Xã hội
Nhìn lại công tác lao động, người có công và xã hội tỉnh Hoà Bình năm 2022
10:29 AM 30/01/2023
(LĐXH)-Năm 2022, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sự quan tâm phối hợp của các sở, ban, ngành cùng với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành, công tác lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giữ vững an ninh trật tự, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong lĩnh lực lao động - tiền lương, bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2022. Qua khảo sát cho thấy, trên 90% số doanh nghiệp đang hoạt động đảm bảo thực hiện đúng việc trả lương bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Tiền lương bình quân của lao động trong doanh nghiệp bình quân 6.038.000/người/tháng, tăng 6% so với năm 2021.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 69/NQ-CP ngày 19/5/2022 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, đến nay, tỷ lệ người lao động Hòa Bình tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chiếm khoảng 25% tổng số lao động trong các doanh nghiệp.
Trong năm qua, số vụ tai nạn lao động trong toàn tỉnh cũng giảm cả về số vụ và số người mắc, giảm thiệt hại về người và tài sản. Công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được thực hiện chặt chẽ. Trong năm, Sở đã chấp thuận vị trí công việc sử dụng người lao động nước ngoài cho 93 lao động; xác nhận không thuộc diện cấp cho 17 lao động; cấp mới và cấp lại giấy phép cho 73 lao động; gia hạn giấy phép cho 19 lao động.
Đồng chí Quách Thị Kiều - Giám đốc Sở LĐTBXH Hòa Bình trao danh hiệu cho các Chiến sỹ thi đua cơ sở có nhiều thành tích trong công tác lao động, người có công và xã hội năm 2022
Thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ[1]TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở đã tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách, thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà cho gần 4000 lao động của 32 doanh nghiệp với kinh phí 5.866 triệu đồng.
Trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động, sau khi hết giãn cách xã hội, ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tư vấn giới thiệu việc làm thông qua hoạt động của các phiên giao dịch việc làm lưu động, các hội nghị, hội thảo do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức. Tập trung giải quyết việc làm tại chỗ thông qua các chương trình thu hút đầu tư, dự án phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động... Kết quả năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm trong nước cho 19.074 lao động, bằng 119,2 % kế hoạch năm. Đưa 720 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 240% kế hoạch. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 55% (giảm 2% so với năm 2021), tỷ lệ thất nghiệp của lao động ở khu vực thành thị còn 2,3%.
Bên cạnh đó, trong năm qua, Sở LĐTBXH đã tích cực triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục thực hiện việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Tăng cường hoạt động liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Tập trung đào tạo những ngành nghề mà thị trường lao động đang có nhu cầu, đào tạo cho lao động nông thôn để giải quyết việc làm tại chỗ. Trong năm, có 17.697 lao động được tuyển sinh học nghề, đạt 116% so với kế hoạch năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 59,23%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 23,81%. Công tác giải quyết việc làm sau đào tạo đạt hiệu quả cao, khoảng 80% học viên tự tạo được việc làm sau đào tạo.
Chương trình giảm nghèo với mục tiêu giảm nghèo bền vững luôn được coi là chương trình trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2022, nền kinh tế của Hòa Bình vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh vẫn luôn quan tâm và dành nhiều nguồn lực ưu tiên cho giảm nghèo. Tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ cho Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022 là 161 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này và thông qua các chính sách giảm nghèo, lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội khác, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,29%, giảm 3,2% so với năm 2021 (kế hoạch giảm 2,5%), huyện Đà Bắc giảm 6,26% hộ nghèo, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Trong năm, toàn tỉnh đã giải quyết kịp thời chế độ trợ cấp hằng tháng cho 32.000 đối tượng bảo trợ xã hội và 3.000 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng, kinh phí trên 150 tỷ đồng, đảm bảo 100% đối tượng trong diện được giải quyết. Trong dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần, đã có 47.222 đối tượng được hỗ trợ với tổng số tiền là 19 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và huy động từ xã hội hoá. Người cao tuổi được quan tâm, chăm sóc và phát huy tối đa vài trò. Trong năm, đã có 779 cụ 90 tuổi và 75 cụ 100 tuổi được tổ chức mừng thọ chu đáo, trang trọng. Tại Trung tâm công tác xã hội, năm qua, đã có 222 lượt đối tượng bảo trợ xã hội được nuôi dưỡng và chăm sóc tốt. Ngoài ra, tỉnh cũng thường xuyên rà soát nắm bắt tình hình đời sống của người dân để hỗ trợ kịp thời khi thiên tai, giáp hạt. Trong năm, toàn tỉnh đã hỗ trợ lương thực cho 1.012 lượt hộ gia đình với lượt 4.079 người với số gạo 61 tấn.
Thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, trong năm 2022, tỉnh Hòa Bình đã chi trả trợ cấp ưu đãi hằng tháng cho trên 8.000 người có công, tổng kinh phí trong năm gần 180 tỷ đồng. Trao tặng tặng gần 50.000 suất quà của Chủ tịch nước, của UBND tỉnh đến người có công và thân nhân dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh - Liệt sỹ với tổng kinh phí gần 12 tỷ đồng. Giải quyết chế độ mai táng phí, trợ cấp một lần cho 850 người có công và thân nhân; xét duyệt danh sách mua bảo hiểm y tế cho 450 người; tổ chức điều dưỡng sức khoẻ cho 3.240 người với kinh phí trên 6 tỷ đồng. Vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh đạt 1.025 triệu đồng. Đặc biệt, đến nay, đã có 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công; 99,65% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân trên cùng địa bàn nơi cư trú.
Về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, năm 2022, Hòa Bình đã nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Kết quả điều tra cho thấy, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 36/151 xã không có tệ nạn ma túy, 136 /151 xã không có tệ nạn mại dâm. Không phát sinh mới các tụ điểm tệ nạn xã hội. Các Cơ sở cai nghiện ma túy của Sở đã quản lý, cai nghiện cho 628 người (Bắt buộc 475 người, tự nguyện 153 người). Tiếp nhận, duy trì điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone cho 161 người. Thực hiện truyền nghề may cho 57 học viên, nghề làm đậu phụ cho 15 học viên và 22 học viên về kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn hoa cây cảnh... Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, an ninh trật tự trong đơn vị.
Trong năm 2022, công bảo vệ, chăm sóc trẻ em và công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng được Hòa Bình chú trọng thực hiện và đạt kết quả đáng ghi nhận. Tỉnh đã tích cực tuyên truyền Luật Trẻ em; phòng chống tai nạn thương tích, xâm hại đối với trẻ em, đảm bảo phát huy các nhóm quyền của trẻ em theo quy định, thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Các cấp, các ngành đều lồng ghép các chỉ tiêu bình đẳng giới vào trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngành, đơn vị. Đến nay, tỷ lệ nữ tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 là 09/52 đồng chí = 17%; Tỷ lệ cán bộ nữ diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý là 57/318 đồng chí = 17,9%. Tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV là 3/6 đại biểu = 50%; Tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp khoá XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 đều đạt trên 20%. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, tỷ lệ lao động nữ lao động làm công hưởng lương đạt tỷ lệ 30%, tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm chiếm tỷ lệ 50%.
Với việc thực hiện tốt các mặt công tác nói trên, tổng kết phong trào thi đua năm 2022, Sở LĐTBXH được Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá xếp loại là đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đảng bộ Sở được Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh xếp loại tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các tổ chức đoàn thể được xếp loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bước sang năm 2023, năm bản lề thực hiện Nghị quyết.
Bước sang năm 2023, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, tập thể công chức, viên chức ngành LĐTBXH phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục những tồn tại hạn chế năm 2022, quyết tâm thực hiện, hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội được Bộ LĐTBXH, UBND tỉnh giao: giải quyết việc làm cho 16.000 lao động, tuyển sinh học nghề khoảng 15.500 người, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,5% đến 3%, thực hiện trợ cấp kịp thời cho 100% đối tượng bảo trợ xã hội, thực hiện chu đáo công tác chăm sóc đời sống người có công, trợ giúp 100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vv… góp phần giữ vững an ninh trật tự, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Hoà Bình./.

Quách Thị Kiều

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hòa Bình