Xã hội
Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về an sinh xã hội năm 2021
03:44 PM 05/12/2021
(LĐXH) - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang gây ra rất nhiều khó khăn, thiệt hại đối với kinh tế-xã hội đất nước, trong đó có ngành BHXH Việt Nam. Trước thực trạng đó, toàn ngành BHXH tiếp tục tập trung hơn nữa, thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 11/2021, cả nước đã có trên 15,9 triệu người tham gia BHXH (đạt 31,96% lực lượng lao động), trong đó số tham gia BHXH bắt buộc là hơn 14,6 triệu người, tham gia BHXH tự nguyện hơn 1,2 triệu người. Số tham gia BH thất nghiệp là hơn 12,9 triệu người (đạt 25,98% LLLĐ); và gần 84 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ 85,77% dân số). Tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng đạt 84,58% kế hoạch Chính phủ giao, đạt 81,10% kế hoạch mà ngành BHXH Việt Nam đã đặt ra. Dù vậy, vấn đề đáng lưu tâm là tổng số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng gia tăng, với con số 27.3143 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,79% so với số phải thu (so với cùng kỳ năm 2020, số tiền nợ giảm 7.137 tỷ đồng, tỷ lệ nợ so với số phải thu tăng 2,1%).
Số người tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BHYT có sự tăng trưởng so với tháng 10/2021 nhưng tốc độ tăng còn chậm. Ước tính từ nay đến cuối năm 2021 số người tham gia còn phải phát triển để đạt kế hoạch đề ra là rất lớn. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn khi chỉ còn 1 tháng nữa để hoàn thành mục tiêu đặt ra. Bên cạnh đó, số người nhận BHXH một lần mặc dù đã giảm nhưng số lũy kế 11 tháng năm 2021 vẫn lên tới gần 1 triệu người.
ổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tại Hội nghị giao bán tháng 12/2021
Tính đến cuối tháng 11, BHXH các địa phương đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ cho hơn 11.778.660 lao động (trong đó: đang tham gia BHTN là gần 11 triệu người; đã dừng tham gia BHTN là hơn 785 nghìn người) với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 28 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh chính sách hỗ trợ từ quỹ BHTN theo Nghị quyết số 116, Quyết định số 28 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, ngành BHXH Việt Nam đang tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 đạt nhiều kết quả tích cực.
Trong thời gian qua, BHXH các tỉnh, thành phố đã tập trung vào một số giải pháp có hiệu quả tốt phát triển đối tượng như nắm bắt tình hình hoạt động DN trên địa bàn để thông tin đến NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương hoặc chấm dứt HĐLĐ quay trở lại làm việc, tiếp tục tham gia BHXH, BHYT; tích cực rà soát dữ liệu cơ quan thuế cung cấp để phát triển người tham gia; tăng cường các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành; thanh tra chuyên ngành đột xuất các đơn vị nợ đọng, không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý đối với các đơn vị cố tình vi phạm; phối hợp, đôn đốc cơ quan tài chính chuyển tiền đóng, hỗ trợ đóng; tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương tiếp tục trích tiền ngân sách mua thẻ BHYT cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai các giải pháp phát triển BHYT HSSV; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hội nghị khách hàng để vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.
 Ông Nguyễn Văn Cường Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam 
phát biểu tại Hội nghị.
Tại hội nghị giao ban tháng 12/2021 vừa được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam đã đánh giá tác động của các Nghị quyết 68, Nghị quyết 116, Nghị quyết 126 làm cơ sở điều chỉnh dự toán thu chi BHXH, BHYT, BHTN năm 2021; Báo cáo về số lượng cắt giảm tiết kiệm năm 2021 trên cơ sở Nghị Quyết 58 ngày 08/06/2021 của Chính phủ và thực hiện việc nộp lại các quỹ BHXH, BHYT, BHTN; Xây dựng đề cương nghiên cứu thí điểm hình thức đấu thầu tiền gửi tại ngân hàng thương mại Nhà nước theo quy định để nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ, qua đó có cơ sở để thực hiện trong năm 2022; Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021-2025; Báo cáo kết quả thực hiện đầu tư quỹ 2021 và điều chỉnh các phương án đầu tư quỹ năm 2022. Để chuẩn bị nội dung phiên họp thường kỳ Quý IV, đồng chí Nguyễn Văn Cường chỉ đạo Văn phòng Hội đồng quản lý bố trí lịch làm việc với một số đơn vị chuyên môn của BHXH Việt Nam để đánh giá các nội dung có liên quan. 
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Manh, để hoàn thành các chỉ tiêu thu và phát triển đối tượng tham gia, cần tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại kế hoạch, chương trình hành động của BHXH Việt Nam triển khai các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP của Chính phủ; chủ động, bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 để xây dựng giải pháp, kịch bản điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ, ứng phó với dịch bệnh và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được giao năm 2021. Đồng thời, triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong những tháng cuối năm; phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT. Đặc biệt, tăng cường các hoạt động truyền thông trực tuyến, tập trung trực tiếp vào các nhóm đối tượng có khả năng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp, người lao động, người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID- BHXH số, đảm bảo hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu đề ra.
Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2022; tổ chức hoạt động thanh tra chuyên ngành năm 2021 phù hợp với tình hình diễn biễn dịch bệnh Covid-19; tăng cường đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử (khai thác các cơ sở dữ liệu của Ngành, phân tích, đánh giá, đưa ra cảnh báo, đôn đốc; tập trung thanh tra chuyên ngành, kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng kéo dài, có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp).
Giải quyết một số vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT của các đơn vị phòng chống dịch Covid-19. BHXH các tỉnh, thành phố giải quyết một số vướng mắc trong thực hiện hợp đồng và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 và trạm y tế lưu động; thực hiện việc thanh quyết toán chi phí KCB BHYT cho cơ sở KCB sau khi có Thông tư tạm dừng thực hiện phương thức thanh toán theo định suất. Tiếp tục phát triển người tham gia BHYT, BHYT học sinh, sinh viên, đặc biệt hỗ trợ người lao động tham gia BHYT trong đại dịch Covid-19.
Về công tác thu, tiếp tục phối hợp, tham gia với Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non. Chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố giải quyết vướng mắc trong việc thu BHXH, BHTN, BHYT đối với người lao động trong thời gian ngừng việc có hưởng tiền lương ngừng việc; đồng thời bám sát các kế hoạch thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT của BHXH Việt Nam để tập trung, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao năm 2021.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông đa dạng, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, diễn biến từng cấp độ dịch bệnh Covid-19 và việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Ngành trong thời điểm cuối năm 2021. Nội dung truyền thông tập trung vào các chủ đề, như: kết quả triển khai các chính sách hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; truyền thông phát triển người tham gia BHXH, BHYT; về các sự kiện đối ngoại quan trọng của Ngành; chú trọng thông tin, tuyên truyền vận động NLĐ không nên nhận BHXH một lần; cảnh báo người dân trước những chiêu trò lợi dụng việc nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN để lừa đảo… Đặc biệt, toàn ngành "dốc sức" triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tiếp tục giao chỉ tiêu phát triển đến từng cán bộ, đại lý thu. Thực hiện phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát trong thực hiện mọi nhiệm vụ.
Nam Khánh