Xã hội
Nỗ lực của người thương binh vươn lên làm giàu từ nương rẫy
02:15 PM 13/11/2017
(LĐXH)- Thương binh hạng 4/4 Phạm Nhật Lệ, 56 tuổi, ở bản Co Phèn, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã là tấm gương tiêu biểu làm theo lời Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, gương mẫu chấp hành chủ trương chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước, vươn lên làm giàu chính đáng.
Giờ đây, cuộc sống của gia đình ông cũng như phần đông gia đình trong bản Co Phèn đã có cuộc sống khấm khá hơn, hộ đói không còn, hộ nghèo cũng giảm, ai nấy vui vẻ, rộn ràng với cuộc sống nương rẫy. Ông cảm thấy sung sướng khi con trẻ nhà nào cũng được đến lớp, hay đi học nghề giúp ích cho xã hội, người người hăng say lao động xóa đi đói nghèo, lạc hậu.
Thương binh Phạm Nhật Lệ tâm sự: “Có được sự chuyển biến ở bản làng ngày hôm nay như vậy, theo tôi là có sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Không những vậy, các ngành các cấp của xã cũng như huyện đã hỗ trợ, hướng dẫn cho chúng tôi sản xuất, cách áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào nông nghiệp; vận động bà con bãi bỏ những tập tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của địa phương”.
Thương binh Phạm Nhật Lệ phát biểu tại buổi gặp mặt nhân ngày 27/7 do UBND huyện Sông Mã tổ chức
Trở về từ chiến trường biên giới phía Bắc với vết thương trên cơ thể, đầu những năm 1990, giống như bao gia đình khác trong bản, gia đình thương binh Phạm Nhật Lệ sản xuất không đủ ăn, năm nào cũng thiếu đói trong thời điểm giáp hạt, đau ốm không có tiền mua thức ăn bồi dưỡng, con cái không được ăn no mặc đẹp để cắp sách đến trường, nhà cửa tạm bợ, đồ dùng thiếu thốn...
Nhìn cảnh gia đình còn thiếu thốn trăm bề, bản làng hộ nghèo còn nhiều, trong khi gia đình có ruộng đất rộng. Ông không chịu khuất phục và bàn với vợ con là phải phấn đấu làm giàu. Nghĩ ra vậy, nhưng ông chưa hình dung được phải làm như thế nào, tiền thì không có; cây sắn, ngô, lúa cũng chỉ đủ ăn... Buổi đâu bắt tay vào làm, ông gặp không ít khó khăn, lúng túng, sau rồi cũng vỡ lẽ, rằng có đất để sản xuất là một chuyện, quan trong là phải biết tiết kiệm chi tiêu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cho năng suất cao.
Từ năm 1995, gia đình ông tiếp tục mở rộng diện tích đất sản xuất và trồng các loại cây như nhãn, xoài. Và rồi đất không phụ công người, đến nay gia đình thương binh Phạm Nhật Lệ đã sở hữu 2 héc ta nhãn và xoài đã cho thu hoạch đều đặn. Ngoài ra, trung bình mỗi năm, gia đình ông nuôi lợn thịt xuất chuồng khoảng 2 tấn, bên cạnh đó là gà thả vườn, nuôi cá...
“Tôi thực hiện tiêu chí lấy ngắn nuôi dài và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Tôi trồng ngô, các loại đậu đỗ để bán rồi quay lại đầu tư cho nhãn, xoài nên thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Tính thu nhập bình quân là khoảng 2 triệu đồng/khẩu/tháng” - thương binh Phạm Nhật Lệ phấn khởi nói.
Gia đình thương binh Phạm Nhật Lệ vươn lên từ cây nhãn
Hiện nay, ông đã xây được một căn nhà cấp 4 khang trang; mua sắm được xe máy, TV, tủ lạnh và nuôi 2 con ăn học trưởng thành. Đến nay, người con đầu của thương binh Phạm Nhật Lệ đã ra trường công tác tại Bệnh viện huyện Sông Mã, người con thứ 2 vừa tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, được một số nơi mời gọi về làm việc nhưng anh đang cân nhắc. Bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu của bản thân và gia đình, thương binh Phạm Nhật Lệ cũng không ngừng vận động bà con trong bản cùng học tập và làm theo để xóa đói giảm nghèo. Hiện nay trong bản, số hộ nghèo giảm dần, không còn hộ đói. Bản thân ông và gia đình đã được Ủy ban nhân dân huyện tặng nhiều giấy khen trong những năm qua và được công nhận “Gia đình văn hóa”.
Thương binh Phạm Nhật Lệ chia sẻ: “Có được như ngày hôm nay, tôi và bà con dân bản bày tỏ lòng biết ơn đảng và Nhà nước, lãnh đạo các cấp đã tạo mọi điều kiện thuận lợi và hướng dẫn các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chỉ bảo tận tình cho dân làng cách làm ăn. Còn về gia đình muốn thoát nghèo thì phải giữ đất sản xuất, không được bán đất và phải làm theo hướng dẫn của cán bộ; phải biết chi tiêu tiết kiệm để dành cho đầu tư vào mua cây con giống, phân bón sản xuất. Việc sinh đẻ cũng phải có kế hoạch để con cái được nuôi dưỡng chu đáo, được đi học đến nơi đến chốn. Thực tế cho thấy, người lớn chúng ta bao đời nghèo đói vì không được học hành, do đó giờ đây phải tạo điều kiện cho con em được học hành tốt, học cho giỏi, tránh xa các tệ nạn xã hội và không vi phạm pháp luật. Tôi cũng rất tự hào là gia đình đã có của ăn của để và phần nào giúp đỡ được bà con trong bản cùng vươn lên thoát nghèo”.
Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), ông là một trong số 45 đại biểu được vinh dự tham dự buổi gặp mặt gia đình người có công với cách mạng tiêu biểu do UBND huyện Sông Mã tổ chức./.
Hồng Minh
Từ khóa: thương Binh Sông mã