Lao động
Những nỗ lực trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở huyện 30a Đồng Văn
04:57 PM 01/11/2019
(LĐXH)-Thời gian qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động ở huyện 30a Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Để nắm bắt nhu cầu việc làm của người lao động, Phòng Lao động – TBXH Đồng Văn đã phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện rà soát nhu cầu học nghề của lao động tại 100% thôn, khu phố trên địa bàn. Qua đó, có cơ sở để định hướng nghề nghiệp, mở các lớp đào tạo nghề phù hợp cho từng nhóm đối tượng cụ thể, ưu tiên nguồn kinh phí đào tạo nghề cho lao động. Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu kế hoạch đề ra, bên cạnh việc tiếp tục rà soát nhu cầu việc làm, kết nối giữa người lao động với các doanh nghiệp, Đồng Văn còn làm tốt các hoạt động hỗ trợ về vốn, phương tiện, kỹ thuật sản xuất; định hướng phát triển, giới thiệu việc làm cho người lao động sau học nghề có nhu cầu; quan tâm giải quyết việc làm sau đào tạo cho lao động.
Mô hình dệt lanh thổ cẩm tại xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn) đã tạo việc làm ổn định cho nhiều người dân
Điểm sáng trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở Đồng Văn phải kể đến xã Sà Phìn. Theo báo cáo kết quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn của UBND xã cho thấy: Từ năm 2016 đến 9/2019, xã Sà Phìn đã tổ chức mở được 5 lớp đào tạo nghề cho 158 học viên với các lớp nghề chủ yếu là cắt may trang phục, thêu dệt thổ cẩm, nuôi ong lấy mật, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò.Tổng kinh phí thực hiện  trên 300 triệu đồng. Kinh phí do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện trực tiếp chi trả cho học viên sau khi kết thúc chương trình học. Sau khi kết thúc khóa học, nhiều học viên đã vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào cuộc sống nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, nhất là nghề dệt may thổ cẩm, nghề nuôi ong lấy mật của người dân địa phương.
Đối với công tác đào tạo nghề, từ năm 2016 – 2019, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện Đồng Văn đã tổ chức đào tạo nghề cho 2.659 học viên với tổng kinh phí là 5.555.390 nghìn đồng, với các ngành nghề chủ yếu như: Điện dân dụng, quản trị cơ sở dữ liệu, thú y, chăn nuôi gia súc gia cầm, kỹ thuật xây dựng, cắt may, dệt lanh thổ cẩm, chăn nuôi ong…
Tuy nhiên, hiện nay Trung tâm đang khó khăn trong công tác tuyển sinh, số học viên trung cấp nghề ít dần theo từng năm học; nhiều học viên sau khi được đào tạo, giới thiệu việc làm cho các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh nhưng đã bỏ về; nhiều học viên mặc dù đã hướng nghiệp, giới thiệu việc làm nhưng không phát huy được hiệu quả nghề nghiệp, không áp dụng vào thực tế; Trung tâm thiếu cơ sở vật chất trang thiết bị, vật tư; thiếu giáo viên có tay nghề cao để giảng dậy các ngành nghề như hướng dẫn viên du lịch, dậy cắt may trang phục thêu dệt thổ cẩm, xây dựng; thiếu kinh phí hoạt động…
Trong buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Hà Giang mới đây, lãnh đạo xã Sà Phìn và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung, như: Do số lượng học viên quá ít theo từng năm học, không duy trì được các lớp dậy văn hóa, số lớp còn lại sẽ chuyển sang học Trung học phổ thông, học chương trình giáo dục thường xuyên; công tác tuyển sinh vào lớp 10 gặp khó khăn vì học viên không được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ – TTg của Chính phủ nên học viên không muốn vào học văn hóa tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện Đồng Văn.
Theo ông Hoàng Văn Kiên, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Hà Giang, đánh giá: Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2016 – 2019 của xã Sà Phìn và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đồng Văn đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cấp ủy chính quyền xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đầy đủ các chính sách của tỉnh, huyện liên quan đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm; định hướng cho người dân trong công tác đào tạo nghề xuất khẩu lao động đối với các ngành nghề có thu nhập cao; đẩy mạnh công tác phối hợp, thường xuyên khảo sát, nắm bắt nhu cầu của người học để tham mưu với huyện, tỉnh mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với thực tế của địa phương; nhân rộng nhiều hơn các mô hình đang phát huy hiệu quả như mô hình htx rệt lanh thổ cẩm; quan tâm hơn nữa đến vùng nguyên liệu trồng lanh; quan tâm hơn nữa đến đầu ra cho các sản phẩm; làm tốt công tác quản bá sản phẩm; phối hợp tốt hơn nữa với các đơn vị chức năng, đào tạo nghề để nâng cao hơn nữa mẫu mã, chất lượng sản phẩm đặc trưng của địa phương; làm tốt công tác tuyển sinh; nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, lựa chọn những ngành nghề phù hợp để đào tạo cho địa phương đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế như lễ tân, nấu ăn, du lịch…; khảo sát nhu cầu của người học để tuyển sinh; làm tốt công tác phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo theo chương trình đào tạo, ngành nghề đào tạo, đối tượng đào tạo; việc áp dụng, ứng dụng việc học nghề vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao thu nhập, đời sống; đổi mới nâng cao chất lượng dậy và học của đội ngũ cán bộ giảng viên; đảm bảo chế độ cho cán bộ, giảng viên, học viên; tìm giải pháp tìm đầu ra cho các sản phẩm; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư…

Chí Tâm