Xã hội
Ninh Bình: Chú trọng thực hiện chính sách giảm nghèo và bảo trợ xã hội
02:04 PM 13/10/2021
(LĐXH) - Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid - 19, song thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp chăm lo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo.
Tặng quà cho đối tượng tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh
Trong năm 2021, Sở Lao động - TBXH đã tham mưu giúp UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025. Tham mưu cho Tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách về giảm nghèo trong giai đoạn mới; Trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch và tổ chức tập huấn, đôn đốc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình năm 2021; phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh triển khai, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, người có công với cách mạng; hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyền truyền về chủ trương chính sách giảm nghèo bằng nhiều hình thức như băng rôn, tờ rơi, thông qua phương tiện thông tin đại chúng,... Tiếp tục thẩm định và xác nhận các tiêu chí thuộc ngành phụ trách đối với các xã về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2021.
Trong công tác bảo trợ xã hội, Sở đã tham mưu cho tỉnh ban hành văn bản để chỉ đạo, triển khai, thực hiện các chương trình, dự án, chính sách về trợ giúp xã hội trong giai đoạn mới, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện. Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra giám sát các địa phương triển khai, thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại cộng đồng; công tác chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định mới tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương nắm chắc tình hình thiệt hại, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân khi có thiên tai xảy ra; chủ động rà soát tình hình thiệt hại do thiên tai để có giải pháp, đề xuất hỗ trợ kịp thời. Đẩy mạnh công tác quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội; nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng; thẩm định chặt chẽ để các cơ sở trợ giúp xã hội công lập quyết định tiếp nhận đối tượng vào nuôi dưỡng tập trung. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong công tác người cao tuổi, người khuyết tật; triển khai thực hiện tốt Kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật năm 2021. Tổ chức tốt các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi trong dịp tết nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Thành lập đoàn kiểm tra công tác thu dung đối tượng ăn xin, tâm thần, lang thang trong dịp lễ, tết đảm bảo an toàn xã hội và văn minh đô thị.
Từ ngày 01/7/2021, tỉnh Ninh Bình đã áp dụng mức chuẩn trợ giúp xã hội theo đúng quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP là 360.000 đồng/tháng
Song song với đó, cấp huyện, xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: hàng năm rà soát, nắm đối tượng cần trợ giúp xã hội trên địa bàn; công tác xác định đối tượng và hướng dẫn xác định đối tượng trợ giúp xã hội dân chủ, công khai, minh bạch hơn, huy động được đại diện nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể tham gia; đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực; nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách và chương trình trợ giúp xã hội; tuyên truyền nâng cao nhận thức; giám sát và đánh giá. Một số địa phương tích cực chủ động huy động nguồn lực xã hội hóa để trợ giúp kịp thời trường hợp cần trợ giúp đột xuất như: người chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn; tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng. Nhiều mô hình trợ giúp xã hội thành công trong chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, trợ giúp người cao tuổi do các địa phương thực hiện.
Các tổ chức đoàn thể, xã hội cũng có nhiều chương trình xã hội nhân đạo, từ thiện trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội như chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; chương trình giáo dục chuyên biệt, hoà nhập; chương trình trợ giúp người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng; chương trình hỗ trợ xe lăn, xe lắc, phương tiện trợ giúp di chuyển. Trợ giúp xã hội đã góp phần quan trọng vào việc ổn định đời sống và hòa nhập cộng đồng cho hầu hết số đối tượng trợ giúp xã hội, đã giúp họ khẳng định vị thế xã hội trong gia đình và cộng đồng, tự tin hơn trong cuộc sống.
Tính đến tháng 6/2021, toàn tỉnh có 47.257 đối tượng hưởng trợ cấp/trợ giúp xã hội tại cộng đồng với tổng kinh phí trong 6 tháng trên 18 tỷ đồng/tháng, trong đó: trẻ em, người từ 16-22 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng: 205 người; Trẻ em, người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo: 79 người; Người đơn thân nghèo nuôi con: 579; Người cao tuổi: 19.299 người; Người khuyết tật: 21.943 người; Cá nhân, hộ gia đình chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội: 5.152 người. Hỗ trợ chi phí mai táng cho 1.305 đối tượng, kinh phí thực hiện 7.047 triệu đồng. Có 34.076 đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế với tổng kinh phí thực hiện 6.857 triệu đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 03 cơ sở trợ giúp xã hội để thực hiện chức năng quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng và điều trị tập trung cho các đối tượng bảo trợ xã hội, với 401 đối tượng, tổng kinh phí thực hiện là 6.159 triệu đồng/năm.
Năm 2021, toàn tỉnh có 15.256 người cao tuổi tròn 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100 và trên 100 tuổi (Người cao tuổi tròn 70: 4.308 người; 75 tuổi: 3.990 người; tròn 80 tuổi: 2.197 người; tròn 85 tuổi: 2.021 người; tròn 90 tuổi: 1.494 người; tròn 95 tuổi: 613 người; tròn 100 tuổi: 216 người; trên 100 tuổi: 417 người). Đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người cao tuổi tròn 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100 và trên 100 tuổi cho 4.571 cụ với tổng kinh phí trên 5.983 triệu đồng. Toàn tỉnh có 27.759 người cao tuổi thuộc diện được hưởng chế độ bảo trợ xã hội theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ; trong đó, có 1.573 người cao tuổi không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; 17.658 người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hôi; 8.460 người cao tuổi khuyết tật.
Tính đến hết năm 2020, Ninh Bình có 21.943 người khuyết tật đang hưởng trợ cấp cộng đồng; (trong đó có 4.635 đối tượng khuyết tật đặc biệt nặng, 17.308 đối tượng khuyết tật nặng) và có 5.061 người nhận kinh phí chăm sóc người khuyết tật. Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan đang chăm sóc và nuôi dưỡng gần 340 đối tượng Người khuyết tật đặc biệt nặng (khuyết tật tâm thần), Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội nuôi dưỡng và chăm sóc 30 trẻ em, người khuyết tật đặc biệt nặng.
Giai đoạn 2016 - 2020, các huyện/thành phố đã thực hiện hỗ trợ lương thực cho 2.756 hộ (Tương ứng 6.055 khẩu) thiếu đói dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm với tổng số 23.927 tấn gạo; Hỗ trợ chi phí mai táng cho 63 người chết, hỗ trợ chi phí điều trị cho 11 người bị thương nặng, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 64 căn nhà bị thiệt hai do thiên tai, hỏa hoạn... với tổng kinh phí 1.064 triệu đồng.
Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, từ 01/7/2021 tỉnh Ninh Bình đã áp dụng mức chuẩn trợ giúp xã hội theo đúng quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP là 360.000 đồng/tháng. Kinh phí đã chi trả cho 47.257 đối tượng trong tháng 7/2021 là trên 25,2 tỷ đồng (Trong đó: trợ cấp xã hội tại cộng đồng là 24,6 tỷ đồng, trợ cấp nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội là 585 triệu đồng) tăng 6,7 tỷ đồng so với tháng 6/2021./.
Hồng Phượng