Lao động
Ninh Thuận: Thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động
12:21 PM 14/12/2018
(LĐXH) - Tính đến hết quý III/2018, toàn tỉnh Ninh Thuận đã tuyển mới đào tạo nghề cho 9.203/8.500 người, đạt 108,27% kế hoạch năm, tăng 0,30% so với cùng kỳ năm 2017, riêng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt 2.902 người, đưa tổng số lao động nông thôn đã qua đào tạo đạt 56.86%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 22,52%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh đến thời điểm này đạt 40,52%.

Hiện nay, để giải quyết việc làm cho người lao động đặc biệt nhất là đối với học sinh, sinh viên đã qua đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức triển khai đến UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo các thôn, khu phố thống kê số lao động có nhu cầu việc làm (trong tỉnh, ngoài tỉnh, ngoài nước) trình độ học vấn, lao động phổ thông, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, độ tuổi, giới tính... Tổng hợp kết quả gởi về Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố hoặc gởi trực tiếp về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Sau khi nhận được nhu cầu giải quyết việc làm cho người lao động ở từng địa phương. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo phòng chức năng, Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp đến địa phương để tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp với trình độ, chuyên môn được đào tạo của người lao động.

Ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH
trao chứng nhận lớp đan móc len thủ công cho học viên là người khuyết tật

Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm và có các Doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng lao động vào ngày 5 và 20 hàng tháng để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm việc làm cho người lao động, sinh viên sau đào tạo.

Theo báo cáo tính đến hết 09 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 16.667/15.500 lao động, đạt 107,52% kế hoạch năm; đưa đi xuất khẩu lao động được 167 lao động; tuyển mới đào tạo nghề cho 9.203/8.500 người, đạt 108,27% kế hoạch năm, tăng 0,30% so với cùng kỳ năm 2017, riêng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt 2.902 người, đưa tổng số lao động nông thôn đã qua đào tạo đạt 56.86%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 22,52%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh đến thời điểm này đạt 40,52%. Các chỉ tiêu cơ bản đều vượt kế hoạch đề ra.

Qua các khóa tập huấn ngắn hạn, lao động nông thôn được đào tạo nghề,
năng suất lao động đã từng bước được cải thiện

Thời gian tới, để người lao động, học sinh, sinh viên trên địa bàn sau khi được đào tạo nghề có cơ hội việc làm phù hợp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các ngành, các cấp sẽ tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lao động, đặc biệt là thanh niên, về học nghề và lập nghiệp, để người lao động xác định được ngành nghề theo học phù hợp với năng lực của bản thân và nhu cầu của thị trường lao động; khuyến khích người lao động (bao gồm cả sinh viên sau khi tốt nghiệp) chủ động tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm, bồi dưỡng nâng cao hoặc chuyển đổi lĩnh vực, ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở theo hướng khuyến khích học sinh tham gia học nghề, giảm số lượng tham gia cao đẳng, đại học chuyên nghiệp để điều chỉnh cung - cầu theo hướng phù hợp với thực tế thị trường lao động, tránh tình trạng thất nghiệp hoặc phải làm việc không đúng với chuyên môn được đào tạo.

Hai là, tiếp tục đầu tư củng cố, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, cụ thể: Tổ chức thực hiện tốt các cuộc thu thập nhu cầu học nghề của người lao động; nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp theo trình độ đào tạo để thông tin, định hướng đúng cho người lao động lựa chọn ngành, nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có nhu cầu tìm kiếm việc làm thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh; tăng cường hoạt động giao dịch việc làm; tổ chức phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm, tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh để doanh nghiệp, người lao động giao dịch việc làm được thuận lợi.

Ba là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ tạo việc làm: Chính sách hỗ trợ đối với thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là thanh niên); hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tạo việc làm; hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động ở khu vực nông thôn, trong đó bao gồm cả sinh viên có nhu cầu học nghề; hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với lao động thuộc gia đình có công với cách mạng, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp hoặc người dân tộc thiểu số có nhu cầu đi xuất khẩu lao động.

Trần Huyền