Xã hội
Nơi thắp lên hy vọng cho những trẻ em nhiễm H
10:48 AM 10/12/2016
Nằm trong một con phố nhỏ của thành phố Hải Phòng, Trường Lao động Xã hội Thanh Xuân được biết đến như mái ấm của các trẻ em nhiễm H, nơi đây luôn ngập tràn tình yêu thương của những “người mẹ” không quản vất vả ngày đêm hay thậm chí cả “nguy hiểm” để đem đến cho các “con” những phút giây hạnh phúc.
Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh
Là cơ sở bảo trợ xã hội với chức năng quản lý, điều trị cho đối tượng cai nghiện bắt buộc và tự nguyện cho cả nam và nữ, người lang thang xin ăn... Từ năm 2009, Trường Lao động Xã hội Thanh Xuân được giao thêm nhiệm vụ nuôi dưỡng trẻ mồ côi nhiễm H và điều trị Methadone cho người tự nguyện cai nghiện ma túy. Hiện Trường đang nuôi dưỡng và điều trị ARV (thuốc kháng HIV) cho 30 trẻ từ vài tháng tuổi đến 18 tuổi.
Chăm sóc trẻ bị nhiễm HIV ở Trường Thanh Xuân
Chúng tôi đến thăm Trường Lao động Xã hội Thanh Xuân vào một buổi chiều đông giá lạnh, nhưng tôi cảm thấy ấm áp lạ kỳ khi nhìn hình ảnh những cán bộ nơi đây (mà các con vẫn gọi với từ thân thương là “mẹ”) ân cần chăm sóc, dạy dỗ các các con từ bữa ăn, giấc ngủ đến việc học hành. Dẫn chúng tôi đi thăm Trường, Giám đốc Phạm Thị Thu Hiền chia sẻ: Mỗi cháu một hoàn cảnh, song đều mang trong mình virus HIV. Hầu hết các cháu khi tiếp nhận vào đây đều bị suy dinh dưỡng nặng, viên gan siêu vi B-C, lao, nhiễm trùng da, có cháu bị người thân mang vứt bỏ ngoài cổng Trường và được các nhân viên đưa về chăm sóc và điều trị. Nhiều cháu có độ tuổi lớn biết mình bị nhiễm HIV tỏ ra tự ti, chán nản, thậm chí “sốc”. Tuy nhiên, khi về Trường, các cháu được các nhân viên, cán bộ, giáo viên gần gũi, chia sẻ, giúp nhanh chóng hoà nhập với tập thể và được tham gia các hoạt động ngoại khoá, được chăm sóc, điều trị đúng phác đồ và tư vấn về các biện pháp tránh lây nhiễm. Đến nay toàn bộ các cháu đều khoẻ mạnh. Bên cạnh đó, các cháu còn được học chăm sóc bản thân, kỹ năng sống, được học tập như những trẻ em cùng trang lứa…
Hiên tại hơn 20 cháu đang ở độ tuổi đến trường đã được đi học ở các trường học trên địa bàn để hòa nhập với các bạn cùng trang lứa. Hàng ngày cán bộ dẫn các cháu đi học, các cháu được hướng dẫn mang theo bông băng, găng tay để tự bảo vệ mình và các bạn, nếu cháu nào bị xây xước cần lập tức dán ngay bông băng và đi găng tay, tránh bệnh có cơ hội lây nhiễm ra các bạn khác. Cháu Vũ Thị Thúy Hằng, năm nay 16 tuổi, đang học lớp 8 kể: “Chúng cháu chơi với các bạn cùng lớp rất thân, hầu như không có phân biệt gì cả. Trước khi đến lớp, chúng cháu đã được các cô, các bác ở nhà tập huấn kỹ lưỡng, tư vấn xử lý các tình huống xảy ra. Thầy cô và bè bạn đều hòa đồng với cháu, hiện cháu có rất nhiều bạn ở bên ngoài, cứ dịp sinh nhật hay ngày lễ, các bạn lại vào Trường để vui cùng”.
Nghe cháu Hằng kể như vậy tôi cảm thấy rất vui vì các cháu phần nào cũng đã được xã hội đón nhận. Có thể nói đó là sự nỗ lực rất lớn của Ban lãnh đạo Trường Thanh Xuân, cũng như các cơ quan chức năng của Thành phố Hải Phòng trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cộng đồng để bớt đi sự kỳ thị, phân biệt đối với người nhiễm HIV/AIDS.
Sự hy sinh thầm lặng
Chúng tôi dừng lại ở khu nhà cấp 4 có khoảng mười phòng, nhìn ra một khoảng sân rộng, thoáng đáng, sạch sẽ - đây chính là nơi ở, sinh hoạt của các cháu được phân theo độ tuổi, giới tính khác nhau. Phòng của các anh chị lớn được kê bàn học ngăn nắp, gọn gàng, phòng của các em bé có đồ chơi như: gấu bông, ô tô... Giờ này, các anh chị lớn đi học chưa về, chỉ còn lại độ chục em nhỏ khoảng chừng 2, 3 tuổi đang chơi đùa cùng các “mẹ”. Tận mắt chứng kiến các cô bảo mẫu chăm sóc trẻ nhiễm HIV, chúng tôi không khỏi xúc động và cảm nhận được tình yêu thương vô bờ của các cô dành cho những đứa trẻ đang ở tận cùng của nỗi đau.
Chị Phạm Thị Minh, người đã có gần 10 năm làm công việc chăm sóc trẻ cho biết, hàng ngày, công việc của chị và các nhân viên là chăm lo từng bữa cơm, tắm giặt, vệ sinh cá nhân và giáo dục cho gần 30 đứa trẻ ở đây. Chị tâm sự: “Đây là một công việc đầy nhọc nhằn, nhưng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc và ấm áp. Tôi thấy thương các con vô cùng, bởi các con có hoàn cảnh rất bất hạnh khi mồ côi cha mẹ, lại mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Dù chúng tôi có chăm sóc, yêu thương các con bao nhiêu cũng không thể bù đắp những nỗi đau mà chúng đang và sẽ phải trải qua. Đây chính là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với với các con”.
Ngoài kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ, tôi nhận thấy rằng những người làm công tác này phải có trái tim nhân hậu, biết cảm thông và thực sự kiên trì. Có thể thấy 56 cán bộ, giáo viên đang công tác tại Trường Thanh Xuân vừa là thầy, vừa là cha mẹ của các cháu. Họ thay phiên nhau làm việc 24/24 giờ, không ngại nguy cơ lây nhiễm. Một bà mẹ bình thường ở nhà chăm con nhiều khi còn vất vả, các chị, các mẹ ở đây phải chăm sóc đến mấy chục em không được bình thường, mà đâu chỉ mỗi việc cho ăn, còn phải theo dõi bệnh tình, lịch uống thuốc tắm rửa, vệ sinh, giặt đồ cho các em. Nếu không có tấm lòng của một người mẹ, tình yêu thương đối với trẻ, không ngại lây nhiễm, chắc chắn, khó có ai “trụ” lại được với nghề.
Phải trực tiếp chứng kiến cuộc sống thực tế của các em, sự nỗ lực không ngừng của những giáo viên, điều dưỡng viên, y tá đã nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em hàng ngày ở Trường Lao động Xã hội Thanh Xuân, mọi người mới có thể hiểu được sự vất vả, sự hi sinh thầm lặng của những “anh hùng” nơi đây. Vẫn cần lắm những tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm, cần lắm sự cảm thông, những hành động thiết thực của cộng đồng. Một bữa ăn có thêm chút dinh dưỡng, một ánh mắt nhìn bớt đi sự kỳ thị cũng đã góp một phần nhỏ giúp các em chống lại bệnh tật, kéo dài thêm sự sống mong manh.
Chia tay mái ấm Thanh Xuân ra về, trong tôi vẫn còn mãi hình ảnh những đôi mắt trong veo đang ánh lên hi vọng vào ngày mai tươi sáng. Dẫu biết rằng còn nhiều đau thương, mất mát đang chờ ở phía trước nhưng các con hãy cứ hi vọng, cứ lạc quan vào tương lai và hãy luôn ghi nhớ rằng ở bên các con luôn có những tấm lòng ấm áp, sẻ chia./.
Nguyễn Hiền