Lao động
Ninh Thuận: Hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi trong giải quyết việc làm cho người lao động
09:31 AM 23/03/2020
(LĐXH) Chính sách cho vay ưu đãi tạo việc làm đã góp phần tích cực giải quyết được nhiều việc làm cho xã hội, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho nhiều người lao động đặc biệt là lao động bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động nữ, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.
Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh họp giao nhiệm vụ cho các hội, đoàn thể nhận ủy thác
Ở tỉnh Ninh Thuận, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đang quản lý là gần 78 tỷ đồng  tổng dư nợ chương trình tín dụng tạo việc làm, duy trì và mở rộng sản xuất, chiếm tỷ lệ 3,65% trong tổng dư nợ các chương trình tín dụng của chi nhánh đang quản lý, với 3.242 nghìn lao động vay vốn.
Ninh Thuận là tỉnh có thời tiết khắc nghiệt, thiếu mưa, thừa nắng, thổ nhưỡng khô cằn, vùng niềm núi đất sỏ đá, vùng đồng bằng đất cát, cho nên khi có mưa thì ngậm úng, khi hết mưa ngày trước ngày sau đã khô cằn.Với thổ nhưỡng và khí hậu như vậy, người dân nói chung và bà con nông dân Ninh Thuận nói riêng việc phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, thường xuyên đối diện với mất mùa. Trong một tỉnh có điều kiện như vậy, hộ nghèo, cận nghèo và hộ có điều kiện khó khăn chiếm tỷ lệ cao, số hộ cần vốn làm ăn là rất lớn. Đặc biệt số hộ không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm rất lớn, nhưng nguồn vốn giải quyết việc làm hiện nay chỉ đáp ứng được rất ít so với nhu cầu của người dân.
Ngày 11/4/1992, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị quyết số 120/HĐBT để cho vay tín dụng ưu đãi đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, hộ gia đình. Đầu năm 2003, Ngân hàng Chính sách xã hội sau khi thành lập và khai trương hoạt động được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý, cho vay và thu hồi vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thay chức năng giải ngân của Kho bạc Nhà nước. Kế thừa và phát huy kinh nghiệm quản lý Quỹ, cùng sự sáng tạo, cố gắng nỗ lực của cán bộ, nhân viên toàn hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Thuận, hoạt động cho vay giải quyết việc làm luôn được duy trì thường xuyên, chất lượng, hiệu quả cho vay không ngừng tăng lên, Quỹ được bảo toàn.
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay, nhiều lao động đã có việc làm ổn định
Nguồn vốn cho vay đã giúp cho các hộ gia đình tạo thêm việc làm, phát triển kinh tế và nguồn thu nhập. Hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đạt hiệu quả, vốn vay đã góp phần cải thiện điều kiện sống và tạo việc làm ổn định, giảm nghèo bền vững. Nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của Ngân hàng chính sách xã hội không chỉ giúp cho các hộ gia đình vay vốn phát triển sản xuất mà còn là tiền đề thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, góp phần nhân rộng các mô hình kinh doanh đạt hiệu quả cao, tạo việc làm ổn định cho người lao động, cùng với chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới, đô thị ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản. Theo đó, nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm hạn chế. Hàng năm, nguồn ngân sách bổ sung vốn cho Quỹ rất ít, riêng trong 3 năm ngân sách nhà nước không cấp bổ sung vốn cho Quỹ, nguồn vốn của Quỹ chủ yếu được bổ sung một phần từ tiền lãi cho vay thu được; là một tỉnh còn quá khó khăn, nên vốn ngân sách tỉnh hàng năm chuyển sang chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội còn khiêm tốn, nên mới chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu vốn. Do đó, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại địa phương.
Mặt khác, đối tượng vay vốn từ Quỹ không phải là đối tượng quá khó khăn so với hộ nghèo nên việc ưu tiên cho đối tượng này được vay với lãi suất bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo là chưa hợp lý, dẫn tới tâm lý ỷ lại không muốn trả nợ đúng hạn của các đối tượng vay vốn và tạo sự không bằng giữa các đối tượng thụ hưởng tín dụng, chính sách ưu đãi của Chính phủ. Ngoài ra, hiện địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách nói chung và cho vay vốn từ Quỹ quốc gia; chưa phối hợp xử lý dứt điểm khoản nợ quá hạn, chây ỳ hạn chế tình trạng tồn đọng nợ.
Để tháo gỡ một số khó khăn, vương mắc trên, ngày 23/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP; ngày 30/10/2019, Tổng Giám đốc NHCSXH đã ban hành Hướng dẫn số 8055/NHCS-TDSV về thực hiện Nghị định số 74/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, Nghị định 74/2019/NĐ-CP đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng Chi nhánh lại có 2 vấn đề lo lắng khi triển khai thực hiện Nghị Định số 74/2019/NĐ-CP, đó là: Khi mức vay tối đa nâng lên gấp 2 lần, trong khi đối tượng vay thì nhiều, nguồn vốn hiện nay vẫn còn hạn chế; Việc cho vay trực tiếp đến người lao động, nếu không có sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, địa phương trong quản lý chặt chẽ vốn sau khi cho vay thì việc thu nợ sau này sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm trí sẽ không thu được nợ khi người vay bỏ đi khỏi địa phương. Trên cơ sở đó, tỉnh Ninh Thuận đề nghị Trung ương quan tâm tăng trưởng chỉ tiêu kế hoạch tín dụng đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Thuận nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân.
Hồng Phượng