Xã hội
Ninh Bình: Hỗ trợ phụ nữ khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng
08:15 AM 30/11/2021
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có 26.000 người khuyết tật, trong đó có gần 31% là phụ nữ. Những năm qua, các cấp, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, doanh nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm chia sẻ và giúp đỡ phụ nữ khuyết tật có điều kiện vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Qua đó xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nỗ lực, vượt khó trở thành người có ích cho xã hội.
Những phụ nữ khuyết tật tiêu biểu vượt lên chính mình
Ở thôn Tiền Phương 2, xã Văn Phương, huyện Nho Quan ai cũng biết đến câu chuyện về tình yêu ngọt ngào và đầy xúc động của chị Đinh Thị Hường - phụ nữ khuyết tật vận động bẩm sinh và chồng là anh Hoàng Văn Lâm - người khỏe mạnh. Từ chỗ cảm thông, yêu thương, vượt qua rào cản của hai bên gia đình, anh chị đã quyết định về sống chung một mái nhà và giờ đã có 2 con khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Dù bị tật nguyền, đôi chân đi lại khó khăn, vất vả là thế nhưng bằng tình yêu thương của chồng, con, chị Hường đã nỗ lực, không đầu hàng số phận, chăm lo "giữ lửa" cho gia đình êm ấm, hạnh phúc.
Chị Hường chia sẻ: "Bản thân tôi luôn nhận được sự chia sẻ động viên, giúp đỡ của chồng vượt qua mặc cảm, 8 năm chung sống luôn giữ gìn gia đình hạnh phúc. Tôi nghĩ người khuyết tật chỉ bất tiện chứ không bất hạnh."
Chị Đinh Thị Hường, bị khuyết tật vận động bẩm sinh đã nỗ lực, chăm lo "giữ lửa" cho gia đình êm ấm, hạnh phúc ở thôn Tiền Phương 2, xã Văn Phương, huyện Nho Quan
Anh Hoàng Văn Lâm, chồng chị Đinh Thị Hường cho biết: "Khi quyết định đến với nhau, dù 2 bên gia đình ngăn cản nhưng bản thân tôi xác định dù vợ mình là người như thế nào tôi vẫn yêu thương và phải nỗ lực làm người trụ cột, làm bờ vai vững chắc cho vợ và các con."
Bị khiếm thị từ nhỏ, phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng không vì vậy mà buông xuôi, phó mặc cho số phận, bà Nam Thị Tơ 60 tuổi ở xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp kiên cường vượt qua sóng gió, trở thành tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự lực, tự cường, hăng hái tham gia lao động trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp tại địa phương. Thấu hiểu với những người cùng cảnh ngộ, bà đã quyết định tự mình đi tìm, học nghề đóng gói tăm nhân đạo và đến nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học trong tỉnh để được giúp đỡ mua tăm.
Sau khi đưa nghề về làm tại nhà, hơn 10 năm nay, bà Tơ đã hướng dẫn và tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động là chị em phụ nữ đồng cảnh ở địa phương và các xã, phường lân cận, thu nhập ổn định từ 50 -70 nghìn đồng/người/ngày. Với muôn vàn khó khăn, thách thức, thế nhưng khi được thị trường đón nhận sản phẩm tăm nhân đạo khiến bà và các chị em phụ nữ khuyết tật như được tiếp thêm sức mạnh để phấn đấu.
Chị Phạm Thị Bẩy, thôn 8, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp bộc bạch: "Trước đây tôi không làm được gì vì sức khỏe yếu, sau klhi được chị Tơ đưa nghề về giúp tôi có việc làm. Nghề đóng gói tăm phù hợp với người khuyết tật như tôi. Có việc làm có thu nhập giúp những người thiếu may mắn như chúng tôi tự tin và có thêm động lực để vươn lên."
Bà Nam Thị Tơ (bên phải ) xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp hướng dẫn phụ nữ đồng cảnh làm nghề đóng gói tăm nhân đạo.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình còn rất nhiều phụ nữ khuyết tật tiêu biểu bằng nghị lực, khát vọng vươn lên và sự hỗ trợ giúp đỡ của toàn xã hội đã và đang trở thành tấm gương sáng, truyền cảm hứng mạnh mẽ đến nhiều người cùng cảnh ngộ, giúp họ có thêm niềm tin và hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Giải pháp giúp phụ nữ khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng
Hiện nay, cuộc sống của đa số người khuyết tật trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất. Mặt khác, do bệnh tật, sức khỏe giảm sút, một bộ phận chị em không có khả năng lao động hoặc có khả năng nhưng khó tìm được việc làm phù hợp, phải sống nhờ vào sự cưu mang của gia đình và người thân.
Thu hút phụ nữ khuyết tật học nghề đã khó, để họ có việc làm thực tế, lâu dài mang lại thu nhập còn khó khăn hơn nhiều. Nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh covid 19 diễn biến phức tạp, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. 
Chia sẻ, thấu hiểu với những khó khăn của người khuyết tật, những năm qua các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho họ được tiếp cận các chương trình an sinh xã hội và giảm nghèo. Trong đó chú trọng việc dạy nghề, hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm phù hợp.
Bà Lại Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Ninh Bình cho biết: Các cấp Hội phụ nữ, đơn vị liên quan trong tỉnh cũng đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể như trao phương tiện sinh kế, hỗ trợ vốn từ quỹ Hội và giới thiệu vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội, tạo việc làm; tổ chức diễn đàn giao lưu, trao đổi, chia sẻ về những khó khăn, thách thức đối với phụ nữ khuyết tật; từ đó có những giải pháp giúp đỡ để họ có việc làm vươn lên phát triển kinh tế, khẳng định khả năng của mình.
Việc làm và hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng đang là một bài toán lớn cần sự chung tay và trách nhiệm của toàn xã hội. Ngày 19/10/2020, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 104 Thực hiện chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021- 2030, trong đó tiếp tục đẩy mạnh trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, đảm bảo phù hợp, tăng cường đào tạo, tổ chức các phiên giao dịch định hướng tư vấn việc làm cho người khuyết tật, ưu tiên thanh niên khuyết tật, phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp. Trong đó giao Sở LĐTB&XH chủ trì phối hợp với Ngân hàng CSXH, Hội Khuyết tật, Hội Người mù, các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện.
Để phụ nữ khuyết tật được hỗ trợ, tạo việc làm phù hợp, có thu nhập … thiết nghĩ việc cần làm chính là sự quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện kịp thời từ các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp và toàn xã hội. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để họ xóa bỏ mặc cảm, tự ti, vượt qua trở ngại, mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống.
Trần Huyền