Lao động
Ninh Thuận: Những hướng đi đúng đắn trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động
11:06 AM 23/03/2020
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và địa phương trong việc đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với lĩnh vực giải quyết việc làm, trong những năm qua Ninh Thuận đang gặt hái được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giải quyết việc làm cho người lao động chính là đòn bẩy để đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương, nhằm tận dụng tối đa những lợi thế sẵn có, năm 2019, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề ra chỉ tiêu giải quyết việc làm mới cho 15.500 lao động (trong đó xuất khẩu lao động (XKLĐ) 150 người).
Với vai trò là cơ quan chủ lực trong công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Ninh Thuận đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan cùng với UBND cấp huyện, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách về việc làm. Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo từ Bộ LĐTB&XH, Sở đã giao nhiệm vụ cụ thể tới Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận. Trong quá trình áp dụng chính sách vào thực tiễn cuộc sống, Trung tâm thường xuyên phối hợp cùng hệ thống các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai đa dạng các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm. Việc tổ chức định kỳ các phiên giao dịch vào ngày mùng 5 và 20 hàng tháng tại Trung tâm thực sự đã mang lại những kết quả tích cực, giải quyết được rất nhiều việc làm mới cho người lao động. Bên cạnh đó, các phiên giao dịch việc làm lưu động cũng được Trung tâm phối hợp với các địa phương triển khai một cách sâu rộng và hiệu quả. Thông qua các phiên giao dịch, các thông tin về thị trường lao động, chính sách pháp luật liên quan tới lĩnh vực việc làm ngày càng tiếp cận gần hơn tới người lao động.
Với những hướng đi đúng đắn, Ninh Thuận đang đạt được nhiều kết quả tốt trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động
Theo ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận thông tin: Sau một thời gian đi vào hoạt động, sàn giao dịch việc làm đã góp phần phát triển đa dạng các giao dịch thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động một cách hiệu quả. Đây là cơ sở quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp cả ở khu vực thành thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nhiều giải pháp đồng bộ được đưa ra như thông qua chính sách phát triển các thành phần kinh tế; phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích kinh tế tư nhân và kinh tế hộ gia đình; triển khai nhiều chương trình tạo việc làm cho người lao động (chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn với các mô hình kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác và chế biến thủy sản…); tiếp tục thực hiện kế hoạch liên kết lao động với các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 9.310 lao động, đạt 60,06% kế hoạch. Trong đó, lao động đi làm việc trong tỉnh 2.052 người, chiếm 22,05%; lao động đi làm việc ngoài tỉnh 7.131 người , chiếm 76,63% và lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 127 người, chiếm 1,36%.
Trong khi đó ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Ninh Thuận cho biết: Để có kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo, điều hành chặt chẽ của các cơ quan trung ương, thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, quyết định, kế hoạch 5 năm và hằng năm. Ngay từ đầu năm, UBND các huyện, thành phố đã có quyết định giao chỉ tiêu giải quyết việc làm - XKLĐ cụ thể cho từng xã, phường, thị trấn để thực hiện. Dự án Vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giải quyết việc làm cho người lao động tại Ninh Thuận cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Cụ thể, thông tin tuyên truyền các chính sách về việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động chưa được thường xuyên ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bản thân người lao động đôi khi chưa quan tâm tham gia các buổi tư vấn, dẫn đến việc thiếu thông tin về thị trường lao động. Cùng với đó, chế độ đãi ngộ đối với lao động của một số doanh nghiệp trong tỉnh còn thấp, điều kiện sinh hoạt và môi trường lao động chưa tốt, do đó chưa thu hút được lực lượng lao động; người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trình độ văn hóa còn thấp, chưa có tay nghề, ngoại ngữ yếu nên thiếu tự tin. Về phía nhà tuyển dụng, việc số doanh nghiệp thành lập mới hiện không nhiều, cũng dẫn tới nguồn việc làm bị thiếu hụt…vv.
Để làm tốt hơn công tác giải quyết việc làm, thời gian tới các cấp, các ngành và các đoàn thể trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng, nâng cao nhận thức của người dân về các chính sách việc làm.
PV