Xã hội
Những giải pháp đồng bộ để đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống
05:26 PM 12/12/2017
(LĐXH) - Tại Hội thảo Giải pháp đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống do Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và các đơn vị liên quan tổ chức sáng 12/12, các đại biểu một lần nữa khẳng định, trẻ em là tương lai của dân tộc, cần được bảo vệ, chăm sóc một cách toàn diện.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại hội thảo

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em và không bảo lưu bất cứ một điều khoản nào, phê chuẩn tất cả các điều khoản. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 và Công ước quốc tế, kể từ ngày 1/6/2017, Luật Trẻ em 2016 chính thức thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới. Luật Trẻ em 2016 ghi nhận đầy đủ các quyền của trẻ em và tiếp cận trên quyền của trẻ em.

Nhìn lại kết quả những năm qua về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là từ sau khi Luật Trẻ em có hiệu lực thi hành, hầu hết các chỉ tiêu về thực hiện quyền trẻ em đều đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, Việt nam vẫn còn gặp một số khoảng trống đó là sự chưa hội nhập hoành chỉnh về khung khổ pháp luật; việc thực hiện quyền trẻ em vẫn còn một số hạn chế; tiếp cận với dịch vụ giáo dục và chăm sóc sức khỏe có chất lượng cho trẻ còn chưa đạt.  

Trẻ em cần được bảo vệ, chăm sóc toàn diện

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội Việt Nam đặt câu hỏi: "Phải chăng các vấn đề trẻ em nảy sinh từ áp lực kinh tế, việc làm"

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam khẳng định, vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng của ông bà, cha mẹ cũng như toàn xã hội.Tất cả các văn bản pháp luật, chính sách được ban hành đều nhằm mục tiêu bảo vệ trẻ em tốt hơn, bảo đảm thực hiện các quyền của trẻ em và mang lại những điều tốt đẹp hơn cho trẻ.

Theo quy định, trẻ em sẽ cùng nhau hành động để vận động cho quyền trẻ em, đảm bảo cho các em được sống và phát triển tối đa tiềm năng của mình. Trẻ em được tham gia vào các vấn đề về bản thân trẻ thông qua các hình thức: Diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi, sự kiện. Thông qua tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ; hoạt động của Đội Thiếu niên tiền phong HCM, Đoàn TNCS HCM; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động vì trẻ em; Hoạt động của câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em được thành lập theo quy định của pháp luật; Tham vấn, thăm dò, lấy ý kiến trẻ; Bày tỏ ý kiến, nguyện vọng trực tiếp hoặc qua kênh truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội và các hình thức thông tin khác. 

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh, Luật Trẻ em 2016 tiếp cận trên cơ sở quyền trẻ em, các vấn đề của trẻ em, liên quan đến trẻ em được quan tâm nhằm hướng tới sự phát triển toàn diện của trẻ bao gồm: ăn, học, vui chơi phát triển và tiếng nói các em trên diễn đàn quốc tế. Càng ngày trẻ em càng được thể hiện tiếng nói của mình, quyền của mình. Những vấn đề trẻ em hiện nay đang nổi lên được chất vấn cả Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng. Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề trẻ em được quan tâm đầy đủ, sâu sắc và kịp thời như hiện nay. Điều này cho thấy hệ thống luật pháp của chúng ta tương đối đồng bộ và gần như đã tiến tới đầy đủ theo thông lệ quốc tế.  Song, tại thời điểm này, chúng ta vẫn cần quan tâm nhiều hơn đến các nhóm trẻ yếu thế, đặc biệt cần lưu ý nhóm trẻ em bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành cấp THCS, các em rất dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động xấu dẫn đến môi trường sống an toàn của các em bị thu hẹp, ngay cả trong phạm vi gia đình.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác trẻ em

TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội, đại diện các cơ quan truyền thông đóng góp ý kiến tại hội thảo

Khẳng định vai trò và những đóng góp của hệ thống truyền thông vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước nói chung và bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói riêng, TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội khẳng định: “Đồng hành cùng quá trình xây dựng, ban hành, thực thi các chính sách pháp luật về trẻ em, là cả hệ thống thông tin đại chúng với đa dạng các loại hình. Báo chí trẻ em được xem như một loại báo chuyên biệt hướng tới việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Hiện nay, Việt Nam đã có hệ thống báo chí dành riêng cho trẻ em, thuộc tất các các loại hình, phù hợp với từng độ tuổi. Tuy nhiên, đưa tin về trẻ em là một trong những thách thức không nhỏ đối với giới truyền thông”.

Đồng quan điểm với các chuyên gia về vai trò của truyền thông trong quá trình chuyển tải thông tin, góp phần nói lên tiếng nói của cộng đồng, lên án những vụ việc tiêu cực, xâm hại trẻ em, song theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, báo chí phải tích cực hơn nữa trong khai thác và tiếp cận vấn đề. Theo lãnh đạo Cục Trẻ em, bên cạnh việc phản ánh xã hội, báo chí nhất thiết phải đóng vai trò mạnh mẽ trong định hướng, giúp người dân nhìn nhận được vấn đề, cách thức giải quyết vấn đề. Hơn nữa, các cơ quan truyền thông cũng cần khai thác để thấy được khoảng trống của luật, bất cập của chính sách để chúng ta có thể hoàn thiện hơn nữa cơ chế, chính sách đối với trẻ em.

Cục trưởng Đặng Hoa Nam thông tin thêm về các nội dung bảo vệ trẻ em quy định tại Luật Trẻ em và Nghị định 56

Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện các đơn vị, hội đoàn đã góp nhiều ý kiến với mong muốn đưa Luật Trẻ em thực sự đi vào cuộc sống. Theo các chuyên gia, nên đưa nội dung truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình và trẻ em vào những khung giờ vàng thay cho một số quảng cáo kinh doanh; nội dung có thể là cách nhận biết dấu hiệu bị bạo lực, các điều khoản liên quan đến luật pháp đặc biệt là các chế tài xử phạt, thông tin về các khung hình phạt đối với người có hành vi bạo hành trẻ em; các thông tin về các hình thức dịch vụ trợ giúp, giáo dục tham vấn người bị bạo lực lẫn người có hành vi bạo lực, thông tin về các đường dây nóng… để trẻ em, gia đình, dân cư dễ dàng tiếp cận.

Bên cạnh đó, các đại biểu, đặc biệt là các cơ quan truyền thông cũng đã chia sẻ cởi mở những khó khăn của người làm báo chuyên về lĩnh vực trẻ em - một mảng đề tài rất khó tiếp cận và khó khai thác. Về cơ bản, báo chí viết về đề tài trẻ em không chỉ đòi hỏi phải có tình thương trẻ, hiểu về trẻ mà cần phải có hiểu biết và kiến thức về pháp luật, nhất là cần nắm vững Công ước quốc tế về Quyền trẻ em, Luật Trẻ em và kỹ năng tác nghiệp, cách tạo ra những sản phẩm báo chí đúng với luật pháp, với chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp đã được Hội nhà báo ban hành. Trong một số trường hợp nhạy cảm, phức tạp, các cơ quan báo chí cần tham khảo ý kiến cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chuyên môn như Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Hội Luật gia, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam...

Bài toán tổng thể để đưa Luật Trẻ em đi vào cuộc sống

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho rằng, để Luật Trẻ em được triển khai có hiệu quả, đi vào cuộc sống, cần phải triển khai đồng bộ các biện pháp để từng bước đạt mục đích xây dựng một môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ em, cần ưu tiên tạo điều kiện để mọi trẻ em được phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ, tinh thần và phát huy tối đa tiềm năng của mỗi trẻ em.

Qua chia sẻ của các Bộ, ngành, đoàn thể trong quá trình triển khai Luật, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cũng yêu cầu sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc đầu tư, phân bổ nguồn lực cho các chương trình, mục tiêu về trẻ em; sự thiếu trách nhiệm và thiếu đồng bộ trong phối hợp liên ngành, liên cấp, liên địa phương để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực hiện quyền trẻ em; sự thiếu chủ động trong việc phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em cũng như thiếu kịp thời trong việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại. Cần tăng cường giám sát việc báo cáo, giải trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Bên cạnh đó, công tác thông tin truyền thông cần phải đa dạng hình thức, sâu sắc cách thể hiện trên cơ sở đảm bảo nói đúng và đặt lợi ích của trẻ em lên hàng đầu.

Đăng Doanh