Xã hội
Những khó khăn trong thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng ở Hưng Yên
03:34 PM 21/01/2019
(LĐXH) – Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên cũng còn một số khó khăn, hạn chế.
Toàn tỉnh hiện có trên 24,8 nghìn người là liệt sỹ, 66 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, trên 6,8 nghìn thương binh, gần 3,5 nghìn bệnh binh và trên 4,8 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam...
Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng. Từ năm 2013-2017, toàn tỉnh đã xác nhận, giải quyết chế độ, chính sách cho khoảng 40 nghìn trường hợp người có công và thân nhân người có công với cách mạng, trong đó có 16.000 người được hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ; 12.000 người được hưởng chế độ mai táng phí; 1.639 thân nhân hưởng chế độ tuất từ trần; 2.200 người hưởng trợ cấp 1 lần; 510 thân nhân hưởng ưu đãi giáo dục, 719 trường hợp được chỉnh hình, phục hồi chức năng. Tính đến cuối năm 2017, tỉnh Hưng Yên đang chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho 17.186 người có công và 7.502 thân nhân của người có công.
Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, trên địa bàn tỉnh có 3.374 hộ được hỗ trợ, trong đó xây mới 802 nhà và sửa chữa 2.572 nhà. Tổng kinh phí thực hiện trên 97 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ 22,9 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 74,6 tỷ đồng). Ngoài ra, trong 5 năm qua, từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp, tỉnh đã hỗ trợ xây mới nhà ở cho 150 hộ và sửa chữa nhà ở cho 120 hộ gia đình chính sách.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Xuân Tuyên thăm, tặng quà người có công tại huyện Văn Lâm.

Hằng năm, vào các dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh - Liệt sĩ, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đều tổ chức thăm, tặng quà của Chủ tịch nước và của tỉnh, của địa phương cho các đối tượng người có công. Trung bình mỗi năm, tỉnh Hưng Yên đã tổ chức tặng quà cho trên 36 nghìn người có công, với khoảng 72.000 suất quà, tổng số tiền 32 tỷ đồng/năm. Trong dịp Tết nguyên đán Mậu Tuất và kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, toàn tỉnh đã tổ chức thăm và trao tặng 70.566 suất quà của Chủ tịch nước và 71.075 suất quà của Tỉnh ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ tỉnh tới các gia đình chính sách, người có công.
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được triển khai sâu rộng, thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành và người dân. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã vận động được 28 tỷ đồng ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Hiện nay, 98% số hộ người có công có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương nơi cư trú, không có hộ chính sách thuộc diện đói. Tất cả 161/161 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều đạt tiêu chuẩn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Pháp lệnh ưu đãi NCC trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Khó khăn trong thực hiện chế độ ưu đãi đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, bị địch bắt sau 30/4/1975; chế độ BHYT đối với thân nhân cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống (thân nhân của thương binh, bệnh binh, người HĐKC bị nhiễm CĐHH suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên còn sống được hưởng BHYT);  Khó khăn khi thực hiện chế độ mai táng phí đối với Bà Mẹ VNAH, TB, BB, CĐHH có tỉ lệ mất sức lao động 81% trở lên, vì chưa có qui định rõ thân nhân đuợc huởng 3 tháng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi có bao gồm 3 tháng trợ cấp nguời phụ vụ hay không; Khó khăn trong việc thực hiện chính sách thờ, cúng liệt sĩ, vì tại Khoản 1, Điều 2, Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 huớng dẫn Điều 21, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP về trợ cấp thờ cúng Liệt sĩ qui định “Nếu Liệt sĩ có một con hoặc chỉ còn 1 con còn sống thì không phải lập biên bản ủy quyền”. Tuy nhiên trong thực tế thực hiện chính sách, có nhiều trường hợp tranh chấp thờ cúng liệt sĩ giữa con gái liệt sĩ (con duy nhất còn sống) với các con dâu và cháu nội liệt sĩ; trong trường hợp này, theo qui định nêu trên, người con gái được thờ cúng liệt sĩ. Điều này chưa phù hợp với phong tục, tập quán của người Việt Nam…
Để thực hiện tốt hơn các chính sách đối với NCC, tỉnh Hưng Yên có một số kiến nghị, đề xuất như sau: Sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng, thay thế những tồn tại, vướng mắc để thực hiện tốt hơn nữa chính sách ưu đãi của Đảng đối với người có công và làm sâu sắc thêm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam; Thực hiện chế độ BHYT đối với thân nhân cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống; thực hiện chế độ đối với vợ (chồng) liệt sĩ tái giá được hưởng các ưu đãi khác như đối với thân nhân liệt sĩ; chế độ ưu đãi đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, bị địch bắt sau 30/4/1975; Điều chỉnh tăng trợ cấp một lần cho đối tượng hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế (hiện nay vẫn áp dụng mức trợ cấp 120.000 đồng/năm). Tăng mức trợ cấp điều dưỡng đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công; điều chỉnh chế độ trang cấp dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng phù hợp giá cả thị trường; Thời điểm được hưởng trợ cấp đối với người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày chưa hưởng trợ cấp một lần nay lập hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp hàng tháng nên tính từ ngày 01/9/2012 như các đối tượng người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày đã hưởng trợ cấp 1 lần trước ngày 01/9/2012; Bổ sung chính sách giải quyết chế độ đối với thế hệ cháu của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm và ảnh hưởng chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; chế độ đối với thương binh đồng thời hưởng chế độ bệnh binh hoặc mất sức lao động; Hướng dẫn giải quyết các trường hợp Liệt sĩ còn sống trở về địa phương và hướng dẫn cụ thể về khái niệm họ tộc của liệt sĩ./.
Nguyễn Hiền