Lao động
Những kết quả tích cực trong công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và chăm lo đời sống người lao động
03:21 PM 10/05/2022
(LĐXH) - Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống kinh tế, xã hội. Các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp đã triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kép vừa bảo vệ sức khỏe người lao động, vừa duy trì phát triển kinh tế, xã hội dần đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.
Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính Phủ trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, an toàn cho người lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tham mưu trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản, chính sách, chế độ. Có chính sách chưa có tiền lệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và nhân dân vượt qua khó khăn trong đại dịch như: Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021, Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Các chính sách giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN về mức 0% cho doanh nghiệp; Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cùng nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp về nơi ở, sinh hoạt, đi lại cho người lao động đã được triển khai đồng bộ mang lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp và người lao động. Đến nay, Trung ương và các địa phương đã dành trên 79.000 tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hơn 740.000 lượt người sử dụng lao động và trên 48,9 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.
Tổ chức Công đoàn cũng ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình, sát cánh cùng công nhân, người lao động, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó đi lên. Cùng với việc đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc, Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam còn chủ động ban hành nhiều chính sách, gói hỗ trợ đoàn viên, người lao động, lực lượng tuyến đầu chống dịch và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị Covid-19; Hỗ trợ dinh dưỡng cho nhân viên y tế, người lao động; Miễn giảm đoàn phí công đoàn cho đoàn viên khó khăn. Đồng thời, triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, như: Siêu thị 0 đồng; Bếp ăn yêu thương; Tổ an toàn Covid-19… Các cấp Công đoàn đã chi nguồn kinh phí chưa từng có với hơn 6.000 tỷ đồng từ nguồn tài chính công đoàn để chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh kiểm tra công tác đảm bảo ATVSLĐ tại Công ty than Hòn Gai
và động viên người lao động vượt qua khó khăn do dịch Covid-19
Với phương châm lấy phòng ngừa làm nguyên tắc ưu tiên trong hoạt động quản lý, công tác thông tin, tuyên truyền đã được đổi mới, đa dạng hóa trên nhiều kênh thông tin, từ truyền thống đến hiện đại mở rộng tới khu vực làng nghề, tư nhân. Các phong trào thi đua, hội thảo, hội thi chuyên đề như: Thi cán bộ an toàn, lao động giỏi; người huấn luyện giỏi… được chú trọng, linh hoạt hình thức tổ chức. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra được quan tâm triển khai nhằm phát hiện kịp thời, ngăn ngừa các dấu hiệu sai phạm. Các hoạt động kiểm định, huấn luyện được chú trọng với sự tham gia của nhiều chủ thể trong xã hội, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước đã góp phần tiết kiệm một nguồn chi lớn cho ngân sách nhà nước, nâng số lượng người lao động được huấn luyện tăng cao hàng năm.
Tiếp nối Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ, từ năm 2017, Tháng hành động về ATVSLĐ được Chính phủ cho phép tổ chức vào tháng 5 hàng năm đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, sâu rộng của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các cơ quan báo chí truyền thông, trở thành phong trào, nề nếp thực hiện của nhiều cơ quan, doanh nghiệp trên cả nước. Một trong những điểm nhấn trong Tháng hành động đó là đã có nhiều triệu giờ làm việc an toàn, nhiều sáng kiến, sáng tạo cải thiện điều kiện làm việc được phát động thực hiện. Các hoạt động khám sức khỏe, tập huấn, đối thoại chính sách ở cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố được định kỳ tổ chức trên tinh thần lắng nghe, trao đổi thẳng thắn đã góp phần giải đáp kịp thời vướng mắc của doanh nghiệp. Tháng 5 cũng là Tháng Công nhân là một trong những hoạt động trọng tâm của tổ chức Công đoàn, nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Tháng Công nhân năm 2021 đã được tổ chức linh hoạt, sáng tạo đạt nhiều kết quả nổi bật, có điểm nhấn. Chương trình 75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển là một hoạt động đổi mới trong tổ chức phong trào thi đua của tổ chức Công đoàn, đã thu hút hơn 250 nghìn sáng kiến tham gia, vượt hơn 300% chỉ tiêu đề ra với tổng giá trị làm lợi gần 148 nghìn tỷ đồng. Các cấp Công đoàn đã tổ chức 3.774 cuộc “Cảm ơn người lao động” với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng; Tổ chức 7.537 diễn đàn “Lắng nghe – Thấu hiểu – Chia sẻ” với những khó khăn của người lao động.
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người lao động, năm 2021, công tác ATVSLĐ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. TNLĐ chết người đã giảm 18,5%, giảm 19,63% số người chết, giảm 21,71% số người bị TNLĐ nặng, giảm 0,25% số mẫu quan trắc môi trường không đạt tiêu chuẩn so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc ngành nghề có nguy cơ, rủi ro về TNLĐ, BNN cao như ngành điện, than, xăng dầu, cơ khí đã tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ hiện đại để cải thiện điều kiện lao động, giảm thiểu các rủi ro TNLĐ, BNN xảy ra…/.
Minh Cảnh