Lao động
Ninh Thuận: An toàn lao động cho sự phát triển bền vững
02:05 PM 16/12/2021
LĐXH - Công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận ngày càng được quan tâm, nhất là việc tuyên truyền chính sách, pháp luật được đẩy mạnh và công tác thanh tra, kiểm tra được phát huy...

An toàn lao động trong mỗi công trình

Hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ, cụm đầu mối của hồ chứa nước Sông Cái, là công trình trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận, nằm trên địa bàn xã Phước Hoà (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận). Đây là dự án đa mục tiêu, góp phần nâng cao năng lực cung ứng nước phục vụ sản xuất, phát triển thủy điện sau đập; chống lũ, chống khô hạn cho tỉnh Ninh Thuận. Khu vực thi công có địa hình phức tạp, nhiều hạng mục có độ cao lớn, nguy cơ xảy ra mất an toàn lao động cao. Có 10 đơn vị nhà thầu với khoảng gần 800 công nhân tham gia thi công, do đó vấn đề đảm bảo an toàn lao động luôn được đặt lên hàng đầu.

Đập chính hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có địa hình phức tạp cho công tác thi công của nhà thầu và người lao động

Để hoàn thành khối lượng công việc lớn với các hạng mục thi công có độ cao lớn nên công tác đảm bảo ATLĐ cho công nhân được các đơn vị thi công triển khai thực hiện nghiêm ngặt. Mỗi công nhân trước khi vào công trường đều phải trải qua lớp tập huấn về ATLĐ và được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động. Ngoài ra, do thi công trong điều kiện môi trường khắc nghiệt nên đơn vị đã rút ngắn thời gian mỗi ca làm việc của công nhân xuống còn 6h để đảm bảo sức khoẻ. Bên cạnh việc trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị bảo hộ lao động thì ý thức mỗi công nhân thực hiện đúng quy trình và cẩn trọng trong quá trình làm việc đóng vai trò quan trọng để đảm bảo ATLĐ. Đơn vị phụ trách thi công đập chính đã phân công các tổ trưởng phụ trách thi công trên công trường kiêm luôn nhiệm vụ giám sát việc chấp hành nội quy ATLĐ đối với mỗi công nhân. Đến thời điểm này, tổng thể công trình đã hoàn thành hơn 98% khối lượng, trong đó có nhiều hạng mục đã hoàn thành 100%.

Siết chặt quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động

Công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận ngày càng được quan tâm, nhất là việc tuyên truyền chính sách, pháp luật được đẩy mạnh và công tác thanh tra, kiểm tra được phát huy. Đến nay, điều kiện làm việc, môi trường lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp đang từng bước được cải thiện, chế độ chính sách đối với người lao động được quan tâm, bao gồm công tác ATVSLĐ cùng dần có những chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đảm bảo an toàn trong lao động, sản xuất ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm

Đặc biệt, đối với Tháng Hành động ATVSLĐ – một chuỗi hoạt động thường niên nhằm tuyên truyền sâu rộng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của cả cộng đồng về công tác ATVSLĐ, tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức rất hiệu quả trong thời gian qua. Riêng năm 2021, do tính phức tạp của dịch bệnh COVID-19, địa phương xác định công tác ATVSLÐ gắn với phòng, chống dịch bệnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Trong Tháng hành động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành qua đó tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về lao động, ATVSLĐ và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại 7 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xây lắp, qua đó đã phát hiện nhiều sai phạm; đoàn đã có 67 kiến nghị đề nghị doanh nghiệp khắc phục những sai phạm trong thực hiện chính sách pháp luật lao động, ATVSLĐ, bảo hiểm xã hội; 34 kiến nghị về công tác phòng, chống dịch COVID-19, tập trung vào các nội dung: Thực hiện báo cáo định kỳ về ATVSLĐ; xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hằng năm; huấn luyện ATVSLĐ, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; đo kiểm tra môi trường lao động, thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; xây dựng kế hoạch, phương án xử lý tình huống khi đơn vị có người bị nhiễm dịch COVID-19; thực hiện quy định "5K"; xây dựng kế hoạch khử khuẩn định kỳ bàn ghế, dụng cụ làm việc, môi trường làm việc tại công ty…

Ngoài ra, ngay trước Tháng hành động, Sở Công Thương cũng đã phối hợp tổ chức thanh tra trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp tại 3 doanh nghiệp và lĩnh vực khai thác khoáng sản 3 doanh nghiệp. Các phát hiện sai phạm đã được xử lý theo đúng quy định.

Qua báo cáo của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ tai nạn lao động, trong đó: 1 vụ chết người/1 người và 1 vụ bị thương nặng/1 người. Nguyên nhân bị tai nạn chết người do tai nạn giao thông trên đường đi từ nơi làm việc về nơi ở. Ngoài ra, có 1 trường hợp bị bệnh lao nghề nghiệp. Việc chăm lo, thăm hỏi các trường hợp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện tốt, qua đó động viên người lao động, thân nhân, gia đình vượt qua khó khăn, mất mát vươn lên trong cuộc sống, công việc.

An toàn lao động phải gắn với thực tế hoạt động của mỗi đơn vị

Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tế cho thấy, vấn đề tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của nhiều doanh nghiệp và người lao động vẫn chưa nghiêm. Vẫn còn không ít doanh nghiệp lơ là, chưa quan tâm đúng mức vấn đề an toàn cho người lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nhất là trong thời điểm các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, công tác ATVSLĐ cũng bị một số tác động.

An toàn của người lao động trong thời điểm dịch bệnh được giám sát nghiêm túc

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả ATVSLĐ, thời gian tới, các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tạo chuyển biến về ý thức, nhận thức cho tổ chức, cá nhân và toàn xã hội trong công tác ATVSLĐ. Tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSLĐ; các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, phòng ngừa tai nạn lao động, nhất là các doanh nghiệp có nguy cơ cao về tai nạn lao động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, chế biến khoáng sản, sản xuất kim loại, sản xuất hóa chất, xây dựng. Cải thiện điều kiện lao động trong khu vực doanh nghiệp. Tăng cường công tác hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác huấn luyện ATVSLĐ, công tác kiểm tra và tự kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện những nguy cơ, rủi ro về ATLĐ và có biện pháp ngăn chặn, đảm bảo an toàn trong sản xuất… Qua đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về ATVSLĐ; giảm thiểu rủi ro mất ATVSLĐ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm sức khỏe, tính mạng, tài sản của người lao động, vì sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Đăng Doanh