Xã hội
Ninh Bình: Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác người có công
07:45 AM 19/07/2019
(LĐXH) Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng và thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Ninh Bình đặc biệt quan tâm trong tiến trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Lãnh đạo tỉnh tặng quà cho đối tượng chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợp 2019
Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Ninh Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong lĩnh vực ưu đãi người có công. Việc xác nhận, giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng người có công và thân nhân được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, công khai minh bạch, đúng trình tự, thủ tục, không để tồn đọng. Theo thống kê, trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, tỉnh Ninh Bình có 235.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các mặt trận; trên 16.000 người con của tỉnh đã anh dũng hy sinh được công nhận là liệt sĩ; 1.220 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu bà mẹ VNAH, 14 người được Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang; 8.002 thương binh, 7.006 bệnh binh; 5.843 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học...
Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo sự tham gia, hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân với những hoạt động cụ thể, ý nghĩa, thiết thực. Nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công từ ngân sách Nhà nước kết hợp với nguồn lực xã hội hóa được sử dụng có hiệu quả, kịp thời, đúng mục đích. Nhiều công trình Đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ xây dựng và nâng cấp nhà ở cho người có công được triển khai thực hiện. Đời sống vật chất, tinh thần của người có công từng bước được cải thiện rõ rệt. Những kết quả đó đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, bảo đảm an sinh xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

          Đồng chí Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh uỷ thăm và tặng quà tết Anh hùng LLVT

           Trần Xuân Sinh tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách người có công ở  Ninh Bình còn một số khó khăn, thách thức như: Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách mới về lĩnh vực người có công tuy đã được tăng cường song chưa đáp ứng được nhu cầu. Một số ít đối tượng người có công chưa được tiếp cận thông tin kịp thời. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, trong đó năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo người có công, hộ nghèo bảo trợ không có khả năng thoát nghèo chiếm 51,83% tổng số  hộ nghèo toàn tỉnh (tỷ lệ hộ nghèo người có công chiếm 2,42% tổng số hộ nghèo). Cán bộ làm công tác người có công, giảm nghèo, nhất là ở cấp cơ sở không ổn định, trang thiết bị phục vụ công việc ở một số xã còn hạn chế, còn tình trạng tiêu cực, vi phạm các quy định trong giải quyết chính sách người có công và giảm nghèo.
Tặng quà cho đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố Ninh Bình
Để khắc phục những tình trạng trên, đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi đối với người có công, giảm nghèo bền vững, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã ban hành Nghị quyết “Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác người có công và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, tỉnh Ninh Bình tăng cường quán triệt, nâng cao ý thức trách nhiệm thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác người có công; Thực hiện đầy đủ, kịp thời việc xác nhận hồ sơ, giải quyết chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ, đảm bảo đúng quy định, kịp thời không để tồn đọng; Đến hết năm 2019, hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở; Đến năm 2020, phấn đấu 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú, duy trì 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, 100% bà mẹ VNAH còn sống được các cơ quan, tổ chức nhận phụng dưỡng chăm sóc suốt đời; Thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng các công trình ghi công liệt sĩ đảm bảo đúng mục đích, thường xuyên rà soát, tu bổ, tôn tạo hệ thống các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện tốt chỉ tiêu đề ra, tỉnh Ninh Bình tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như: Đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác người có công với cách mạng. Triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi, nhất là các chính sách mới ban hành, không để tồn đọng. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện và có biện pháp ngăn ngừa, xử lý nghiêm các tiêu cực trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công. Đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công” nhằm  huy động mọi nguồn lực xã hội cùng Đảng, Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công. Thường xuyên rà soát, tu bổ, tôn tạo, xây dựng các công trình ghi công liệt sĩ, đảm bảo hiệu quả, trang nghiêm, thực hiện tốt công tác chăm sóc, phụng dưỡng mẹ VNAH, tiếp tục hồ trợ nhà ở cho người có công, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ. Tiếp tục thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, tổ chức vận hành cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ./.
Hồng Phượng