Kinh tế
Ổn định kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp
03:59 PM 15/05/2019
(LĐXH) Ngày 15-5-2019, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức Hội nghị ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp nhằm đưa ra những đánh giá khách quan và các giải pháp chính sách nhằm đảm bảo vấn đề kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập.

Theo báo cáo năm 2018, nền kinh tế Việt Nam khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển; tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt hơn 7% so với năm 2017 - mức tăng trưởng cao nhất 11 năm qua; chất lượng tăng trưởng và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp được thành lập mới tăng mạnh; nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố và từng bước tăng cường; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện...Trong báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá Việt Nam đứng thứ 77/140 nền kinh tế với số điểm và thứ hạng tương đối cao về ổn định kinh tế vĩ mô.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về các giải pháp phát triển kinh tế và thúc đẩy sự phát triển và cạnh tranh của các doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các nhà quản lý, doanh nghiệp và đầu tư chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng hợp tác để đưa nền kinh tế phát triển ổn định trong bối cảnh hội nhập có tác động tích cực đến nền kinh tế như mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, song hội nhập cũng có những tác động tiêu cực lên nền kinh tế.
Toàn cảnh hội nghị
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, Việt Nam vẫn đạt được kết quả tăng trưởng tích cực, năm 2019-2020 tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo ở mức 6,6-6,8%, ổn định vĩ mô ngày càng được củng cố, thu nhập bình quân đầu người có xu hướng tăng gần 6%/năm trong 8 năm qua....
Tuy nhiên, ông Cấn Văn Lực cũng cho rằng, không thể phủ nhận nội tại kinh tế Việt Nam còn nhiều thách thức, tồn tại, làm gia tăng khả năng dễ bị tổn thương của nền kinh tế. Đó là, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp nhất khu vực, chỉ cao hơn Bangladesh, Campuchia, Myanmar; đóng góp của năng suất lao động nội ngành chỉ chiếm 40%. Bên cạnh đó, hoạt động của khu vực doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, mà nguyên nhân chủ yếu do môi trường kinh doanh vẫn còn là một trở ngại, như chưa thực sự bình đẳng, chi phí không chính thức còn cao, thủ tục hành chính tuy có cải tiến nhưng còn rườm rà... Đặc biệt, tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm và chưa có nhiều chuyển biến về chất; còn tiềm ẩn rủi ro đối với một số cán cân vĩ mô trong khi khả năng chống chịu với các "cú sốc" bên ngoài của nền kinh tế còn thấp: Nợ công, nợ nước ngoài ở mức cao và luôn tiềm ẩn nguy cơ chạm trần giới hạn của Quốc hội; thâm hụt ngân sách giảm nhưng luôn tiệm cận ngưỡng và ở mức cao so với khu vực...
Ngoài ra, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bên cạnh dư địa tài khóa và tiền tệ eo hẹp, khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam còn bị giới hạn đáng kể bởi khung chính sách kinh tế vĩ mô chưa thật sự linh hoạt, thể chế và hệ thống thông tin chưa hoàn toàn sẵn sàng để chủ động phát hiện và quản lý rủi ro, nhất là rủi ro “cú sốc”. Do đó, nếu Việt Nam không xây dựng, sử dụng kịp thời các chính sách để hạn chế, xử lý rủi ro và củng cố “bộ đệm” phù hợp, khả năng chống chịu rủi ro và ổn định kinh tế vĩ mô trong trung dài hạn sẽ ngày càng bị hạn chế.
TS Hà Huy Tuấn,  Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, Báo cáo về tính sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai của các quốc gia của Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 1-2018 đã chỉ ra rằng: So với 100 quốc gia được lựa chọn đánh giá thì Việt Nam nằm trong nhóm nước chưa sẵn sàng với Cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, theo số liệu khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay, có 61% doanh nghiệp Việt Nam còn đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chỉ có 21% doanh nghiệp mới bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị.
“Vẫn còn khoảng trống lớn trong việc áp dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam”, TS Hà Huy Tuấn nhấn mạnh.
Đánh giá về các rủi ro quốc tế và thách thức từ nội tại nền kinh tế, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, trong bối cảnh rủi ro ngoại sinh gia tăng còn nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở, hội nhập sâu rộng, việc xây dựng các giải pháp phù hợp nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Một số nghiên cứu trên thế giới đã tính toán chỉ số đo lường khả năng chống chịu của nền kinh tế nước ta, tập trung vào bộ khung gồm 4 nhóm yếu tố chính: Ổn định kinh tế vĩ mô, hiệu quả thị trường, quản trị hiệu quả và phát triển xã hội. Trên cơ sở khung chính sách này, các chuyên gia kinh tế đã kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng chống chọi của nền kinh tế nói chung và khu vực doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.
Nhấn mạnh đến sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó trưởng phòng Cục An ninh Kinh tế (Bộ Công an) chỉ ra một dạng cạnh tranh mà pháp luật phải điều chỉnh, đó là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế từ hoạt động ngân hàng, tài chính đến sản xuất, thương mại, dịch vụ...
"Cạnh tranh có tác dụng đổi mới, thúc đẩy sản xuất, là động lực để tăng trưởng kinh tế nhưng sử dụng các phương thức cạnh tranh không lành mạnh sẽ gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng", ông Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh.
Để tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Hải cho rằng, pháp luật cạnh tranh là một công cụ quan trọng hàng đầu nhằm ngăn ngừa và xử lý những hành vi cạnh tranh trái pháp luật, trái đạo đức và tập quán kinh doanh của các doanh nghiệp bảo đảm nền kinh tế thị trường vận hành trôi chảy, bao gồm: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản pháp luật có liên quan...
Bàn về giải pháp tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt, dưới góc nhìn kinh tế vĩ mô, các chuyên gia kinh tế kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành cần theo dõi sát sao, đánh giá tác động của diễn biến căng thẳng thương mại trên thế giới và xây dựng kịch bản ứng phó chủ động, kịp thời; tập trung cải cách nội tại và chú trọng thị trường trong nước; đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường kinh doanh nhằm tăng khả năng thu hút có chọn lọc đầu tư nước ngoài.
Đối với doanh nghiệp Việt, cần phát huy vai trò là trung tâm đổi mới, sáng tạo, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động, trong đó hết sức chú trọng nguồn nhân lực, công nghệ và quản trị doanh nghiệp. Đặc biệt, chủ động tiếp cận và áp dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, sớm ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 và Chiến lược kinh tế số đến năm 2030; xem xét tập trung hỗ trợ quá trình ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 cho một số ngành, doanh nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh, phù hợp với dân số, cấu trúc kinh tế và đặc điểm quốc gia, nhằm tận dụng tối đa lợi thế về dân số trẻ và có mức độ sử dụng điện thoại thông minh, internet và mạng xã hội khá cao; sớm xây dựng hành lang pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số. Để có sự chuẩn bị tốt nhất, các doanh nghiệp cần có kế hoạch ứng xử tốt, chủ động đón lường các thuận lợi, thách thức đem lại.
Thảo Lan