Xã hội
Nhìn lại 10 năm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở Bình Định
11:54 AM 28/06/2022
(LĐXH)-Trong 10 năm qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh và các địa phương, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em từng bước được cải thiện, trẻ em tỉnh Bình Định được quan tâm nhiều hơn trên tất cả các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định, hiện nay, số trẻ em dưới 16 tuổi trên địa bàn tỉnh có 382.520 trẻ (chiếm 25,13% dân số), trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có 6.000 trẻ (chiếm tỷ lệ 1,57% trên tổng số trẻ em). Công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và thực hiện các chính sách xã hội đối với trẻ em luôn được quan tâm và thực hiện đầy đủ, hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được hình thành và phát triển ở tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố. Các dịch vụ xã hội cơ bản đã đáp ứng đầy đủ cho trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em sinh sống tại các vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Trên 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp; 95% trẻ em gặp thiên tai, thảm họa được cứu trợ, hỗ trợ kịp thời; 100% số trẻ em dưới 6 tuổi được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế; 100% trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông con hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập.
Bên cạnh đó, hằng năm, nhân các dịp lễ, Tết, các sự kiện liên quan đến trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch thăm và tặng hàng ngàn suất quà cho trẻ em, nhất là trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em ở vùng sâu vùng xa; cũng như tăng cường thực hiện công tác vận động các nguồn lực hỗ trợ cho trẻ em. Qua đó, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ về vật chất, tinh thần nhằm góp phần đáp ứng các nhu cầu, các quyền cơ bản của trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; ưu tiên quan tâm đối tượng trẻ em bị khuyết tật, mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng. Đến nay, đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em như: Trao hơn 5.000 suất học bổng cho trẻ em con gia đình chính sách, trẻ em nghèo vượt khó học khá, giỏi; trao tặng gần 1.500 xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn chưa có phương tiện đến trường; hỗ trợ phẫu thuật trả lại nụ cười cho hàng ngàn trẻ em bị khuyết tật vùng hàm mặt; hỗ trợ phẫu thuật cho gần 800 trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh, hỗ trợ phẫu thuật và cấp dụng cụ chỉnh hình cho hơn 2.500 trẻ bị khuyết tật cơ quan vận động tay, chân; phẫu thuật cho gần 700 trẻ em nghèo bị khuyết tật về mắt; vận động nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng nhiều trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa; thăm và tặng hàng trăm ngàn suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh và nhiều hoạt động hỗ trợ khác, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 35 tỷ đồng.
Riêng trong dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 năm nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội dùng nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và vận động thêm nguồn lực xã hội hóa tặng 1.100 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại 11 huyện, thị xã, thành phố; 3 cơ sở trợ giúp xã hội đang chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật, gồm: Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh; Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm; Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn; bệnh nhi đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Ngoài ra, còn có rất nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh Bình Định dành sự quan tâm, động viên trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh. Chẳng hạn như, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã tổ chức trao 194 suất quà cho trẻ khuyết tật, mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh. Mỗi suất quà trị giá từ 300 - 500 nghìn đồng, do Hội vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục duy trì hoạt động cuộc vận động “Đỡ đầu trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” trong các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong toàn tỉnh. Hiện nay, có 374 cơ sở Đoàn, Hội, Đội trên toàn tỉnh nhận chăm sóc và đỡ đầu cho 670 trẻ mồ côi không nơi nương tựa.. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “vì đàn em thân yêu”; phát huy vai trò của các “Quỹ thắp sáng ước mơ thiếu nhi”, phong trào “vì bạn”, Tuần lễ “Lì xì heo đất giúp bạn học tốt” để góp phần hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Học sinh tỉnh Bình Định tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022
 Các hoạt động truyền thông, tuyên truyền giáo dục, trang bị kỹ năng sống, kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em; hướng dẫn cho các em kỹ năng tự bảo vệ, phòng, tránh các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, các tệ nạn xã hội, bảo đảm kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh cho trẻ em thường xuyên được thực hiện đồng bộ và đạt hiệu quả. Tỉnh đồng thời tăng cường các hoạt động triển khai chính sách, giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học đặc biệt là trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; các trường bán trú và dân tộc nội trú. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực; nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh về quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; xây dựng, hướng dẫn, thực hiện và phát triển mô hình đối thoại học đường để thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong trường học; mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường học. Thường xuyên triển khai việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục lối sống văn hóa, rèn luyện đạo đức cho học sinh. Tích hợp, lồng ghép các nội dung có sự tham gia của trẻ em vào các chương trình chính khóa và hoạt động ngoại khóa phù hợp với cấp học, năng lực, sự phát triển của trẻ em. Qua đó, công tác giáo dục trẻ em ở Bình Định đã đạt được một số kết quả như: Đến nay, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đạt 100%; Tỷ lệ trẻ em 5 tuổi đến trường đạt 99%; Tỷ lệ đi học tiểu học đúng độ tuổi đạt 99,7%; Tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt 99,5%.
Trong 10 năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh Bình Định cũng tạo cơ hội để trẻ em được công khai bày tỏ ý kiến, nhu cầu cần được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, bày tỏ quan điểm, chia sẻ ước mơ, suy nghĩ của mình đối với các cấp lãnh đạo và các cơ quan, tổ chức liên quan. Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, hằng năm các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh luôn xây dựng kế hoạch tổ chức Diễn đàn trẻ em các cấp tại trường học, cộng đồng, cấp xã và cấp huyện. Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh luôn được duy trì tổ chức 01 lần/ năm (trừ năm 2021 do dịch bệnh COVID-19 bùng phát).
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội còn phối hợp với Tỉnh đoàn duy trì hoạt động của Hội đồng trẻ em, tổ chức các hoạt động của Mô hình Hội đồng trẻ em tỉnh (gồm có 15 thành viên) như: Định kỳ tiếp xúc với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu lãnh đạo các Sở, ngành để kiến nghị các vấn đề có liên quan đến trẻ em; tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng cho các thành viên của Hội đồng trẻ em. Thông qua các diễn đàn, các cuộc đối thoại đã tạo cơ hội cho trẻ em tiếp cận các nguồn thông tin, tham gia vào các hoạt động xã hội, được bày tỏ, ý kiến nguyện vọng của mình liên quan đến trẻ em, góp phần nâng cao nhận thức và vận động xã hội quan tâm đến quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Thực hiện các chỉ tiêu về dinh dưỡng, sức khỏe, nước sạch và vệ sinh môi trường cho trẻ em, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai đồng bộ Kế hoạch hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em; có sự đầu tư kinh phí và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành, hội đoàn thể liên quan nên kết quả đều đạt và vượt chỉ tiêu Trung ương giao hàng năm. Hiện nay, 100% trạm y tế trong tỉnh đạt tỷ lệ có bác sỹ công tác, 100% xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, đảm bảo thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nói chung và trẻ em nói riêng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh giảm liên tục và được duy trì trong nhiều năm liền. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi hiện chỉ còn 8,1%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi còn 12,5 %. Số liệu đánh giá đến cuối năm 2021: tỷ lệ bà mẹ đẻ quản lý thai hàng năm đạt 99,94%, tỷ lệ bà mẹ đẻ do cán bộ y tế đỡ đạt 99,72%, tỷ lệ bà mẹ đẻ tại cơ sở y tế đạt 99,54%, tỷ lệ thực hiện chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ/sau mổ đẻ (EENC)/số ca đẻ 95%, tỷ lệ phụ nữ đẻ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh (42 ngày) đạt 100%.
Ngoài ra, tỷ suất tử vong sơ sinh chỉ còn 1,38‰. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao cho trẻ em trong những năm qua cũng luôn được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em; góp phần rèn luyện nâng cao sức khỏe về thể chất và tinh thần cho trẻ em... tạo nhiều sân chơi giải trí lành mạnh, bổ ích; khuyến khích các em phát triển thể chất, tư duy, năng khiếu đồng thời tìm hiểu kiến thức pháp luật, kỹ năng để bảo vệ chính mình, nâng cao khả năng chống lại các tệ nạn xã hội, văn hóa phẩm, thông tin độc hại; đảm bảo an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng. Đến nay, tỷ lệ xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi dành cho trẻ em do cấp xã, phường, thị trấn quản lý đạt 72%. Toàn tỉnh hiện có 12 nhà thi đấu đa năng, có 22 hồ bơi, bể bơi, 05 hồ bơi lắp ráp; có 03 công viên nước và hơn 45 sân bóng đá nhân tạo... phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, phòng, chống tại nạn cho trẻ em.
Có thể nói, trong 10 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ở Bình Định đã luôn tạo môi trường thuận lợi để thực hiện toàn diện quyền trẻ em; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tạo sự chuyển biến tích cực về cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, đồng thời mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ và phúc lợi xã hội dành cho trẻ em. Trẻ em Bình Định ngày càng có điều kiện thuận lợi để học tập, vui chơi, giải trí lành mạnh; các quyền cơ bản của trẻ em ngày càng được đảm bảo thực hiện đầy đủ./.
Minh Hằng