Xã hội
“Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” – Nhật ký thời chiến của một thầy giáo thương binh
03:11 PM 19/11/2020
(LĐXH) Ngày 18/11, tại Hà Nội diễn ra lễ ra mắt cuốn nhật ký thời chiến "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng" của tác giả Đinh Đức Lâm - một thương binh từng là thầy giáo làng, từng “xếp bút nghiên”, phấn trắng, bảng đen, tạm biệt học trò, lên đường ra trận trong những năm gian khổ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đến dự buổi lễ có Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND), Thiếu tướng Phan Văn Lai, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Bộ Công an, Trưởng ban liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam, Bộ Công an; AHLLVTND, Thiếu tướng Đào Trọng Hùng, Phó trưởng Ban liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam, Bộ Công an; Nhà giáo, Tiến sĩ Đỗ Khánh Tặng – Trưởng ban Tuyên huấn, Hội cựu giáo chức Việt Nam, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Tư tưởng Văn hóa, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương; Trung tướng Trần Văn Nấng, Nguyên Cục Trưởng cục Tổ chức -Tổng cục Chính trị QĐNDVN, Ủy viên Thường trực Ban liên lạc Hội đồng hương huyện Tứ kỳ tại Hà Nội...
Đại diện Ban tổ chức có: Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ - Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Nhà văn Lê Thanh Hà - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thanh niên; Cựu chiến binh Hà Minh Sơn – Thường trực CLB Trái tim Người lính.
“Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” là tập nhật ký thời chiến đầu tiên của Tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” mà tác giả là một thầy giáo làng, từng “xếp bút nghiên”, phấn trắng, bảng đen, tạm biệt học trò, lên đường chống Mỹ. Đó chính là nhà giáo, cựu chiến binh, thương binh Đinh Đức Lâm (còn có tên khác là Đinh Văn Sai). Ông sinh ngày 31/8/1945, tại thôn Quan Lộc, xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương trong một gia đình nông dân.
Bìa nhật ký thời chiến "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng" của tác giả Đinh Đức Lâm
Mồ côi cha từ khi còn chưa ra đời, cậu bé Sai lớn lên cùng người anh trai là Đinh Đắc Khâm và chị gái là Đinh Thị Lai, do một vai người mẹ nghèo làm lụng và nuôi dưỡng. Lớn lên, cũng chỉ một mình cậu bé được ưu tiên đến lớp học hết cấp II, sau đó được cử đi học Trường Trung cấp Sư phạm của Bộ đặt tại Kẻ Sặt, Hải Dương.
Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ngày 22/6/1968 thầy giáo Đinh Đức Lâm lên đường vào chiến trường B đầu năm 1969. Đêm ngày 21/7/1969, sau một trận đánh phối hợp với đơn vị bạn, Lâm bị lạc rừng. Anh phát hiện ra chiến sĩ Lê Văn Thụ, quê Thái Bình cũng đang bị lạc như mình. Nhưng gay go nhất là Thụ bị đạn bắn gãy chân, không thể đi được. Với tình đồng đội, Lâm đã không nỡ bỏ Thụ lại trong rừng. Anh tình nguyện cõng Thụ và tìm cách vượt qua vòng vây của thám báo Mỹ trở về đơn vị. Nhưng họ đã bị lạc tới 3 đêm liền trong khu rừng đầy thám báo Mỹ và những ổ phục kích của địch. Rồi cuối cùng, nhờ dũng cảm và mưu trí, hai người đã tìm thấy đồng đội và trở về đơn vị an toàn. Đó cũng chính là cái thứ cảm xúc, để sau này Nhà văn Đặng Vương Hưng lấy cảm hứng để đặt tên cho tác phẩm nhật ký “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng”.
Qua những trang nhật ký của Đinh Đức Lâm, chúng ta có thể hình dung ra phần nào cuộc sống, sinh hoạt của một chiến sĩ bộ đội quân giải phóng, sẽ được cứu chữa và chăm sóc chu đáo như thế nào, nếu không may bị thương.

Tác giả Đinh Đức Lâm (thứ tám từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các khách mời.

Đặc biệt, nửa sau của nhật ký đã mô tả rất rõ chặng đường hành quân bộ, từ chiến trường miền Đông Nam Bộ ra Bắc phải đi qua những chặng đường nào, dòng sông nào, dừng chân nghỉ ở những Binh trạm đón tiếp nào… Nếu như những tác phẩm nhật ký thời chiến mà chúng tôi đã biên soạn trước đây, hầu hết là mô tả những khó khăn, vất vả, gian nguy của người chiến sĩ khi vượt Trường Sơn hành quân vào chiến trưởng miền Nam. Thì đến nhật ký của thầy giáo Thương binh Đinh Đức Lâm đã mô tả tâm trạng của những người lính trên chặng đường ngược lại: Từ Nam ra Bắc!
Nhật ký “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” được tác giả Đinh Đức Lâm ghi chép từ ngày 21/7/1969 và khép lại trang viết cuối cùng vào ngày 3/3/1973. Đó chính là một ngày vui, khi gia đình ông bất ngờ nhận được tin người anh trai cả là Đinh Đắc Khâm không hi sinh như Giấy báo tử của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Hưng ngày 3/2/1972 thông báo và chính quyền địa phương cũng đã trang trọng làm Lễ Truy điệu. Sự thật là ông Đinh Đắc Khâm đã bị thương trong một trận chiến đấu ác liệt, rồi bị địch bắt làm tù binh. Ông Khâm đã bị địch giam giữ 5 năm 7 tháng, tổng cộng là 2049 ngày, mà phần lớn là ở Trại tù binh Phú Quốc. Đầu năm 1973, tù binh Đinh Đắc Khâm đã được phía chính quyền Sài Gòn trao trả theo Hiệp định Paris.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về cuộc đời của ông Đinh Đắc Khâm, cựu tù binh Phú Quốc, anh trai của tác giả Đinh Đức Lâm, được sự thống nhất của gia đình, người biên soạn đã đưa vào phần sau của nhật ký một tự truyện, có tựa đề là “Một liệt sĩ sống lại”.
Tại lễ ra mắt sách, Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, người biên soạn và giới thiệu cuốn sách chia sẻ: Bạn đọc sẽ thật sự bất ngờ, khi biết rằng, tác giả của tự truyện này chưa hề đến trường một ngày nào. Mãi tới năm 12 tuổi, ông mới tự đi học mót vỡ lòng ở nhà một người hàng xóm tốt bụng. Khi vào bộ đội, ông khai văn hóa lớp 4, vì tự thấy mình đã biết đọc và biết viết. Mà lạ kỳ là chữ ông Khâm viết rất đẹp, lại rất chuẩn về ngữ pháp và chính tả. Nhất là khi đã là một tù binh trong Trại giam Phú Quốc, trong điều kiện lao tù, ông Khâm vẫn đều đặn dành mỗi ngày hai tiếng đồng hồ tự học văn hóa, hoặc đọc truyện Kiều. Ông tâm sự: Bây giờ nghĩ lại sao ngày ấy mình có nghị lực thế, giữa cái sống, cái chết cận kề mà lại cứ học hành được, học thuộc lòng cả truyền Kiều 3254 câu, thuộc lòng Chinh phụ ngâm 476 câu… Rồi học lịch sử Việt Nam các triều đại, niên đại, bây giờ ông vẫn nhớ được thứ tự từ cổ đại, trung cổ và đến hiện đại…

Hai anh em tác giả (giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng nhà văn Đặng Vương Hưng

- người biên soạn và giới thiệu sách (thứ hai từ phải sang).

Không riêng ông Khâm, mà nhiều anh em tù binh khác đã động viên nhau: Gắng học để quên thời gian, nhưng nếu sau này may còn sống thì cũng sẽ có ích cho bản thân!
Với một phần tư thế kỷ cống hiến trong nghề giáo dục, thầy giáo Thương binh Đinh Đức Lâm đã dạy dỗ hàng vạn học sinh. Nhiều người đã trưởng thành là Cử nhân, Kỹ sư, Bác sĩ, thậm chí có người giành học vị Tiến sĩ… Nhiều cựu học sinh cũ của ông đã trở thành cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng và Chính quyền, hoặc là Doanh nhân thành đạt… Nhà giáo Đinh Đức Lâm cũng giáo dục con cháu rất thành công. Vợ chồng ông tự hào, vì sinh được 3 người con, nay họ đều đã trưởng thành và là niềm tự hào của quê hương Tiên Động.
Hơn 50 năm trước, khi viết những dòng chữ đầu tiên trong sổ tay nhật ký ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, người thầy giáo trẻ Đinh Đức Lâm không thể ngờ được những trang sổ tay đã cũ nát với những dòng chữ đã nhòe mờ sau nửa thế kỷ, nay đã trở thành tài sản tinh thần của con cháu ông và sẽ là di sản cho cả cộng đồng và xã hội.
Tác phẩm “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” sẽ là món quà nhỏ, nhưng vô cùng ý nghĩa, khi ra mắt bạn đọc đúng dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2020 và tác giả Đinh Đức Lâm (nguyên Hiệu Trưởng Trường Phổ thông Cơ sở xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) tròn 75 tuổi (1945 – 2020).
 
Chị Đinh Thị Thúy (con gái tác giả Đinh Đức Lâm) cho biết: Tôi vô cùng xúc động và tự hào khi đọc từng trang nhật ký của bố. Khi quyết định xin ý kiến ông cho thực hiện việc xin phép xuất bản là chúng tôi muốn gìn giữ một phần lịch sử của đất nước với mong muốn giá trị tinh thần tài sản vô giá này được lưu giữ và truyền lại cho thế hệ con cháu, cho thế hệ trẻ tương lai của đất nước. Thế hệ trẻ sẽ có thêm nhiều bài học ý nghĩa giá trị để tôn tạo những phẩm chất đức tính tốt đẹp của người Việt Nam, từ đó luôn có tinh thần tự hào dân tộc, tạo sức mạnh đoàn kết để vượt qua bất cứ khó khăn thách thức nào, chiến thắng bất cứ đối thủ, kẻ địch nào để góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước Việt Nam giàu mạnh.
Thảo Lan