Xã hội
Nhìn lại các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ: Bài học kinh nghiệm và định hướng thời gian tới
03:11 PM 09/02/2018
Năm 2017 là năm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017). Nhiều hoạt động thiết thực đã diễn ra ở các cấp, các ngành, các đoàn thể trong cả nước. Hai trong 10 sự kiện tiêu biểu năm 2017 được bình chọn của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là “2017- Năm đền ơn đáp nghĩa” và “Giải quyết hàng ngàn hồ sơ người có công còn tồn đọng”.
Ngay từ tháng 10/2016, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng đồng ý giao phối hợp các cơ quan, địa phương xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng dự thảo “Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác người có công với cách mạng” trình theo quy định.Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTB&XH đã báo cáo, trình Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quan trọng trong lĩnh vực người có công nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và tặng quà tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng NCC số 2 - Hà Nội
Trên cơ sở đó, Thực hiện Kế hoạch số 895/KH-BTCQG ngày 10/3/2017 của Ban Tổ chức cấp Quốc gia về các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ LĐTB&XH - cơ quan thường trực của Ban Tổ chức cấp Quốc gia phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức một số hoạt động kỷ niệm trọng tâm như sau:
1. Từ kết quả tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, cả nước có 5.900 trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng ở cấp tỉnh, Bộ LĐTB&XH đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đồng ý chủ trương giải quyết theo quy trình cá biệt nhằm kịp thời đảm bảo quyền lợi cho đối tượng, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Tính đến ngày 30/6/2017, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 42.000 bằng Tổ quốc ghi công; các địa phương, ngành, công an, quân đội đã xác nhận trên 2.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 498 liệt sĩ. Bộ LĐTB&XH tổ chức Lễ trao 498 Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân các gia đình liệt sĩ vào ngày 18/7/2017 với sự tham dự của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.
2. Tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc với 700 đại biểu là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến, các thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày... vào sáng 26/7/2017 với sự tham dự của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương.
3. Tổ chức cầu truyền hình (trực tiếp trên VTV1) tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công vào tối 26/7/2017 tại 04 điểm cầu với sự tham dự của đồng chí Tổng Bí thư (tại điểm cầu Hà Nội), đồng chí Chủ tịch Quốc hội (tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh), đồng chí Thủ tướng Chính phủ (tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên), đồng chí Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội (tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị); cùng các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước tham dự tại các điểm cầu. Đây là một trong những chương trình đặc biệt được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Bên cạnh những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, chương trình mang tới cho khán giả nhiều câu chuyện rất đặc biệt, đầy tính nhân văn và xúc động về sự hi sinh anh dũng của những người lính. Chương trình đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ các đại biểu tham dự cũng như nhân dân trong cả nước.
4. Lễ kỷ niệm cấp Quốc gia 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ được tổ chức trọng thể vào sáng 27/7/2017 tại Hà Nội, do đồng chí Tổng Bí thư chủ trì với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng; Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và đại diện người có công tiêu biểu.
Đồng thời, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia vào ngày 22/7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tham dự Lễ Khánh thành Đài hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Đây là công trình tri ân sự hy sinh hết sức to lớn, vô giá của các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam và chiến sỹ Quân đội Hoàng gia Campuchia trong cuộc đấu tranh dành lại nền độc lập và sự hồi sinh cho đất nước Campuchia; là công trình thể hiện tình cảm hữu nghị, đoàn kết truyền thống giữa hai nước, hai dân tộc.
Đại sứ quán Việt Nam tại CHDCND Lào và các cơ quan chức năng của nước bạn cùng cộng đồng Việt kiều tại Lào tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Bản Cơn, huyện Phôn-hông, tỉnh Viêng Chăn vào ngày 23/7/2017, nhằm thể hiện lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc của các thế hệ hôm nay đối với sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp quốc tế cao cả, vì nền độc lập, tự do của hai dân tộc Việt Nam và Lào.
Có thể khẳng định, Ngày Thương binh - Liệt sĩ là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc; là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân  kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền bối, anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hi sinh; biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế; quan tâm giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ.
Dịp kỷ niệm này đã đón nhận sự quan tâm sâu sắc, sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội. Trên cơ sở đó, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể đã tổ chức triển khai tốt các hoạt động kỷ niệmthiết thực, tiết kiệm, hiệu quả với quy mô, hình thức phù hợp gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã được các cơ quan thông tấn báo chí rất coi trọng. Ngay từ đầu năm 2017, đặc biệt là tháng 6 và tháng 7, các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến các địa phương đều tập trung tuyên truyền đậm nét, phong phú về ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, các đơn vị quân đội, công an, doanh nghiệp và các cá nhân trong và ngoài nước đã tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, như: Xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng, ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ... Những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình đó được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hoá, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc.
Ý nghĩa của Ngày 27/7 đã lan tỏa đến từng làng xóm, thôn, bản, ấp; nhiều gia đình đã lấy ngày 27/7 là ngày giỗ ông, cha, con, cháu của mình. Hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ đã tạo một nét đẹp trong đời sống văn hoá Việt Nam, có tính giáo dục cao, thiết thực góp phần chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công với cách mạng; đặc biệt là giáo dục truyền thống cách mạng, “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 Năm 2018, kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được, thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc tiếp tục sự tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng đã chỉ rõ: Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; Thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công đảm bảo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi trục lợi chính sách người có công; Giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng vào năm 2020; Hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình người người có công với cách mạng giai đoạn 2 theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2018. Đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; 98% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng vào năm 2020.
Ngành LĐTB&XH nhận thức sâu sắc ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân gia đình liệt sĩ: “Ưu đãi người có công với cách mạng là trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, là sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước và toàn xã hội… Các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau ghi lòng tạc dạ, mãi mãi biết ơn những người đã cống hiến, đóng góp, hi sinh vì sự nghiệp cách mạng quang vinh của Đảng, của dân tộc. Chúng ta xin hứa với anh linh, hương hồn những người đã mất trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được xác nhận là liệt sĩ và cả những người bị thương chưa được xác nhận là thương binh rằng: Tổ quốc và nhân dân không bao giờ quên ơn họ; các cấp, các ngành và toàn xã hội đau đáu nỗi niềm phải xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh cho họ để thực thi pháp lý, trọn vẹn đạo lý với người có công với cách mạng”.
Kết quả của công tác người có công với cách mạng trong thời gian qua đã được nhân dân và cử tri cả nước tin tưởng vào sự quyết tâm của ngành LĐTB&XH. Đây cũng là thách thức lớn của ngành đối với công tác người có công trong thời gian tới./.
Đào Ngọc Lợi
Cục trưởng Cục Người có công