Lao động
Ninh Bình: Chú trọng tạo việc làm cho lao động nông thôn
02:25 PM 31/05/2019
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ được xem là cơ hội “vàng” giúp người lao động vùng nông thôn có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, nhất là thời điểm nông nhàn. Tuy nhiên, việc thực hiện tại nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình còn lúng túng, hạn chế, chưa phát huy hiệu quả.
Thiếu giáo viên dạy nghề
Trong nhiều năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại nhiều địa phương trong tỉnh tạo được sự chuyển biến cơ bản, khá rõ nét. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và quan trọng hơn là đông đảo bà con nông dân, thanh niên vùng nông thôn về vai trò quan trọng của dạy nghề, học nghề đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đội ngũ cán bộ các cấp và người dân có cơ hội tiếp cận kiến thức, thay đổi tư duy, áp dụng kinh nghiệm mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động... để mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào lao động sản xuất, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Tuy nhiên, qua tìm hiểu ở nhiều nơi, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn bộc lộ những khó khăn trong vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, và cả đội ngũ tham gia dạy nghề, đào tạo nghề.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Gia Viễn, cho biết: Trung tâm Dạy nghề huyện được đầu tư xây dựng năm 2011, thi công đến năm 2013 thì hết vốn và đến nay công trình vẫn đang dở dang. Năm 2017, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Gia Viễn sáp nhập với Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện trở thành Trung tâm GDNN-GDTX, có 26 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Việc dạy nghề chỉ là một trong nhiều nhiệm vụ của Trung tâm. Song đáng nói là từ khi sáp nhập đến nay, trung tâm này vẫn không có cán bộ, giáo viên nào đủ điều kiện, tiêu chuẩn dạy nghề; thiết bị dạy và học nghề cũng chưa có nhiều, ngoài 10 máy vi tính do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) tỉnh Ninh Bình mới trang bị.
Sau học nghề, nhiều lao động ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình) đã làm ra được sản phẩm làn phục vụ xuất khẩu
Để thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg cùng các văn bản của tỉnh, huyện chỉ đạo triển khai Đề án ‘‘Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020”, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Gia Viễn phải phối hợp doanh nghiệp ở các huyện trong tỉnh và Phòng LĐ-TB và XH huyện, mới tạm thời thoát khỏi sự lúng túng trong đào tạo, dạy nghề vì tình trạng thiếu giáo viên dạy nghề cơ hữu kéo dài, nhất là khi thực hiện mở các lớp dạy nghề, trong đó có hai lớp dạy nghề đan cói, đan bèo bồng với 66 học viên là lao động nông thôn tham dự trong năm 2018. Đối tượng tham gia học nghề do Trung tâm dạy đều đúng độ tuổi quy định, đúng diện hộ nghèo, hộ chính sách, người có công với cách mạng, người bị thu hồi đất, hộ cận nghèo. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí hạn hẹp hỗ trợ cho đào tạo, dạy nghề là hai triệu đồng/người khiến trung tâm rất vất vả cân nhắc các khoản chi, mới bảo đảm tuyển sinh, thuê giáo viên, thuê cơ sở dạy nghề tại xã, thôn, xóm và mua sắm nguyên vật liệu học tập.
Theo lãnh đạo Phòng LĐ-TB và XH huyện Gia Viễn, khó khăn, bất cập khác trong công tác quản lý, tổ chức các lớp đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn còn là việc bố trí biên chế cán bộ làm chuyên trách công tác dạy nghề thuộc phòng LĐ-TB và XH huyện, theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện. Cán bộ, nhân viên của phòng LĐ-TB và XH huyện hiện nay phải kiêm nhiệm nhiều việc, dẫn đến hiệu quả công tác đào tạo, dạy nghề và kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo, học nghề, hiệu quả sau học nghề bị hạn chế. Kết quả khảo sát về nhu cầu học nghề năm 2018 tại huyện Gia Viễn có gần 520 người cần học nghề, trong đó có 390 người học nghề phi nông nghiệp: Thêu ren, may công nghiệp, đan cói, đan bèo bồng, học hướng dẫn viên du lịch; hoặc học nghề nông nghiệp như: Trồng nấm, trồng rau an toàn, sản xuất một số giống cá nước ngọt... Trong khi đó, kết quả đào tạo trong năm được 221 lao động nông thôn. Điều đó cho thấy rõ hơn công tác đào tạo dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu của người học nghề, chưa đạt hiệu quả như mong muốn của nhiều lao động nông thôn.
Tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hoa Lư (Ninh Bình) cũng chung tình trạng thiếu hụt giáo viên dạy nghề như huyện Gia Viễn, dù trung tâm có 22 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đồng chí Nguyễn Sỹ Thiêm, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hoa Lư cho biết: Tiếp xúc đồng nghiệp nhiều nơi mới rõ, không chỉ ở Hoa Lư, Gia Viễn mà một số Trung tâm GDNN-GDTX trong tỉnh và nhiều tỉnh bạn đều thiếu trầm trọng đội ngũ giáo viên dạy nghề, trang thiết bị phục vụ dạy và học nghề. Một số trung tâm mở đào tạo nghề may, thì không có máy may; đào tạo nghề cơ khí, điện... nếu có thì trang thiết bị, máy móc lạc hậu, lỗi thời vì đầu tư đã quá lâu. Trước khi sáp nhập thành Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hoa Lư, Trung tâm dạy nghề của huyện chỉ có một giám đốc, một phó giám đốc và một kế toán chứ không có giáo viên dạy nghề. Đặc thù huyện Hoa Lư có nhiều làng nghề, như thêu ren ở xã Ninh Hải, nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, nghề mộc xã Ninh Phong... Nhiều lao động trong các làng nghề đã học và làm nghề từ lúc còn nhỏ tuổi, cho nên nhiều lao động là đối tượng trong độ tuổi đào tạo nghề (đối với nam là từ 18 tuổi đến 60 tuổi; nữ từ 18 tuổi đến 55 tuổi) không mặn mà với công tác đào tạo nghề như trước đây. “Năm 2018, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hoa Lư chỉ tổ chức được một lớp học nghề nuôi gà và cách trị bệnh cho gà với hơn 30 học viên theo học. Do vậy, kinh phí phân bổ đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện có 120 triệu đồng cũng không thể sử dụng hết”, lãnh đạo Trung tâm cho biết.
Giải pháp giúp nông dân tiếp cận cơ hội “vàng”
Chị Bùi Thị Vui ở xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) cho biết: Trước khi đến với lớp dạy nghề đan cói, đan sản phẩm xuất khẩu bằng bèo bồng do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Khánh tổ chức, chị Vui không biết làm gì lúc nông nhàn, khiến cuộc sống của vợ chồng chị và hai đứa con đang tuổi ăn học rất vất vả. Nhờ tích cực học nghề theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến nay, chị Vui có thêm thu nhập hai triệu đồng/ tháng từ nghề đan bèo bồng xuất khẩu. Chuyện của chị Vui và nhiều chị em khác ở xã Khánh Thủy học nghề mang lại hiệu quả thiết thực cho bản thân, gia đình và xã hội cho thấy: Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, không chỉ nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong cả nước.
Đồng chí Lã Thanh Tùng, Phó phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB và XH Ninh Bình cho biết: Ninh Bình hiện có 35 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hoạt động giáo dục nghề nghiệp; 15 trường cao đẳng, trung cấp nghề, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên... Với nhiều giải pháp đồng bộ và sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, công tác đào tạo, dạy nghề của tỉnh năm 2018 đạt nhiều kết quả tốt: Tổng số lao động đào tạo nghề là 17.250 lượt lao động; trong đó có 4.710 lượt lao động đào tạo dài hạn, 12.540 lượt lao động đào tạo ngắn hạn. Riêng đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 39 lớp với 1.114 học viên học nghề. Nhiều lao động nông thôn sau khi học nghề có đủ trình độ, kỹ năng làm việc tại các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu; hoặc tham gia lao động trong các làng nghề, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, qua công tác đào tạo, dạy nghề nêu trên, chúng tôi thấy việc một số huyện trong tỉnh Ninh Bình chưa tận dụng hết nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo, dạy và học nghề. Một số huyện khác trong tỉnh còn lúng túng lựa chọn nghề đào tạo; chọn nghề chưa phù hợp thực tế. Hoặc nhận thức về tầm quan trọng của công tác đào tạo, dạy nghề chưa đúng mức, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, tuyển sinh, tổ chức các lớp đào tạo, dạy nghề với công tác kiểm tra, giám sát. Đây chính là nguyên nhân khiến một số địa phương chưa khuyến khích được nhiều lao động nông thôn tham gia học nghề. Những khoảng “trống” đó còn dễ tạo ra kẽ hở cho một bộ phận lao động có tư tưởng đi học nghề chỉ là “lấy cớ” để trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí trong đào tạo, dạy nghề nói chung và dạy nghề cho lao động nông thôn nói riêng.
Để giúp nhiều lao động nông thôn có việc làm, nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống, nhất là thời điểm nông nhàn; tỉnh Ninh Bình và các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn giới thiệu học nghề, giới thiệu việc làm đối với số lao động sau khi học nghề. Ngành chức năng của tỉnh chú trọng khảo sát, xác định đúng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; quan tâm cấp phép mở rộng ngành nghề đào tạo, gắn với nhu cầu tuyển dụng để người lao động có cơ hội lựa chọn nghề phù hợp, dễ tìm việc làm; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án “Đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020”. Trong đó chú ý ưu tiên dạy nghề cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo; chủ động liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp để ký hợp đồng cung ứng lao động, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho lao động sau học nghề. Các Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn phải tính toán nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, dạy nghề phù hợp nhu cầu, trình độ, điều kiện của người học nghề. Các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu, xem xét tăng mức hỗ trợ cho các đối tượng học nghề thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, sớm khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn. 
Lê Hồng