của Quỹ
Ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Làng trẻ em SOS Việt Nam cho biết, hiện có 17 Làng trẻ em SOS - nơi nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi theo mô hình gia đình thay thế với 4 nguyên tắc sư phạm của Làng trẻ em SOS Quốc tế gồm: Bà mẹ, anh chị em, gia đình và cộng đồng Làng. Đến nay, có 5.950 cháu đã và đang được nuôi dưỡng, trong đó đang nuôi dưỡng 3.100 cháu và đã trưởng thành, hòa nhập cộng đồng là 2.850 cháu. Bên cạnh đó có 12 Trường phổ thông Hermann Gmeiner, 16 Trường mẫu giáo, 1 Trường trung cấp nghề, 3 Xưởng dạy thực hành kỹ năng 4 nghề trong thời gian 1 năm và 6 Chương trình hỗ trợ kinh phí cho thân nhân để nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại cộng đồng.
Ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Làng trẻ em SOS Việt Nam
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng: Qua theo dõi từ 2007 đến nay, khối các cơ quan trẻ em được Bộ đặc biệt quan tâm, từ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, các chương trình, dự án. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH nhận được thư UNICEF đánh giá cao công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em Việt Nam. Kể cả những hoạt động phong trào, vận động nguồn lực đều được quan tâm. Các hoạt động của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Làng trẻ em SOS Việt Nam được đánh giá hiệu quả…
Phải tập trung rất cao cho 2 nghị định và một số thông tư liêu quan đến việc cụ thể hóa Luật Trẻ em
Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thay mặt lãnh đạo Bộ ghi nhận và biểu dương 3 đơn vị thuộc khối trẻ em trong những năm qua đã có nhiều cố gắng tìm tòi, đổi mới nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất đối với lãnh đạo Bộ cũng như thực thi trách nhiệm của mình. Đặc biệt với sự tham mưu, giúp việc, đề xuất, đã góp phần rất quan trọng để lãnh đạo Bộ tham mưu cho Đảng, Nhà nước về thực thi các chức trách nhiệm vụ của mình trên lĩnh vực quản lý nhà nước. Do đó, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng khích lệ. Nhiều nội dung về chủ trương chính sách của chúng ta đã đạt được các tiêu chí của LHQ cũng như các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực trẻ em. Thế giới đánh giá cao những kết quả đã đạt được. Đặc biệt gần đây, chúng ta đã tham mưu xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thực thi Luật Trẻ em, từng bước xã hội hóa công tác bảo vệ quyền trẻ em. Đẩy mạnh việc thực thi 4 nhóm quyền trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia của trẻ em gần đây được dư luận đánh giá tốt. Sự phối hợp giữa các cơ quan về trẻ em với các ban ngành đoàn thể đã góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng công tác bảo vệ trẻ em. Xã hội hóa trẻ em đã tạo ra sự ủng hộ của các tổ chức, các nhà tài trợ. Các hoạt động bảo trợ đối với trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hệ thống SOS cũng đã có những hiệu quả nhất định, nhất là việc vận động các tổ chức quốc tế, sự huy động toàn xã hội chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…
Tuy nhiên, khoảng tối trong lĩnh vực trẻ em còn nhiều, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chiếm khoảng 10% (2,5 triệu trẻ em có HCĐB), số trẻ em có nguy cơ rơi vào HCBĐ chiếm khoảng 10%, đặc biệt tình trạng trẻ em bị xâm hại sức khỏe, tình dục, tình trạng quá tải của trẻ em trên nhiều lĩnh vực, kể cả học hành. 4 nhóm quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia, tiếng nói của trẻ em chưa thực sự được lắng nghe. Đầu tư trong công tác quản lý nhà nước về trẻ em cũng như sự liên kết phối hợp giữa 3 đơn vị đã thực sự gắn kết…
Bộ trưởng chỉ đạo, đối với Cục trẻ em phải chú trọng nhiệm vụ hàng đầu là tham mưu quản lý nhà nước. Trước mắt phải tập trung rất cao cho 2 nghị định và một số thông tư liêu quan đến việc cụ thể hóa Luật trẻ em. Việc này không được phép chậm trễ về thời gian, không được đơn giản về mặt chất lượng. Cục cần khẩn trương rà soát lại toàn bộ hệ thống tham mưu, đối với những vướng mắc liên quan đến trẻ em thì Cục trẻ em phải là đơn vị chủ trì. Bên cạnh đó, phải chú trọng công tác tuyên truyền, truyền thông vận động xã hội; quan tâm đến vấn đề trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị đuối nước, trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị ảnh hưởng trong môi trường mạng. Đồng thời tăng cường việc kiểm tra, thanh tra, giám sát về trẻ em. Sức mạnh của chúng ta chính là sự phối hợp, các đoàn kiểm tra giám sát nên phối hợp với nhau.
Về Quỹ BTTEVN, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo khẩn trương kiện toàn Hội đồng bảo trợ Quỹ. Cần vận động và mời lãnh đạo Cục Phi chính phủ, Bộ Nội vụ tham gia Hội đồng để thêm mối quan hệ, tranh thủ vận động nguồn lực.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao hoạt động của làng trẻ em SOS. Bộ trưởng giao Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp đơn vị bàn mô hình rõ ràng của Làng trẻ em SOS trước khi đưa vào nghị định quy định cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Bộ.
Tôi muốn tất cả khối trẻ em phải đoàn kết, làm hết mình vì trẻ em với cái tâm trong sáng, làm sao tham mưu cho lãnh đạo Bộ nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực trẻ em, thông qua đó đẩy mạnh kiến tạo, xây dựng các chủ trương chính sách. Đối với trẻ em, quan trọng nhất là xã hội hóa, phải rất chú trọng đến xã hội hóa” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
 
 
Theo Giadinhvatreem.vn