Kinh tế
Nữ doanh nhân thành công trong lĩnh vực sơn mài
12:28 PM 13/10/2022
(LĐXH)-Làm vì… đam mê nhưng không viển vông, bay bổng mà rất thực tế, tâm huyết và cũng đậm màu sắc kinh tế, chị Nguyễn Thị Minh Thu đã làm nên thương hiệu “Sơn mài Thu Hương” nổi tiếng, nay là Đông Phương Art và góp phần đưa được những sản phẩm sơn mài Việt Nam trở thành món quà kỉ niệm không thể thiếu trong hành lí của du khách nước ngoài khi trở về sau chuyến du lịch tới Việt Nam.
Doanh nhân Nguyễn Thị Minh Thu – Bản lĩnh điều hành 03 doanh nghiệp” vượt bão covid19
Chị Minh Thu có dáng người nhỏ nhắn, gương mặt xinh đẹp, đôi mắt sáng cương nghị khá hài hòa với khuôn miệng quyến rũ mỗi khi cười nhưng vẫn toát lên vẻ mạnh mẽ, kiên định. Chị vốn không trang sức cầu kì, không quần là áo lượt… bởi tất cả là chị để dành thời gian tối đa cho công việc. Chị kể, có giai đoạn chỉ ngủ 2 - 3giờ/ngày. Mà đó là tổng thời gian ngủ trong 24 tiếng cộng lại. Bởi do đặc thù công việc, mỗi giấc ngủ, chị chỉ giới hạn trong khoảng thời gian 30 phút đến khi chuông báo thức kêu thì sẽ dậy để làm việc.
Doanh nhân Minh Thu nhận – nhận giải thưởng Doanh nghiệp - doanh nhân xuất sắc châu á thái bình dương 2022 vinh danh những doanh nghiệp, doanh nhân xuất sắc
Sinh ra trong một gia đình “có nhà mặt đường và có cửa hàng tạp hóa chuyên bán buôn - nhưng vẫn là buôn bán nhỏ lẻ” như lời chị kể, Minh Thu tự nhận mình có tố chất kinh doanh từ nhỏ: “Ngay từ ngày còn học cấp 1, mình đã nhận thấy bản thân có thể tạo ra thu nhập. Đó là khi đi qua khu vực bãi sông Hồng, thấy người công nhân chỉ làm công việc đập các tảng đá to thành những viên đá nhỏ là được trả công, mình thốt lên Dễ quá và lập tức bắt tay vào làm công việc đầu tiên – Đập đá - để kiếm tiền”. Nhưng chỉ sau 2 ngày đập đá, nhìn đôi bàn tay nhỏ xíu sưng rộp, đỏ au, Minh Thu mới nhận ra “mình không thể làm lao động thủ công được mà phải làm việc bằng trí óc đồng thời có phương pháp làm việc thông minh hơn”. Lúc này, trong đầu cô bé 10 tuổi ấy bắt đầu “suy nghĩ nghiêm túc” về cách kiếm tiền. Năm học lớp 6, nhận thấy cách kinh doanh của bố mẹ - chỉ ngồi nhà chờ người đến lấy hàng – chưa thật sự khai thác hết thị trường, Minh Thu nảy ra ý định đi tới các cửa hàng có quy mô nhỏ hơn để tiếp thị mặt hàng mà gia đình mình thường xuyên bán buôn, đặc biệt nhấn mạnh về dịch vụ “ship hàng” tận nơi hoàn toàn miễn phí. Sau đó, chị xin phép bố mẹ sáng đi học chiều đi đưa hàng cho những khách ở xa. Ngoài ra,  nhận thấy nhà máy dệt Nam Định thường cung cấp suất ăn là mì tôm cho công nhân trong mỗi lần giao ca, thế là chị “đi xe đạp để 1 thùng mì tôm ở giỏ xe, buộc thêm 1 thùng đằng sau và kéo nguyên dàn xích lô chở hàng đến giao cho nhà máy dệt Nam Định, đó là những kỷ niệm thật đẹp không thể nào quên".
Doanh nhân Nguyễn Thị Minh Thu cùng Nghệ nhân Sơn Mài kinh nghiệm của Đông Phương Art
Với sở thích xê dịch, khám phá đó đây, học hết cấp III, Minh Thu chọn nghề Du lịch. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị vào làm việc tại một công ty du lịch lớn với vai trò điều hành tour. “Do đặc thù công việc cần nắm bắt nhu cầu, sở thích và mong muốn của khách, mình nhận thấy khách quốc tế từ châu  u, châu Úc, châu Mỹ khi đến Việt Nam rất thích mua những món quà đậm chất Việt, trong đó đặc biệt là sơn mài gồm: tranh, đồ lưu niệm... Nhưng sơn mài Việt Nam có một nhược điểm là khi sang nước ngoài bị cong vênh. Rõ ràng sản phẩm đẹp, chất lượng nhưng vì không hợp khí hậu ôn đới nên bị cong vênh, nứt ra dẫn tới khách quốc tế sẽ nghĩ là chất lượng hàng Việt Nam kém” Minh Thu chia sẻ: Sẵn có tố chất kinh doanh, cộng với tinh thần tự tôn dân tộc trỗi dậy mãnh liệt khi nhận các phản hồi “đầy khổ tâm xen lẫn nuối tiếc” của rất nhiều khách du lịch, mà sau này trở thành bạn bè của mình, Minh Thu cùng chồng quyết định “phải làm điều gì đó thay đổi thực tế đáng buồn này”. Họ quyết định khởi nghiệp bằng cách tự cung cấp cho khách du lịch quốc tế sản phẩm sơn mài đẹp nhất, chất lượng tốt nhất với giá thành hợp lí. Sau khi xác định rõ mục tiêu, chị tiếp tục tập trung nghiên cứu khách hàng và chồng đảm nhận việc đi học nghề theo đúng nghĩa của từ học: từ vỡ lòng đến chuyên sâu và sâu hơn nữa: “từ Bắc đến Nam, chỗ nào làm sơn mài cũng đều đến học hỏi cốt để tìm ra công thức khắc phục vấn đề cong vênh nứt của sơn mài Việt Nam.” Tháng 8 năm 2009,  vợ chồng chị thành lập Công ty Sơn mài Thu Hương (ghép tên chị và con gái) và mở showroom đầu tiên ở đường Bưởi – Hà Nội chuyên các sản phẩm sơn mài. Nhận thấy đây là một thị trường tiềm năng, họ quyết định thành lập xưởng sản xuất trong miền Nam vào năm 2010. Nói về lí do chọn phương Nam mở xưởng, Minh Thu cho biết các do các sản phẩm sơn mài đều làm thủ công và để khô trong bóng râm, không dùng máy móc sấy, nên thời tiết trong Nam – nóng ẩm quanh năm – sẽ phù hợp hơn.

Đông Phương Art luôn là địa chỉ được khách hàng Quốc tế đến mỗi lần

Lựa chọn con đường đi mới, khởi nghiệp từ con số 0 cả về kiến thức cũng các mối quan hệ, có thêm một chút cảm giác “bị mang tiếng với bạn bè quốc tế” và tiếc cho ngành nghề truyền thống nổi tiếng của Việt Nam chưa phát huy hết thế mạnh của mình, sau hơn một thập kỉ, Minh Thu đã đưa Đông Phương Art (thương hiệu mới của Sơn mài Thu Hương)  trở thành cái tên quen thuộc với các công ty lữ hành, với những hướng dẫn viên và lái xe du lịch, mặc định là một địa chỉ cần đến, nên đến và phải đến, rất đáng tin cậy trong lịch trình tham quan của khách quốc tế tại thủ đô Hà Nội.  Hành trình 13 năm chưa thể nói là dài nhưng đủ để người phụ nữ tuổi Kỉ Mùi thấy mình đã “may mắn có được thành công” để từ đó hoàn thành mục tiêu cao cả tiếp theo mà chị xem đó như là sứ mệnh của mình: Trở thành một doanh nhân vì cộng đồng.
Gọi Nguyễn Thị Minh Thu là một nữ doanh nhân thành đạt cũng đúng mà xếp chị vào hàng ngũ những người phụ nữ làm kinh tế giỏi cũng không sai. Bởi với chị, tất cả các danh hiệu, những cụm từ dài dòng mĩ miều đó không quan trọng bằng những gì chị đã và đang đóng góp cho quê hương. Điều tuyệt vời đáng trân trọng ở người phụ nữ này là tất cả những công việc thiện nguyện chị làm đều từ trong tâm và hoàn toàn âm thầm với phương châm “nếu thích nếu muốn làm thì cứ tiến hành làm thôi, không để ý chuyện phải thông báo cho mọi người biết.” “Sau khi làm 10 căn nhà tình thương giúp người nghèo ở quê chồng, Nam Định, biết tin tỉnh Hà Nam, quê mình, có chương trình xóa hộ nghèo, cụ thể là xóa bỏ nhà tranh vách đất, khoảng 1000 căn, mình tham gia ngay,” Minh Thu kể. Chị còn cho biết thêm, cách đây không lâu chị có tham gia buổi gặp gỡ do đại sứ quán vương quốc Hà Lan tổ chức, khi được giới thiệu là một doanh nhân vì cộng động và nhận được lời đề nghị chia sẻ một vài hình ảnh về các chuyến thiện nguyện, chị đã rất “bất ngờ và bối rối như người mắc lỗi vậy vì… không có gì để trưng ra”.
Dường như khó có thể thuyết phục người khác về việc một người phụ nữ mới ngoài 40, xinh đẹp, hiện đại và tân tiến, lại ngại và ít chụp ảnh, không mặn mà thiết tha gì với mạng xã hội. Nhưng tiếp xúc, gặp gỡ và tìm hiểu sâu về công việc của Minh Thu trên cương vị Giám đốc điều hành của 3 công ty, về gánh nặng đảm bảo sinh kế hàng ngày cho hơn 300 nhân viên trên vai chị, có lẽ mọi người sẽ hiểu lí do vì sao có câu “cái gì cũng có lí do của nó” - vốn là câu cửa miệng quen thuộc trong đời sống hàng ngày. “Mình đi trao nhà cũng không chụp ảnh, đi trao bò cũng không chụp ảnh, tặng xe cho các em học sinh nghèo vượt khó, tặng sổ tiết kiệm cho các bác thanh niên xung phong vì mình nghĩ làm vì cái tâm thôi, không cần thiết phải lưu lại - Mà chị có chụp cũng đâu có lúc nào ngắm, đến ngủ còn phải tranh thủ nữa là”, nghe thấy vậy, Minh Thu cười, nụ cười truyền cảm hứng cho người đối diện – một niềm tin – có thể một cô gái xinh đẹp thường cần có đại gia ở bên, nhưng Minh Thu thì không, vì chị chính là đại gia của mình rồi.
Tất nhiên, đồng hành với chị còn một đại gia nữa thuộc diện “nhà trồng được”, người mà khiến cậu con trai 3 tuổi thông minh, lém lỉnh vì nghe quá nhiều và bị ấn tượng đến nỗi bắt chước câu nói cửa miệng của bố - “Vợ yêu, vợ yêu ơi” thay cho cách gọi Mẹ ơi, hàng ngày . Đó là người mà chị luôn trân trọng và biết ơn trên hành trình cuộc đời này. Bởi để nói về người ấy, người bạn đời, đồng hương, đồng nghiệp, người đồng hành trên con đường từ khởi nghiệp đến lập nghiệp và hành nghiệp… Minh Thu sẽ cần rất nhiều thời gian mới có thể chia sẻ hết được./.
PV