Lao động
Ninh Thuận: Thực hiện trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động
02:27 PM 14/12/2020
(LĐXH) - Từ đầu năm 2020 đến nay, số lao động trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có chiều hướng tăng, nhất là sau thời gian ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 do một số doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, ngừng sản xuất, kéo theo hệ lụy người lao động không có việc làm, không có thu nhập, cuộc sống gặp khó khăn.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tiếp nhận hơn 5.000 hồ sơ xin hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đặc biệt, trong hai tháng 4 và 5, số lượng lao động mất việc làm tăng đột biến lên đến trên 1.530 người; từ tháng 6 đến tháng 7 là 909 người, nâng tổng số hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 3.326/2.474 người, tăng 34,43% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lao động trong tỉnh là 1.455 người, lao động làm việc ngoài tỉnh 1.269 người, tăng lần lượt là 52,51% và 48,76% so với cùng kỳ. Số người có quyết định được phê duyệt hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng là 2.378 người với tổng số tiền hơn 31, 9 tỷ đồng, tăng 79,40% so với năm 2019. Các ngành nghề bị ảnh hưởng trong mùa dịch Covid-19 chủ yếu là may mặc, du lịch...
Người lao động đăng ký thủ tục trợ cấp BHTN và tìm kiếm cơ hội quay lại thị trường lao động
Về triển khai chính sách BHTN, theo ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong những tháng vừa qua, trước tình hình dịch bệnh gây khó khăn nhiều mặt đến đời sống của người lao động cũng như tình hình kinh tế - xã hội chung, được sự chỉ đạo của Sở Lao động – TBXH, Trung tâm đã tăng cường lực lượng để giải quyết hồ sơ cho người lao động kịp thời, đồng thời tư vấn giới thiệu việc làm để người lao động sớm quay lại thị trường lao động. Trong quá trình đó, đơn vị tiếp tục triển khai những vấn đề phát sinh, vướng mắc và giải pháp khắc phục trong quá trình tổ chức, thực hiện bảo hiểm thất nghiệp đến tập thể, viên chức, nhân viên Phòng Bảo hiểm thất nghiệp để kịp thời cập nhật và thực hiện có hiệu quả.
Theo đó, trong thời gian người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm sẽ giới thiệu khóa học nghề phù hợp và giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp tìm kiếm việc làm. Trường hợp trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu người lao động tìm được việc làm thì phải thông báo ngay cho Trung tâm - nơi nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo quy định, điều kiện hưởng chính sách BHTN là người lao động làm việc đủ từ 12-36 tháng được hưởng 3 tháng, cứ làm thêm 1 năm thì được hưởng thêm 1 tháng, tối đa không quá 12 tháng.
Bên cạnh đó, để giúp người lao động được hưởng đầy đủ các chính sách, chế độ cũng như sớm tìm kiếm được việc làm ổn định, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTN theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội cho người lao động và các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đóng BHTN trên địa bàn tỉnh... Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cũng đã chủ động thực hiện đầy đủ các thủ tục về BHTN, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, giảm bớt khó khăn cho người lao động khi mất việc.
Với tinh thần trách nhiệm cao, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận luôn nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra, rà soát hồ sơ, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện hoặc tính sai mức tiền hưởng, mức thời gian hưởng BHTN. Và qua thực tiễn hoạt động, có thể nhận thấy, chính sách BHTN đã thực hiện tốt vai trò là “điểm tựa” cho người thất nghiệp, là “cứu cánh” của nhiều lao động mất việc trong thời điểm khó khăn.
Theo dự báo, số lượng lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có xu hướng tăng, trung bình khoảng 2.400 lao động/năm. Điều này cho thấy nhu cầu về giải quyết việc làm tương đối lớn, năm sau cao hơn năm trước, số lượng doanh nghiệp tham gia BHTN ngày càng tăng, do đó, thời gian tới, trong thực hiện công tác chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ việc làm tiếp tục thực hiện theo mô hình 671; tăng cường hợp tác với cơ quan Bảo hiểm xã hội, Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách, phát hiện và xử lý các trường hợp trục lợi BHTN. Đồng thời, thực hiện khảo sát, phân tích, đánh giá tỷ lệ người lao động mất việc làm sau khi hưởng trợ cấp, quay lại thị trường lao động; phối hợp với cơ quan chức năng giám sát các cơ sở đào tạo nghề cho người lao động đang theo học nghề theo Quyết định hỗ trợ học nghề của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp có lao động đã và đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề để triển khai công tác đào tạo nghề và đào tạo lại cho người lao động để chuyển đổi nghề tham gia thị trường lao động./.
Trần Huyền