Xã hội
Những khó khăn trong thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về ở Hà Giang
03:30 PM 06/10/2018
Hà Giang là một tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc của Tổ quốc, nằm trong khu vực địa bàn vùng núi cao, địa hình hiểm trở, lởm chởm dốc đứng, bị phân cắt mạnh, sông suối chia cắt, ít đất canh tác, có diện tích tự nhiên 7.914,8 km2, có hơn 277,525 km đường biên giới, trong đó có 7 huyện và 34 xã biên giới, có 4 cặp cửa khẩu Quốc gia, 22 cặp cửa khẩu tiểu ngạch và nhiều đường mòn, lối mở.
 Hà Giang có 10 huyện và 01 thành phố với 195 xã, phường, thị trấn, có 2.069 thôn bản và tổ dân phố, trong đó 181 xã vùng khó khăn, 123 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn (Riêng 6 huyện nghèo của tỉnh có 93 xã đặc biệt khó khăn). Tỷ lệ hộ nghèo cao, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ cao, trình độ dân trí không đồng đều... đã ảnh hưởng rất lớn tới tình trạng mua bán người trên địa bàn tỉnh, bọn tội phạm thường xuyên lén lút tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật, trong đó có tội phạm mua bán người qua biên giới. Chúng hoạt động rất tinh vi, khó phát hiện. Thủ đoạn phổ biến là lợi dụng các mối quan hệ để lừa gạt, dụ dỗ trẻ em ở các vùng nông thôn nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số kém hiểu biết, có trình độ văn hóa thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp…bằng những lời dụ dỗ đường mật như đưa đi chơi, mua sắm, tìm việc làm thích hợp nhẹ nhàng ở thành phố, thị xã với mức lương cao để đưa ra nước ngoài bán kiếm lời.
Từ những điều kiện thuận lợi về địa lý tiếp giáp với các tỉnh trong nước và nước ngoài bằng đường bộ, Hà Giang trở thành một địa điểm thuận lợi cho bọn tội phạm mua bán người, đặc biệt là trẻ em diễn ra phức tạp và tiềm ẩn. Từ năm 2011 đến hết năm 2018, Sở Lao động - TBXH tỉnh Hà Giang đã phối kết hợp với các cơ quan chức năng tiếp nhận vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh 717 nạn nhân; trong đó: người ngoài tỉnh 678 người, trong tỉnh 53 người (có 41 trẻ em) để chăm sóc sức khỏe, ổn định tâm lý, tư vấn, hỗ trợ nạn nhân tái  hòa nhập cộng đồng theo quy trình, quy định chế độ chính sách ban hành. Số nạn nhân tiếp nhận số lượng lớn chủ yếu là những năm 2011 đến 2015, từ năm 2016 đến nay Bộ Công an quản lý việc tiếp nhận chặt chẽ, đúng đối tượng do đó số lượng tiếp nhận giảm đáng kể. Cụ thể năm 2016 có 17 nạn nhân, năm 2017 có 21 nạn nhân, 8 tháng năm 2018 có 03 nạn nhân.
Cán bộ Đồn Biên phòng Bạch Đích, BĐBP Hà Giang đến từng nhà dân tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của bọn mua bán người. Ảnh: Lê Đồng
Tuy nhiên trong quá trình tiếp nhận và lập hồ sơ hồ sơ thường gặp phải những khó khăn, vướng mắc như: Nạn nhân là trẻ em bị mua bán trở về do mặc cảm về bản thân, không muốn tiết lộ thông tin về cá nhân, sức khỏe nên khó khăn cho công tác khai thác tiếp cận thông tin để quản lý chăm sóc và thông báo thông tin tới gia đình nạn nhân.
Một số nạn nhân là trẻ em bị mua bán từ nhỏ nên tiếng phổ thông không biết, không rõ họ tên bố, mẹ, quê quán và nơi cư trú nên khó cho công tác thông tin giữa cơ sở tiếp nhận và gia đình trong việc phối kết hợp tổ chức đưa trẻ em trở về đúng địa chỉ trao trả cho người thân. Cá biệt hiện tại, tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Giang có 01 cháu là nạn nhân bị bắt cóc ra nước ngoài được giải cứu trao trả về Việt Nam nhưng gia đình không nhận lý do không giống với con cháu của họ do cháu bị khuyết tật.
Có nạn nhân khi được giải cứu về nước mang theo cả con nhỏ sinh tại nước ngoài do bị gả làm vợ, mại dâm mà sinh con. Khi lấy thông tin để hoàn tất hồ sơ trả nạn nhân về cộng đồng, nạn nhân là người mẹ thường khai thông tin không chính xác về nguồn gốc của trẻ em như không nhớ, không đúng địa chỉ...
Việc rà soát, thống kê, lập hồ sơ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài tự trở về không qua đường tiếp nhận gặp khó khăn, khó tiếp cận do người bị mua bán không muốn tiết lộ thông tin cá nhân cho xã, phường, người thân biết để làm các thủ tục theo quy định vì sợ bị ảnh hưởng tới đời tư và cuộc sống sau này. Hoặc người bị mua bán khi trở về địa phương sau đó một thời gian lại tiếp tục đi khỏi nơi cư trú không rõ đi đâu, làm gì nên khó cho công tác tiếp cận, quản lý và hỗ trợ nạn nhân.
Cơ sở tiếp nhận nạn nhân ( Trung tâm bảo trợ xã hội) chưa đáp ứng được yêu cầu do nhà tiếp nhận nạn nhân đã lâu không được đầu tư nay đã bị xuống cấp, trang thiết bị nghèo nàn, cán bộ làm công tác quản lý chưa qua đào tạo về công tác quản lý nạn nhân, chăm sóc nạn nhân...do đó ảnh hưởng, hạn chế trong công tác tiếp nhận và chăm sóc nạn nhân.
Bên cạnh đó, khi Trung tâm thông tin cho gia đình nạn nhân nhưng do gia đình ở xa, hoặc không đến nhận, Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí cán bộ và không có kinh phí để tổ chức đưa trẻ về địa phương trao trả cho chính quyền và gia đình.
Trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Hầu hết các nạn nhân do phía Trung Quốc trao trả chỉ ghi trong biên bản trao trả là công dân việt nam nhập cư trái phép. Do Hà Giang không có cơ sở lưu trú tạm thời, Nhà nước không có chế độ quy định hỗ trợ kinh phí trong khi chờ công an điều tra, xác minh, nạn nhân. Mặt khác một số nạn nhân là người dân tộc thiểu số không biết chữ, tiếng, không nhớ địa chỉ nơi ở, người thân không đến đón, có trường hợp cá biệt không biết đường để trở về quê quán...theo quy định hiện hành đối với nạn nhân đã trưởng thành nạn nhân chỉ được hỗ trợ tiền ăn, vé tàu xe trở về quê quán. Do đó ảnh hưởng rất lớn tới công tác bàn giao nạn nhân trở về địa phương. Có những trường hợp cá biệt đang ở tại Trung tâm nhưng nạn nhân liên hệ với đối tác rồi bỏ chốn trở lại nơi làm việc cũ tại nước ngoài ( Trung Quốc).
Để thực hiện tốt công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân, phòng chống mua bán, giảm thiểu các vụ việc phát sinh, Sở Lao động - TBXH tỉnh Hà Giang đề nghị tỉnh, Trung ương hàng năm quan tâm cấp nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động về công tác phòng chống mua bán người nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, đề cao cảnh giác và tự bảo vệ mình trước thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người, giúp người dân tiếp cận các chế độ chính sách của nhà nước.
Cũng trong giai đoạn 2018-2020, Hà Giang sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân đặc biệt là người dân sống ở những nơi tiếp giáp đường biên giới đề cao cảnh giác và tự bảo vệ mình trước thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người, giúp người dân tiếp cận các chế độ chính sách của nhà nước. Phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong việc tiếp nhận và giải quyết tốt các chính sách chế độ đảm bảo 100% nạn nhân bị mua bán trở về được hỗ trợ ổn định tâm lý trở về tái hòa nhập cộng đồng. Hướng dẫn Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố thường xuyên rà soát, thống kê số nạn nhân bị mua bán trở về để kịp thời lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng theo quy định. Triển khai tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về phòng, chống mua bán người cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn và cán bộ làm công tác Lao động Thương binh và Xã hội thuộc một số địa bàn có nguy cơ cao xảy ra việc mua bán người./.
Mỹ Hạnh