Xã hội
Những tấm gương sáng cựu binh làm kinh tế giỏi trên vùng đất Quảng Trị
11:28 AM 29/09/2020
(LĐXH) – Phong trào Cựu chiến binh (CCB) gương mẫu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhiều năm qua đã trở thành động lực quan trọng khơi dậy ý thức tự lực, vượt khó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng ngay trên quê hương của hội viên CCB. Từ trong phong trào nổi lên nhiều tấm gương CCB làm kinh tế giỏi, mà hội viên ở Gio Linh hay vùng đất Cùa ở Cam Lộ là một trong những điển hình.
Người chiến binh không cam chịu đói nghèo
Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” không cam chịu đói nghèo, những năm qua, cựu chiến binh Hồ Văn Vê ở thôn Bến Tắt, xã Linh Trường, huyện Gio Linh đã luôn cần cù lao động, hăng say xây dựng kinh tế, vươn lên làm giàu. Ông Vê trở thành tấm gương sáng trong phong trào “Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi” ở địa phương.
Năm 1964, gác lại mọi ước mơ của tuổi 20, chàng thanh niên Hồ Văn Vê ngày ấy tình nguyện lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc. Sau 4 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông xuất ngũ trở về địa phương và tập trung xây dựng kinh tế gia đình. Nhận thấy nơi mình sinh sống có đất đai rộng lớn, năm 1997, ông Vê đã quyết định cải tạo vườn tược trồng tiêu, hoa màu, đồng thời khai hoang đất  để trồng cao su và rừng. Mặc dù đã chăm chỉ làm lụng, thế nhưng những ngày đầu bắt tay vào làm kinh tế, người cựu chiến binh ấy cũng đã gặp không ít khó khăn.
Cựu chiến binh Hồ Văn Vê chia sẻ: “Ngày xưa khổ lắm, nhà cửa thì tồi tàn, tiền không có nên có muốn làm gì cũng không được. Khai hoang đất thì sức người có hạn, chỉ có cây rựa, cái cuốc, hai vợ chồng tôi làm được chừng nào hay chừng ấy; cơm không đủ ăn rồi đau ốm, bệnh tật… khó khăn lắm. Chúng tôi chỉ có thể động viên nhau cố gắng làm lụng, xây dựng kinh tế gia đình để sau này cuộc sống được ổn định hơn”.
Cựu chiến binh Hồ Văn Vê bên vường tiêu của gia đình
Dẫu nhiều khó khăn, vất vả, thế nhưng với bản chất người lính cụ Hồ không cam chịu đói nghèo, cựu chiến binh Hồ Văn Vê đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Bằng sự cần cù, chịu khó và bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, từ hai bàn tay trắng, nay gia đình ông đã sở hữu 8ha rừng, 3ha cao su, 150 gốc tiêu và 20 con trâu, bò… mang lại thu nhập từ 400- 5000 triệu đồng/ năm. Không chỉ phấn đấu làm giàu cho gia đình, ông Vê còn chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt cho các hội viên khác, giúp họ thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Hồ Văn Song, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Linh Trường đánh giá: “ Ông Hồ Văn Vê là một trong những hội viên cựu chiến binh điển hình tại địa phương, với tinh thần hăng say trong lao động sản xuất. Những gì đạt được hôm nay là kết quả của một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của đồng chí, điều này được Hội chúng tôi đánh gia rất cao. Chính vì thế mà thời gian qua, Hội Cựu chiến binh xã đã luôn đồng hành, động viên và tạo mọi điều kiện để đồng chí Hồ Văn Vê tiếp cận vốn vay, tiếp tục phát triển kinh tế gia đình”.
Với những nỗ lực, quyết tâm làm giàu, cựu chiến binh Hồ Văn Vê là tấm gương sáng về tinh thần vượt lên khó khăn, quyết tâm thoát nghèo. Chính vì thế, ông nhiều lần được chính quyền, đoàn thể các cấp biểu dương khen thưởng là cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, nêu gương cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Cựu chiến binh làm giàu trên vùng đất Cùa
Trở về từ chiến trường Campuchia, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Cảnh ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, Quảng Trị, đã mạnh dạn đi đầu và đột phá trong làm ăn, phát triển kinh tế. Và kết quả mang lại, ông không chỉ nâng cao đời sống của gia đình mình mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động trong vùng…
Những ngày này, xưởng may của CCB Nguyễn Văn Cảnh ở vùng Cùa (Cam Lộ) với hơn 50 công nhân vẫn miệt mài làm việc với những đơn hàng số lượng lớn đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Cách xưởng may này không xa, một mô hình xưởng may với quy mô lớn hơn cũng được xây dựng ngay trên mảnh đất của gia đình ông đang gấp rút hoàn thành. “Dự tính khoảng 2 tháng nữa, xưởng may đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho 200 công nhân”, ông Cảnh nói.
năm 1979, lên đường nhập ngũ, được bố trí về Sư 342, Quân khu IV, rồi sang chiến trường Campuchia. Gần 5 năm sau, hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về quê hương. Vùng đất Cùa ngày đó còn heo hút, vốn có nghề thợ may nên vợ chồng ông bàn nhau mở một quán may nhỏ bên góc chợ để nhận may quần áo cho bà con trong vùng. 
Rồi nhu cầu may ngày một nhiều, nhu cầu học nghề cũng lớn, hai vợ chồng nhận thêm 10 học trò, cơi nới quán rộng hơn. Thợ may thời đó thu nhập khá ổn, nhưng không đủ để làm giàu. Vì vậy, ông phải tranh thủ ngược xuôi trên những chuyến xe thu mua tiêu, sắn củ của người dân trong vùng đem về Huế bán kiếm chút lời. 
Nghĩ đến việc bà con làm ra nông sản nhưng tới vụ thu hoạch lại khó tìm đầu ra, ông bàn với vợ đầu tư xây dựng nhà máy tinh bột sắn. 
Đó là năm 2001, thời điểm ấy, đầu tư nhà máy tinh bột sắn là một quyết định khá khó khăn, vì đây là mô hình mới, bản thân ông chưa có kinh nghiệm, nhưng ông quyết tâm thực hiện bằng được với mong muốn giúp người nông dân rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, để họ khỏi bị tư thương o ép giá. 
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Cảnh
Ông Cảnh bảo, ngày đó nhà máy có quy mô nhỏ, chỉ có vài chục công nhân nhưng sản phẩm làm ra có nguồn nhập ổn định nên công việc làm ăn khấm khá. Mô hình nhà máy tinh bột sắn của ông được bà con nhiều tỉnh, thành khác tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, thậm chí có một đơn vị ở Nhật Bản tìm đến nghiên cứu.
Nhưng đến năm 2005, khi khắp nơi có nhiều nhà máy tinh bột sắn mọc lên, sức cạnh tranh lớn, dự đoán không kham nổi, ông Cảnh quay sang trồng tiêu. “Hồi đó tiêu rớt giá, nhiều người nông dân chặt bỏ thì tui lại trồng tiêu. Vì xứ mình đất đai trù phú, hợp với cây tiêu, tui cứ nghĩ mình cắm mắt tiêu xuống khi qua đận rớt giá thì sẽ ổn dần lên”, ông Cảnh nói. 
Với suy luận đó, vợ chồng ông quăng quật trên mảnh đất vườn để ươm lên những cây tiêu con. Và, vụ tiêu những năm sau đó vừa được mùa, vừa được giá. 
Sang năm 2006, ông chuyển qua chăn nuôi lợn với 100 lợn nái sinh sản và 1.200 con lợn thịt. Khi giá lợn hơi xuống thấp, người nông dân thua lỗ, nhiều gia đình bỏ nghề nuôi lợn thì ông lại dồn sức và nuôi lợn và mở đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi. Hai thứ ấy bù trừ cho nhau để giúp ông duy trì trang trại. 
Để giúp người dân phát triển chăn nuôi, ông nghĩ ra cách khuyến khích bà con chuyển đổi từ nuôi lợn móng cái sang lợn trắng sinh sản để đem lại năng suất cao. Phần thưởng cho sự chuyển đổi đó được ông quy ra tiền, hoặc thức ăn chăn nuôi. Chỉ trong một thời gian ngắn, sức chăn nuôi lợn của bà con trong vùng được tăng đàn thấy rõ; nhu cầu mua thức ăn chăn nuôi cũng tăng lên. Cao điểm ông xuất bán mỗi tháng vài trăm tấn. 
Doanh thu từ các mô hình kinh tế đó lên đến con số tiền tỷ, 5 người con của ông được học hành, có việc làm ổn định…
Đáng quý, vợ chồng ông Cảnh đã tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động ngay trên mảnh đất quê hương của mình, nhiều lao động nhờ đó không phải bất bạt xứ người. 
Ông cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với các CCB khác và bà con nông dân để giúp họ cải thiện đời sống kinh tế. Với những đóng góp đó, ông Cảnh nhiều lần được nhận giấy khen, bằng khen về gương sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh. 
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông Cảnh nói: “Bất kì sự dấn thân nào cũng khó khăn. Chuyện vay mượn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh là chuyện cơm bữa. Nhưng trong khó khăn đó mình cần có sự tính toán, có khát vọng để vượt ra khỏi ranh giới nghèo khó...”.

Duy Hưng