Xã hội
Những khó khăn, thách thức trong hoạt động can thiệp trị liệu trẻ chậm phát triển ngôn ngữ ở Quảng Ninh
10:37 AM 10/12/2018
(LĐXH) - Thời gian qua, hoạt động can thiệp, trị liệu cho trẻ chậm phát triển ngôn ngữ ở Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên cũng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả của hoạt động này.
Tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, cứ 10 trẻ RNTT đến sàng lọc,
đánh giá thì có 4 đến 5 trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ
Số liệu điều tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh năm 2013 cho thấy tỉ lệ rối nhiễu tâm trí (RNTT) ở trẻ em trên địa bàn tỉnh là 10,1% trên tổng số 3.656 trẻ được điều tra, nói cách khác cứ 10 trẻ thì có 1 trẻ có mắc RNTT. Còn tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, cứ 10 trẻ RNTT đến sàng lọc, đánh giá thì có 4 đến 5 trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ.
Để góp phần nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động can thiệp, trị liệu cho trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh đã có sáng kiến đề xuất Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động can thiệp trị liệu trẻ chậm phát triển ngôn ngữ trong mô hình tâm lý trị liệu trẻ rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh”. Với nhiều hoạt động như: Sàng lọc, đánh giá, xây dựng kế hoạch trị liệu và tổ chức can thiệp trị liệu cho trẻ em chậm phát triển ngôn ngữ; Xác định nguyên nhân của vấn đề chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ; Tư vấn, tham vấn, đào tạo kỹ năng cho người chăm sóc trẻ em chậm phát triển ngôn ngữ; Biện hộ chính sách đối với việc đảm bảo quyền lợi của trẻ em chậm phát triển ngôn ngữ và gia đình trẻ; Vận động, kết nối, giới thiệu nguồn lực dịch vụ trợ giúp trong xã hội; Truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng...  
Ông Đỗ Anh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh cho biết: Có thể nói, hoạt động can thiệp trị liệu hỗ trợ trẻ chậm phát triển ngôn ngữ là một hoạt động quan trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Mô hình trị liệu tâm lý cho trẻ em RNTT, trẻ tự kỷ tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh và đã mang lại những hiệu quả ban đầu, được cộng đồng và gia đình đối tượng đánh giá cao. Đến nay, tỷ lệ can thiệp trị liệu, giải quyết vấn đề khó khăn về ngôn ngữ của đối tượng đạt khoảng 60%. Trẻ đã có ngôn ngữ và ngày càng rõ ràng, mạch lạc hơn; Trẻ cũng đã hiểu người khác nói, thực hiện theo hướng dẫn và giao tiếp một cách tự tin, trôi chảy hơn…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các hoạt động can thiệp trị liệu hỗ trợ trẻ chậm phát triển ngôn ngữ nói riêng và việc thực hiện mô hình tâm lý trị liệu cho trẻ em RNTT, trẻ tự kỷ tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh còn gặp một số khó khăn như: Đội ngũ cán bộ, nhân viên tham gia mô hình tuy được đào tạo bài bản nhưng do mới hoạt động, chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc trực tiếp với trẻ nên đôi lúc đánh giá và trị liệu cho những trẻ gặp phải vấn đề rối nhiễu tâm trí nặng hay tự kỷ điển hình, trẻ rối nhiễu ở độ tuổi dậy thì gặp rất nhiều khó khăn; Thông tin về các hoạt động của Mô hình còn chưa đến được với người dân, do vậy còn nhiều trẻ gặp phải vấn đề về RNTT nói chung và chậm phát triển ngôn ngữ nói riêng chưa được tiếp cận dịch vụ...
Để nâng cao hiệu quả hoạt động can thiệp trị liệu trẻ chậm phát triển ngôn ngữ trong mô hình tâm lý trị liệu trẻ rối nhiễu tâm trí, theo ông Đỗ Anh Hòa, trong thời gian tới Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh sẽ thực hiện đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giới thiệu thông tin, chức năng, nhiệm vụ của Mô hình trị liệu tâm lý tại Trung tâm, những dấu hiệu để nhận biết trẻ chậm phát triển ngôn ngữ; Nâng cao kiến thức, kỹ năng can thiệp trị liệu chuyên sâu đối với nhóm trẻ em chậm phát triển ngôn ngữ cho đội ngũ chuyên viên, nhân viên tham gia mô hình; Mở rộng địa bàn khám, sàng lọc phát hiện trẻ chậm phát triển ngôn ngữ nhằm gia tăng số lượng trẻ được can thiệp, trị liệu tâm lý hằng tuần ở Trung tâm; Bổ sung các thiết bị, vật dụng hỗ trợ trong trị liệu cho trẻ; Tăng cường kết nối, tìm kiếm nguồn lực bổ sung cho mô hình.../.
Cảnh Minh