Xã hội
Nơi người khuyết tật được quan tâm chăm sóc
12:11 PM 22/11/2017
Với sự đồng hành của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD (gọi tắt là Trung tâm DRD, địa chỉ tại quận 2, TPHCM), nhiều người khuyết tật đã tự tin giao tiếp hòa nhập cộng đồng, tìm được việc làm ổn định và có được cuộc sống hạnh phúc.
Trang bị kỹ năng cho người khuyết tật
Trung tâm DRD ra đời năm 2005, do chính những người khuyết tật thành lập, nay thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, với nhiệm vụ: Làm chỗ dựa cho người khuyết tật; nghiên cứu về khía cạnh quyền của người khuyết tật và năng lực, cơ hội bình đẳng, sự tham gia công bằng của người khuyết tật trong các hoạt động kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội.
Giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng ảnh 1 Người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng.
Với mong muốn giúp người khuyết tật thực sự ổn định cuộc sống, Trung tâm DRD đã động viên người khuyết tật học tập qua việc hỗ trợ học bổng hàng tháng với tên gọi “Đồng hành cho và nhận” (500.000 - 1 triệu đồng/suất/tháng) cho 345 sinh viên đến lúc ra trường, tập huấn kỹ năng sống cho các em này. Đổi lại, các em tham gia dạy kèm những bạn khuyết tật nặng không thể tới trường tại các trung tâm, mái ấm, nhà mở, hoặc tham gia vào các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật. Trung tâm DRD còn trao tặng 432 xe lăn, xe lắc, nạng và 256 máy tính cho thanh niên khuyết tật; tổ chức dịch vụ xe ba bánh hỗ trợ đưa rước người khuyết tật, dịch vụ trợ giúp cá nhân để người khuyết tật ít giúp người khuyết tật nhiều trong một số hoạt động học tập, sinh hoạt hàng ngày.
Để giúp người khuyết tật có việc làm, Trung tâm DRD đã tổ chức các buổi hướng nghiệp, tập huấn kỹ năng tìm việc và giới thiệu việc làm. Nhờ vậy, gần 500 người khuyết tật đã tìm được việc làm. Hiện có hơn 200 doanh nghiệp thường xuyên tham gia tuyển dụng người khuyết tật tại Trung tâm DRD. 24 người khuyết tật sinh hoạt tại Trung tâm DRD đã có doanh nghiệp riêng tại TPHCM và Lâm Đồng, vừa có công việc ổn định, vừa tạo việc làm cho những người đồng cảnh ngộ.
Bà Lưu Thị Ánh Loan, quyền Giám đốc và là người đồng sáng lập Trung tâm DRD, chia sẻ: “Cũng là người khuyết tật, nên chúng tôi hiểu người khuyết tật, hết lòng động viên và trang bị kỹ năng để người khuyết tật tự làm đẹp cho cuộc sống của mình dù ở bất kỳ môi trường nào. Hiện nhiều người đã hòa nhập rất tốt để phát triển và tự lập, có việc làm ổn định để tự nuôi sống bản thân”.
Giúp người khuyết tật sống tự tin 
Bị tai nạn giao thông khi đang học lớp 11, liệt từ thắt lưng trở xuống, nhưng Dương Đình Thảo Phương (quê An Giang) đã không cam chịu ngồi một chỗ chờ sự giúp đỡ của người thân. Nhờ tham gia Trung tâm DRD, Thảo Phương đã tự tin hơn, biết kỹ năng đi xin việc, xông xáo tham gia các hoạt động hội nhóm dành cho người khuyết tật, và nay đã có gia đình hạnh phúc, có việc làm ổn định.
Mới đây, Thảo Phương tách ra làm riêng tại nhà để có thời gian chăm sóc gia đình. Thảo Phương tâm sự: “Hồi ấy, được một người bạn rủ đến dự buổi tập huấn của Trung tâm DRD về kỹ năng xin việc dành cho người khuyết tật, tôi nghĩ cứ thử đi xem sao, không ngờ tôi học được những điều rất thiết thực như cách thuyết phục nhà tuyển dụng, cách hòa nhập với cuộc sống xung quanh. Tôi tiếp tục tham gia, nhờ vậy mà tôi có được việc làm ổn định để tự lo được cho bản thân”.
Còn chị Nguyễn Diệu Trinh (ngụ tại quận Phú Nhuận, TPHCM) kể: “Khi mới 8 tháng tuổi, cơn sốt bại liệt khiến đôi chân tôi bị teo tóp, lớn lên trong nỗi buồn và mặc cảm. Trung tâm DRD đã giúp tôi tự tin học hỏi, giao tiếp, tự làm chủ cuộc sống của mình và trở thành người có ích cho xã hội”. Hiện nay chị Trinh không chỉ tự lo được cho cuộc sống của mình, mà còn tạo việc làm ổn định cho gần 10 người khác bằng nghề thêu tay.
Bà Lưu Thị Ánh Loan cho biết, hiện có hơn 4.000 người thường xuyên tham gia các hoạt động của Trung tâm DRD. Không chỉ ở TPHCM, Trung tâm DRD còn mở rộng hoạt động hỗ trợ người khuyết tật ở Tây Ninh và Bình Định. Trong số đó, có trên 90% người khuyết tật được nâng cao nhận thức và tự tin, trên 80% người khuyết tật có khả năng tự lập và ứng phó được với các tình huống xảy ra trong cuộc sống.
Thu Hường