Thời sự
Những kỷ niệm với bác Đỗ Mười
10:21 AM 08/10/2018
(LĐXH) - Tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội xin trân trọng giới thiệu bài viết “Những kỷ niệm với Bác Đỗ Mười” của TS. Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ về những kỷ niệm trong ba lần tác giả được làm việc với bác.
Chỉ trong năm 1991, tôi có may mắn được làm việc với bác 3 lần. Lần nào tôi cũng tiếp nhận riêng cho mình được những điều lý thú và vô cùng bổ ích về phong cách làm việc của bác, mà chung nhất là sự tập trung cao độ, dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, việc gì thì cần chi tiết, việc gì thì nên khái quát và đặc biệt là sự trân trọng, quý mến cán bộ dưới quyền của bác.
TS. Bùi Ngọc Thanh trong một lần chúc Tết nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Lần thứ nhất: Vào dịp hạ tuần tháng 2 năm đó, bác (đương kim Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) có kế hoạch trực tiếp nghe mỗi Bộ báo cáo tóm tắt trong 30 phút về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 1991-1995. Theo thông báo thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được báo cáo với bác vào 15h30’ ngày thứ hai. Bộ trưởng đi vắng nên ủy nhiệm cho tôi báo cáo. Lần đầu tiên được làm việc với người đứng đầu Chính phủ, do qúa lo lắng và hồi hộp nên tôi đi rất sớm với ý đồ thăm hỏi những điều cần thiết khi làm việc. Bởi thế, tuy ngồi ở phòng chờ nhưng tôi vẫn nghe khá rõ nội dung các Bộ trưởng một số Bộ báo cáo và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch với các Bộ trưởng đó. Khi nghe Chủ tịch nói rành rọt, tỷ mỉ về các con đường khắp các miền đất nước, con đường nào rộng hẹp ra sao, cung đường nào còn tốt, đoạn nào đang gập ghềnh... rồi dòng chảy của các con sông, mớn nước nông sâu bao nhiêu, loại tàu trọng tải nào thì có thể đi được..., tôi vừa khâm phục trí nhớ vừa phục tài sâu sát thực tế của Chủ tịch. Chưa hết, khi nghe Chủ tịch chỉ đạo: Anh về cho anh em tính toán lại kích thước cái cầu đó đi, theo những thông số mà anh báo cáo thì cầu cống mà như cái chõng tre ấy thì xe, tàu, bộ hành nào lưu thông bình thường được! Cố gắng nhé, hoàn thiện đi, chúng mình còn phải ngồi lại với nhau vài lần nữa. Rồi tôi lại nghe Chủ tịch trao đổi với một Bộ trưởng khác: Nếu không nâng tầm kỹ thuật, công nghệ mới thì bất quá những thỏi gang các anh đúc ra không hơn gì sản phẩm các lò cao nhỏ hồi nào, còn thép mà mềm như lạt buộc thì dùng được việc gì; vấn đề là giải pháp công nghệ tiên tiến, anh tính toán đi. Còn trữ lượng của các mỏ lớn cũng phải chuẩn xác lại, không thể làm ăn kiểu “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào” được đâu. Mai sau con cháu chúng ta, nó than vãn, “cha chú chúng mình đào bới hết cả rồi, giờ chỉ còn có cách nhập khẩu chứ biết làm sao” thì đất nước sẽ gay go lắm đấy... Nghe được các thông tin đó, tôi thầm nghĩ, Chủ tịch như một từ điển sống, rồi tôi lại ước ao có được một phần hiểu biết của Chủ tịch...Và bây giờ thì đến lượt tôi. Bước vào phòng làm việc, tôi thấy chỉ mỗi mình Chủ tịch với cuốn sổ và hai cây bút. Tôi thưa gửi, chào hỏi, phân trần lý do đi thay Bộ trưởng vừa xong thì Chủ tịch nói ngay: Thôi, cứ báo cáo xem nào. Tôi trình bày khái quát 4 khối công việc lớn của ngành: Lao động và việc làm; Tiền lương và thu nhập; Chính sách người có công; và Chính sách trợ giúp xã hội. Mỗi khối công việc, tôi nói một, hai câu nội dung cốt lõi. Dự định sẽ lần lượt trình bày chi tiết nội dung cụ thể từng khối...thì Chủ tịch bảo: Thôi, cậu nói đôi nét về cải cách chính sách tiền lương xem sao. Tôi trình bày tổng quát “cái khung” của đề án mới được độ năm phút thì Chủ tịch lại bảo: Tổng thể là thế, bây giờ cậu nói rõ thêm hai chi tiết về khảo sát thực tế đi. Tôi trình bày cuộc khảo sát 32 xí nghiệp từ Bắc vào Nam với nhiều thành phần kinh tế rồi kết luận, chỉ có 4 xí nghiệp trả lương tương đối đúng (bằng tiền) cho công nhân, các xí nghiệp còn lại trả bằng sản phẩm (hiện vật) mà quá thời hạn khá lâu. Có xí nghiệp, công nhân đẩy xe bò, xe ba gác đi lĩnh lương, đó là xí nghiệp gạch, ngói; xí nghiệp xi măng... Chủ tịch nhíu đôi mày với vẻ khắc khổ... Tôi nhận biết ngay là bác đang rất thương xót công nhân lao động... Tôi báo cáo tiếp cuộc khảo sát thứ hai-Thu nhập ngoài lương của khu vực hành chính sự nghiệp để bảo đảm đời sống, nói rõ con số từng bộ, ngành, cơ quan; khi nói đến các Bộ sản xuất-kinh doanh, các Ban Đảng và Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng thì bác bảo, nói chậm chút... Tôi thấy bác đánh dấu bút đỏ khá đậm vào trang viết... Rồi bác bảo: Cậu thấy không, chúng ta yêu cầu cán bộ, công nhân làm việc năng suất, chất lượng cao, mà lương bổng thế này! Thôi, được rồi, cậu về nói Bộ trưởng chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện đề án tiền lương để báo cáo với Hội đồng Bộ trưởng. Còn bốn khối công việc của Bộ là trọng đại lắm, phục vụ toàn dân đấy, mà phục vụ người dân là phải tận tâm, tận lực, đến nơi, đến chốn, giải pháp phải cụ thể, thiết thực, tính khả thi cao... Tôi chào Chủ tịch, ra về mà đầu óc miên man, vừa lo lắng, vừa phấn chấn. Nghe bác chỉ thị mà như lời cha dạy con vậy.
Lần thứ hai: Thứ 7, bất thình lình, chúng tôi nhận được thông báo của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, sáng chủ nhật lãnh đạo Hội đồng sẽ làm việc với lãnh đạo Bộ về đề án cải cách chính sách tiền lương. Tôi nghĩ ngay đến buổi làm việc cách đây hơn một tháng, bác tỏ ý muốn đi sâu vào quan điểm, nội dung và giải pháp chính sách tiền lương cải cách... Đúng hẹn, sáng chủ nhật tuần cuối tháng 3, bác Đỗ Mười đến cơ quan Bộ chúng tôi rất đúng giờ và ngạc nhiên thay, chỉ có một mình bác. Chủ tịch cho biết, ngày nghỉ để anh em nghỉ ngơi, rảnh tay một chút lo việc nhà; chúng ta vì công việc cấp bách thì phải cố gắng. Chủ tịch yêu cầu đi ngay vào việc, không bày vẽ gì cả. Buổi làm việc chỉ có 4 người (Chủ tịch, Bộ trưởng, tôi và Vụ trưởng Vụ tiền lương). Bộ trưởng trình bày 8 mục lớn của đề án, trong đó trọng tâm của trọng tâm là nội dung cốt lõi của chính sách tiền lương đổi mới. Đề án dài 30 trang đánh máy và 5 bản phụ lục đính kèm, vậy mà Chủ tịch nghe rất chăm chú, ghi chép cẩn thận, nhiều vấn đề được Chủ tịch trao đổi ý kiến ngay tức thời. Ngồi lâu mỏi mệt, lại không giải lao, bác đứng dạy, vừa nói, vừa đi đi, lại lại. Mỗi câu bác nói, bác lại lắc vai một người. Đến lượt tôi, bác cầm tay trái vắt sang tay phải và ngược lại, cứ thế nhiều lần cho đến khi bác dứt lời về quan điểm cơ bản của cải cách chính sách tiền lương. Đây là một trong những điểm được bàn lâu nhất trong buổi làm việc. Lời bác nói, tôi nhớ như in: Thôi nhé, thuật ngữ nào cho phù hợp thì để các nhà khoa học bàn thảo và quyết định sau, nhưng nội dung cơ bản của quan điểm đầu tiên là, Đối với khu vực sản xuất-kinh doanh, khi đã hình thành thị trường sức lao động thì tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động, đây là một loại giá cả đặc biệt được hình thành qua sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động phù hợp với các quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý vĩ mô của Nhà nước. Thực hiện trả lương theo việc, không trả lương theo người. Nghe vậy, chúng tôi, ai nấy “Được lời như cởi tấm lòng”, sáng mắt lên, thở phào nhẹ nhõm vì đã khai thông được tư tưởng, sẽ viết lách, diễn đạt dễ dàng hơn. Và quan điểm, tư tưởng này cũng ngay lập tức được chúng tôi đưa vào dự án Bộ luật lao động khi ấy đang được soạn thảo. Bây giờ đã qua đi hơn 27 năm, nhìn lại cho thấy, về căn bản tiền lương khu vực sản xuất-kinh doanh đã được thực hiện đúng lời bác. Nhưng câu cuối thì thực hiện chưa được trọn vẹn, nhiều nơi (nhất là các cơ quan khu vực hành chính) vẫn “đếm đầu người” trả lương, chưa thực hiện trả lương theo việc; vì vậy bây giờ phải gắng làm cho được... Đối với chúng tôi, buổi làm việc thật là quý giá, ngoài việc “gỡ được nút thắt” vướng víu quan điểm, tư tưởng thời bao cấp thì tinh thần, thái độ, phương pháp làm việc của người đứng đầu Chính phủ là bài học lớn, vô cùng trân quý cho mỗi chúng tôi.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cùng lãnh đạo Cục Người có công và Văn phòng Bộ đến báo cáo và mời nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tham dự Hội nghi biểu dương các chiến sỹ cách mạng bị đich bắt tù đày toàn quốc năm 2012 
Và lần thứ ba: Sau khi nhận nhiệm vụ Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng khóa VII, bác tổ chức một đợt làm việc với các Bộ. Mỗi Bộ, ngành, bác cho mời Bộ trưởng và Bí thư Đảng ủy cơ quan tới làm việc để tham khảo ý kiến về công tác xây dựng Đảng. Mỗi buổi bác mời ba, bốn cơ quan cùng các đồng chí trong một số Ban của Đảng dự họp. Với cương vị Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ, tôi lại được Bộ trưởng ủy nhiệm sắm cả hai vai dự họp. Tổng bí thư (TBT) điều hành cuộc họp khá là khoa học, mở đầu TBT nói: Thời lượng chỉ có buổi sáng, mỗi cơ quan hai người được phát biểu khoảng 30-35 phút, chọn lọc vấn đề và phân công nhau nói nhá. Là cuộc “hỏi ý kiến” nên không thảo luận nhiều, tức là thu thập thông tin, sau đó sẽ rút ra một số vấn đề lớn rồi sẽ có cuộc trao đổi tổng thể sau... Rồi “cụ” sắp xếp luôn thứ tự từ 1 đến 4. “Cụ” bảo tôi, trẻ nhất ở đây thì nói sau cùng vậy... Với tôi, đây là cuộc họp có nhiều may mắn, được học hỏi thêm nhiều vấn đề thực tế về công tác đảng từ các đồng chí có bề dày kinh nghiệm, nhất là khi Liên xô và Đông Âu thời gian ấy đang chao đảo, rung lắc mạnh. Hơn 10 giờ rưỡi mới đến lượt, tôi phát biểu ba vấn đề, trong đó đi sâu vào quan hệ giữa Thủ trưởng và Bí thư; Thủ trưởng và đội ngũ thừa hành. Pân tích tình hình chung, tôi rút ra: Nếu Thủ trưởng và Bí thư mà đoàn kết chặt chẽ, khăng khít đồng hành thì Đảng bộ, Chi bộ và đơn vị công tác luôn ổn định và phát triển. Nếu Thủ trưởng vững chuyên môn, là nhà tổ chức công tác tài giỏi, biết sử dụng cán bộ thì đơn vị công tác luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Bằng không, ngược lại, “lục đục” với nhau sẽ hỏng hết... Vấn đề được đặt ra là Thủ trưởng và Bí thư phải là những người đủ năng lực, trình độ và thực sự có bản lĩnh... Kết thúc buổi làm việc, TBT nói: Tôi và anh em cùng dự đã nghe và ghi chép đầy đủ. Các đồng chí phát biểu rất thẳng thắn, có trách nhiệm, có chất lượng. Ngoài công tác tư tưởng trong tình hình mới trên thế giới và trong nước thì nâng cao năng lực và phẩm chất cán bộ là vấn đề cấp bách. Tựu trung vẫn là đức và tài, mà đức là gốc. Nhưng phải cụ thể hóa, do vậy phải khẩn trương xây dựng một bộ tiêu chuẩn cụ thể cho từng loại, từng chức danh cán bộ các cấp, các ngành và căn cứ vào tiêu chuẩn đó để dào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ. Sớm chấm dứt tình trạng bố trí cán bộ theo kiểu thân quen, cảm tính, chủ quan... TBT vỗ vai, bắt tay từng người trước lúc chia tay.
Vài ba lần được gặp gỡ, làm việc với bác thôi, nhưng hoàn toàn đầy đủ cơ sở để tôi cảm nhận sâu sắc một nhận định về bác: “Những ai có điều kiện tiếp cận, gần gũi với đồng chí Đõ Mười đều dẽ đang nhận thấy ở đồng chí, một cuộc sống thật giản dị, thanh bạch, khiêm tốn và cả khoan dung độ lượng, một bộ óc sáng suốt đầy trí tuệ vì Đảng, vì dân, vì nước, luôn luôn say mê vì sự nghiệp của nước, của dân, của Đảng”(*)./.
(*) TTXVN ngày 2-10-2018.
                                                     TS. Bùi Ngọc Thanh
                                                           Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội