Kinh tế
Phải đặt doanh nghiệp nhà nước vào điều kiện thị trường thì mới phát triển được
08:23 AM 29/11/2018
(LĐXH)- Ông Trương Đình Tuyển cho rằng, phải đặt doanh nghiệp nhà nước vào điều kiện thị trường, buộc phải cạnh tranh trên thị trường thì mới phát triển được.
Sự ra đời và phát triển của các tập đoàn kinh tế nhà nước đã đóng góp đáng kể không chỉ vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mà còn góp phần đưa Việt Nam vào hội nhập kinh tế quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang cần tranh thủ các điều kiện, thời cơ do hội nhập kinh tế quốc tế đem lại như việc tham gia ký kết các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như Hiệp định đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) sắp được ký kết trong thời gian tới…
Thực tiễn cho thấy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói chung, nhất là của các tập đoàn kinh tế nhà nước thì một trong những vấn đề then chốt cần giải quyết đó là hoàn thiện thể chế phát triển các tập đoàn này. Trong đó vấn đề cần đặc biệt quan tâm là việc thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng trong quản lý, điều hành của Nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
PGS.TS. Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhận xét, mặc dù quá trình cổ phần hóa đang được đẩy mạnh, cùng với sự phát triển của khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhà nước vẫn là thành phần chính trong các ngành lĩnh vực, then chốt như tài chính, hạ tầng, chế tạo, năng lượng, khai khoáng. Thậm chí, ngày càng nhiều doanh nghiệp nhà nước xuất hiện trong danh mục các công ty có quy mô nhất, nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường vốn.
Nhưng bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình vận hành vẫn còn xảy ra tình trạng các tập đoàn kinh tế hoạt động kém hiệu quả, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước, hoạt động đầu tư bên ngoài lĩnh vực chính còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Trong lúc năng lực quản lý và khả năng tài chính còn hạn chế, thiếu kiểm soát chặt chẽ, làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.
“Một số quy định của pháp luật và cơ chế chính sách đối với tập đoàn kinh tế nhà nước chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ, vẫn còn những cơ chế, chính sách chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với điều kiện mới. Việc phân công, phân cấp và tổ chức thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn kinh tế nhà nước mới bước đầu được làm rõ, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan vẫn còn điểm bất cập, hiệu lực còn thấp. Đặc biệt, nhà nước chưa có cơ chế, chế tài và công cụ, tiêu chí kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả trong khi trao mạnh quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tập đoàn kinh tế nhà nước”, PGS.TS. Vũ Văn Hà nêu rõ thực tế.
Lãnh đạo tập đoàn phải là yếu tố tối quan trọng
Theo GS.TS. Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, thời gian qua Việt Nam phát triển mạnh các tập đoàn kinh tế nhà nước, nhưng việc quản lý, cơ chế điều hành phát triển doanh nghiệp nhà nước còn nhiều khiếm khuyết, còn nhiều vấn đề nổi cộm trong thực hiện thể chế tập đoàn, nhất là trong quản lý con người, xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo các tập đoàn kinh tế.
Bởi lẽ, các tập đoàn kinh tế nhà nước chọn đúng người lãnh đạo có năng lực, trình độ có tính Đảng sẽ là rất tuyệt vời nhưng rất hiếm hoi. Nhiều khi việc lựa chọn người lãnh đạo tập đoàn kinh tế vẫn chỉ dựa theo cảm tính, có người tốt nhưng không hiểu quản lý kinh doanh.
“Trong những doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế phải có cơ quan thẩm định, từng doanh nghiệp đều phải có thể chế để quản lý điều hành và thực hiện cơ chế. Cùng với việc hoàn thiện thể chế, quan trọng hàng đầu cho doanh nghiệp nhà nước phát triển là phải có cơ chế, cách thức tuyển chọn những lãnh đạo có tính chuyên môn cao, đủ tầm vóc thực hiện việc phát triển các tập đoàn kinh tế, nhất là trong bối cạnh hội nhập hiện nay”, TS. Vũ Văn Hiền nêu rõ.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, cần phải xác định rõ vai trò của doanh nghiệp nhà nước sau đó xét đến Ủy ban quản lý vốn doanh nghiệp nhà nước. Tập đoàn kinh tế nhưng lại có mục tiêu kinh doanh đa ngành là chủ trương không chuẩn.
“Các tập đoàn kinh tế của Hàn Quốc, Nhật Bản có kinh doanh đa ngành và Việt Nam bắt chước nhưng không thành công để lại những hậu quả đáng tiếc. Cần phải đặt doanh nghiệp nhà nước vào điều kiện thị trường, buộc phải cạnh tranh trên thị trường thì mới phát triển được. Doanh nghiệp nhà nước phải tăng cường tính công khai minh bạch, đăng ký trên thị trường chứng khoán mới đo được hiệu quả. Phải cho doanh nghiệp nhà nước phá sản giống như các doanh nghiệp khác nhưng Việt Nam dường như không dám làm điều này”, ông Tuyển nêu rõ.
Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ngay trong quá trình bàn giao, tiếp nhận các tập đoàn kinh tế, Ủy ban đã có cách tiếp cận làm rõ hơn trách nhiệm của các doanh nghiệp nhà nước.
Cụ thể, quy định doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế phải công bố thông tin đã được đặt ra, trong hệ thống kiểm soát nội bộ doanh nghiệp nhà nước đều có kiểm soát viên. Cốt lõi của vấn đề là cần tách rời người quản lý tài sản và sở hữu tài sản, quản trị nội bộ doanh nghiệp, quản trị của cơ quan chủ sở hữu đối với nội bộ doanh nghiệp, mức độ phân cấp đến đâu?
“Người đại diện trong doanh nghiệp nhà nước là quan trọng. Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua chúng ta trao quyền quá nhiều cho đại diện doanh nghiệp, nhưng có ý kiến lại cho rằng, cần trao quyền chủ động cho đại diện doanh nghiệp. Vấn đề này đang là mâu thuẫn, Ủy ban sẽ tiếp thu để làm rõ hơn vấn đề này”, ông Hùng khẳng định./.
N.Quỳnh