Xã hội
Những lĩnh vực và hoạt động điển hình trên thế giới mà viên chức CTXH thực hiện
03:26 PM 27/12/2018
(LĐXH)-Trên thế giới, công tác xã hội phát triển như một nghề nhằm giải quyết các vấn đề xã hội. Thông qua hỗ trợ và tác động đối với cá nhân, gia đình, nhóm đối tượng, cộng đồng và hệ thống xã hội, CTXH nhằm giải quyết vấn đề xã hội, tăng cường phúc lợi và công bằng xã hội. Có thể thấy, nhân viên CTXH một số nước được quy định rất rõ về trách nhiệm thực hiện trong một số lĩnh vực.
Bảo vệ trẻ em
Cán bộ công tác xã hội đánh giá tình hình và môi trường chăm sóc của đối tượng trẻ em đang nghi ngờ là bị xâm hại hoặc sao nhãng. Cán bộ xã hội tham gia vào đánh giá, lên kế hoạch can thiệp, thực hiện quản lý trường hơp. Cán bộ công tác xã hội cũng can thiệp với gia đình và cộng đồng như tham vấn, trị liệu gia đình và giáo dục về mặt xã hội để giúp họ hiểu được nhu cầu của con em mình và nâng cao kỹ năng làm cha mẹ và tăng cường khả năng ứng phó, làm việc với các cơ quan cung cấp dịch vụ hỗ trợ trẻ và gia đình tiếp cận dịch vụ cần thiết.
Sự an toàn của trẻ em là điều quan trọng nhất nên trong một số trường hợp người cán bộ xã hội sẽ thu xếp dịch vụ chăm sóc thay thế cho trẻ (còn gọi là dịch vụ chăm sóc ngoài gia đình). Các cán bộ xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức và quản lý các dich vụ chăm sóc thay thế (như chăm sóc bởi họ hàng, chăm sóc đỡ đầu, nhận con nuôi, các hình thức chăm sóc khác ở cộng đồng và chăm sóc ở trung tâm). Cán bộ xã hội cũng có thể tham gia cùng với công an trong quá trình điều tra, tham gia vào cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại tòa án và giám sát việc thực hiện lệnh tòa án.
Ở các nước như Ca-na-đa, Niu Di-lân, Phi-lip-pin, Anh và Mỹ, các cán bộ công tác xã hội được quy định trong luật là nghề có trách nhiệm ban đầu điều tra các vụ việc xâm hại và xao nhãng trẻ em. Ở các nước khác như Úc và Mỹ, luật pháp quy định các cơ quan dịch vụ công tác xã hội là những cơ quan có thẩm quyền nhận báo cáo về vụ việc xâm hại trẻ em và tiến hành điều tra. Theo đó, về mặt hành chính, vai trò cụ thể của cán bộ công tác xã hội là trợ giúp về mặt tâm lý xã hội cho các gia đình, mặc dù các cán bộ công tác xã hội có thể được tuyển dụng để tiếp nhận và điều tra những cáo buộc. Trong hầu hết các trường hợp, các cán bộ công tác xã hội được yêu cầu báo cáo về các vụ việc xâm hại và xao nhãng có khả nghi (yêu cầu báo cáo bắt buộc).
Ở một số nước tphát triển rên thế giới, cán bộ công tác xã hội được quy định trong luật
là nghề có trách nhiệm ban đầu điều tra các vụ việc xâm hại và xao nhãng trẻ em
*Nhận nuôi con nuôi và các hình thức chăm sóc ngoài gia đình khác
Ở nhiều quốc gia, các cán bộ công tác xã hội đánh giá nhu cầu của trẻ em, mức độ phù hợp của các gia đình nhận nuôi, hỗ trợ và giám sát việc đưa trẻ vào chăm sóc tại gia đình nhận nuôi. Trong nhiều trường hợp, đây là những quy định, quyết định và nghị định chứ không phải luật ban đầu.
Vai trò của công tác xã hội trong nuôi con nuôi được pháp luật quy định ở Niu Di-lân, Phi-lip-pin và Anh. Ở các nước này, nghề công tác xã hội được trao quyền điều tra hoàn cảnh xã hội của các gia đình nhận nuôi và tư vấn cho tòa án về những lợi ích tốt nhất của trẻ em liên quan đến phúc lợi trước mắt và lâu dài của các em.
* Tư pháp với người chưa thành niên
Trong các hệ thống tòa án, cán bộ công tác xã hội có quyền hạn trong việc cung cấp cho trẻ sự hỗ trợ về tâm lí xã hội cho trẻ em và vị thành niên trước tòa án, cho dù với tư cách là nhân chứng, nạn nhân hay bị cáo. Trong các trường hợp cụ thể, họ đi cùng với trẻ em hoặc người chưa thành niên thay cho cha mẹ và người giám hộ. Các cán bộ công tác xã hội cũng góp phần giáo dục sửa đổi, và hỗ trợ tâm lí xã hội cho trẻ em và vị thành niên phạm tội ví dụ phục hồi, hỗ trợ tái hòa nhập sau khi ra khỏi trường giáo dưỡng. Đồng thời, họ cũng hỗ trợ các bước cụ thể trong việc phục hồi cho các em, ví dụ như tìm việc làm cho các em, hỗ trơ tâm lý xã hội.
* Hỗ trợ các gia đình có vấn đề, mâu thuẫn, khủng hoảng
Cán bộ công tác xã hội giúp đỡ các gia đình đánh giá các mối quan hệ không phù hợp và nâng cao khả năng để giải quyết các vấn đề của gia đình sử dụng các phương pháp như tham vấn, làm việc với gia đình hoặc tri liệu gia đình. Một ví dụ về các vấn đề mà cán bộ xã hội phải can thiệp là bạo lực trong gia đình. Cán bộ xã hội can thiệp để đảm bảo từng thành viên của gia đình, và toàn thể gia đình có thể sống cùng nhau một cách an toàn và hòa thuận; giải quyết các bất hòa và xử lý các vấn đề. Cán bộ xã hội cung làm viêc trong trung tâm, nhà tạm lánh hỗ trợ các phụ nữ bị bạo hành. Các cán bộ xã hôi cũng có thể hỗ trợ những già đình nghèo và thu nhập thấp tiếp cận đến các dịch vụ, thực hiện các quyền về phúc lợi.
 Và cán bộ xã hội cũng đóng vai trò là cán bộ quản lý trường hợp để điều phối dịch vụ cho người già cô đơn
* Bảo trợ xã hội cho người già
Cán bộ xã hội đánh giá nhu cầu về khía cạnh xã hội của của người già, đặc biệt là người cô đơn để mang lại cho họ những hỗ trợ về mặt tâm lí xã hội và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc. Đồng thời cán bộ xã hội cũng đóng vai trò là cán bộ quản lý trường hợp để điều phối dịch vụ cho người già cô đơn, giám sát những thay đổi trong nhu cầu của họ để tìm kiếm dịch vụ cần đáp ứng. Cán bộ xã hội cũng tham gia quản lý các loại hình chăm sóc tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội và có thể sẽ cùng hợp tác với các trung tâm này để cung cấp những hỗ trợ tâm lý xã hội cho những ngươi cần loại hình hỗ trợ này.
* Bảo trợ xã hội cho người tàn tật
Cán bộ xã hội đánh giá nhu cầu về khía cạnh xã hội của của người tàn tật. Đồng thời, họ cũng tham gia đóng vai trò là cán bộ quản lý trường hợp, hỗ trợ người tàn tật tiếp cận những dịch vụ phù hợp. Trong trường hợp cần thiết, cán bộ xã hội cũng cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội cho người tàn tật và gia đình của họ. Cán bộ xã hội cũng tham gia quản lý các loại hình chăm sóc tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội cho người khuyết tật.
* Phát triển cộng đồng
Cán bộ công tác xã hội giúp cồng đồng nhận dạng các vấn đề trong cộng đồng của mình và hỗ trợ họ tìm được những nguồn lực cần thiết. Những thiếu hụt nguồn lực này có thể là cơ sở vật chất ví dụ như thiếu địa điểm vui chơi cho trẻ em. Cán bộ công tác xã hội cũng có thể giúp đỡ cộng đồng bày tỏ ý kiến về các vấn đề phát triển và truyền tải những vấn đề này đến các chính quyền và những nhà chính sách có liên quan.
* Giáo dục (trường phổ thông, cao đẳng và đại học)
Các vấn đề trong cuộc sống gia đình hoặc trong trường phổ thông, trường cao đẳng, đại học có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập của học sinh, sinh viên. Cán bộ xã hội hỗ trợ hoc sinh, tác động đến nhà trường gia đình và cộng đồng để giúp học sinh, sinh viên đạt được mục tiêu học tâp. Cán bộ xã hội trong trường hoc có sử dụng các phương pháp làm việc với cá nhân, nhóm hoặc tham vấn, trị liệu gia đình, tổ chức cộng đồng, can thiệp khủng hoảng, tư vấn, tuyên truyền, tập huấn, xây dựng chính sách và điều phối chương trình. Họ có thể đảm nhận những vai trò và công việc sau đây.
- Đánh giá: Cán bộ xã hội đánh giá nhu cầu của hoc sinh, sinh viên, và cung cấp các thông tin cần thiết cho việc đưa ra các can thiệp nhằm thay đổi nhưng hành vi có vấn đề;
- Tham vấn: Cán bộ công tác xã hội tiến hành giáo dục và tham vấn cho những học sinh, sinh viên gặp phải những vấn đề gíup họ giải quyết các vấn đề về tinh thần, tình cảm, mối quan hệ, và các sự trợ giúp khác. Nếu học sinh, sinh viên gặp phải các vấn đề trong gia đình thì cán bộ xã hội sẽ sử dụng phương pháp làm việc với gia đình. Cán bộ xã hội có thể phối hợp với giáo viên giải quyết các mối quan hệ trong môi trường trường học như giải quyết các vấn bất hòa giữa các nhóm học sinh, sinh viên.
- Tư vấn: các cán bộ xã hội làm việc trong trường học sẽ tư vấn để nắm được những yếu tố liên quan tới gia đình, cơ sở giáo dục ở địa phương và cộng đồng có ảnh hưởng thế nào đến việc học hành của học sinh. Họ cũng là những tư vấn viên trong các vấn đề như kỷ luật, điểm danh, chủng tộc, dân tộc, ngôn ngữ, sức khỏe tâm thần, quản lý hành vi, can thiệp khủng hoảng, sao nhãng và xâm hại trẻ em.
- Vận động: Cán bộ xã hội cũng giúp đáp ứng những nhu cầu của học sinh là đối tượng di cư hay tị nạn, vô gia cư, học sinh nhiễm HIV/ AIDS, học sinh có những vấn đề về lạm dụng ma túy và những nhóm học sinh có nguy cơ.
- Người tập huấn: Cán bộ xã hội cung cấp các chương trình tập huấn cho cha mẹ, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục, cán bộ dịch vụ ở cộng đồng để giải quyết các vấn đề như phòng ngừa, can thiệp, biện pháp phục hồi có ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh trong trường.
- Người điều phối: Cán bộ xã hội hỗ trợ việc xây dựng và triển khai các chương trình toàn diện trong trường học và liên quan tới trường học ví dụ như trung tâm nguồn lực gia đình, các phòng y tế của trường học, trường học ở cộng đồng…
* Sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe tâm thần (tại các bệnh viện và phòng khám)
Cán bộ xã hội hỗ trợ về mặt tâm lí xã hội cho các bệnh nhân và gia đình trong việc đối mặt với các tác động của bệnh tật và sự ốm đau. Thường thì những hỗ trợ này bao gồm việc đánh giá các khía cạnh xã hội đóng góp cho quá trình chuẩn đoán và điều trị. Trong những trường hợp để lại tác động lâu dài, cán bộ công tác xã hội sẽ cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội cho quá trình hồi phục của bệnh nhân. Họ có thể sẽ đánh giá và hỗ trợ tiếp cận đén nhưng dịch vụ hỗ trợ sẵn có. Các công viêc của cán bộ xã hội có thể bao gồm cả hỗ trợ bệnh nhân và gia đình trong quá trình chuyển từ bệnh viện về nhà/hoặc cơ sở chăm sóc tại cộng đồng, hỗ trợ đáp ứng cho các nhu cầu của bệnh nhân khi nhập viện như lập kế hoạch trước khi nhập viện, kế hoạch ra viện (dành cho những bệnh nhân cần theo dõi), cung cấp thông tin.
Ở các nước như Úc, Ca-na-đa, Niu Di-lân và Anh, các cán bộ công tác xã hội nằm trong nhóm nghề y tế và dịch vụ y tế có những quyền hạn và trách nhiệm cụ thể theo quy định của pháp luật, như quản lý ca, chăm sóc, bảo vệ bệnh nhân ..., trong đó có trách nhiệm đưa những người có vấn đề sức khỏe tâm thần nặng vào bệnh viện. Ở Mỹ có luật Y tế Tâm thần Cộng đồng bảo đảm người bệnh tâm thần được một nhân viên CTXH quản lý ca làm việc tại trung tâm y tế tâm thần cộng đồng chăm sóc các nhu cầu vật chất, tinh thần, và bảo vệ để họ không bị hành hạ hay ngược đãi.
Ở tất cả các nước được nhắc tới trong báo cáo này, các cán bộ công tác xã hội là một phần trong hệ thống xem xét xử phạt tại cộng đồng, án treo, ân xá và phúc lợi cho tù nhân. Tuy nhiên, nghề ngày thường không được nhắc tới một cách cụ thể trong các luật mà thường chỉ được liệt kê trong một danh sách gồm các nghề khác như (bác sỹ đa khoa, nhà tâm lý học, giáo viên và y tá); trọng tâm chính của những luật này là về nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn đối với dịch vụ chứ không tập trung vào các nghề đã được chỉ rõ. Trong những dịch vụ này, các cán bộ công tác xã hội được thuê để đảm nhận trách nhiệm tư vấn, quản lý ca và hỗ trợ tâm lý xã hội cho những người bị kết án và gia đình của họ. Họ cũng có thể được thuê để cung cấp các dịch vụ bắt buộc cho các nạn nhân./.
Ngọc Anh