Lao động
Nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định hướng dẫn Bộ Luật Lao động năm 2019
07:52 AM 02/07/2020
(LĐXH)- Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Nghị định hướng dẫn Bộ Luật Lao động năm 2019, diễn ra trong 02 ngày 01 - 02/7/2020 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức ở TP.HCM. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh tham dự và chủ trì Hội thảo.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu chỉ đạo hội nghị

Tham dự Hội thảo còn có ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam; ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động cùng gần 200 đại biểu là lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH và đơn vị, doanh nghiệp khu vực phía Nam.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho rằng, nội dung đưa ra lấy ý kiến tại Hội thảo tập trung về Lĩnh vực quan hệ lao động và tiền lương. Trong đó, đặt trọng tâm vào 03 Nghị định về: Đối thoại tại nơi làm việc và thực hiện dân chủ cơ sở tại nơi làm việc; Giải quyết tranh chấp  lao động; Quản lý lao động, hợp đồng lao động, tiền lương, kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất. Theo đó, Thứ trưởng mong muốn, các đại biểu tham dự đóng góp cụ thể, thẳng thắn vào các nội dung dự thảo của Nghị định. Đối với những nội dung chưa rõ có thể trao đổi với cơ quan soạn thảo để làm rõ, trên cơ sở đó có ý kiến tham gia để Bộ có căn cứ tiếp tục hoàn thiện. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (đơn vị được Bộ giao tham mưa) tại Hội thảo cần chia sẻ làm rõ cơ sở đưa ra những nội dung hướng dẫn để có cách hiểu thống nhất chung về nội dung Nghị định,…

Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động – Tiền lương trả lời thắc mắc của các đại biểu

Phát biểu mở màn Hội thảo, bà Phạm Thị Hồng Yến - Đại diện Công ty Intel Products Việt Nam bày tỏ, trong công tác quản lý nhân sự doanh nghiệp gặp một số khó khăn liên quan tới phần đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Theo bà Yến, theo định đóng BHTN kèm theo bảo hiểm xã hội (BHXH), nếu như thời gian làm việc của người lao động (NLĐ) nhỏ hơn 14 ngày nhỏ là không đóng. Nhưng tổng thời gian làm việc là tính theo ngày, khi chia ra thì lệch 01- 2 tháng (thường ít hơn 01 tháng), người lao động thường căn cứ vào các khoản đóng nên không đóng BHTN vào công ty, nên có rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu như quy định rõ 02 tháng luôn sẽ dễ cho doanh nghiệp. Thứ hai, liên quan tới định nghĩa lương giờ và thực chi trả ở Điều 12, khoản 2. Khi doanh nghiệp tính, chia số giờ thực tế làm việc của NLĐ sẽ phát sinh vấn đề là có những lao động nghỉ không làm việc vài ngày, dẫn tới số giờ thực tế làm việc trong tháng đó ít hơn. Theo đó, NLĐ sẽ nghỉ phép, nghỉ bất kể những gì để tiền lương 01 giờ làm việc cao hơn, như vậy là không hợp lý. “Tiền lương theo giờ, theo tuần, theo tháng phải là những khoản cố định, nếu như anh làm ít giờ hơn, ít ngày hơn thì dĩ nhiên lương anh phải thấp hơn rồi”, bà Yến đề nghị.

Các đại biểu tham gia ý kiến tại đại hội

Bà Đoàn Thị Phương Diệp - Giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM, lại băn khoăn về vấn đề giao kết hợp đồng lao động: “Trường hợp nào được giao kết hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ và trường hợp nào buộc phải kết thúc hợp đồng lao động chưa được rõ ràng cụ thể”.  Còn ý kiến của ông Cao Duy Thái, Phó trưởng Phòng Lao động – Tiền lương, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai lại cho rằng, vấn đề trả trợ cấp mất việc làm dưới 24 tháng làm việc: trả ít nhất 2 tháng tiền lương trợ cấp. Trong thực tế có nhiều doanh nghiệp phản ứng về vấn đề này. Bởi trước đây khi chưa có BHTN thì công thức tính trợ cấp thất nghiệp như vậy là hợp lý. Nhưng nay doanh nghiệp họ đã đóng đầy đủ BHTN cho NLĐ rồi, tại sao họ vẫn phải trả 2 tháng tiền lương như trên. “Những doanh nghiệp đang trong thời gian tái cơ cấu lại thì họ sẽ không quá khó khăn nhưng đối với doanh nghiệp gặp khó khăn thật, do khách quan như ảnh hưởng dịch Covid -19 vừa rồi thì cũng rất khó khăn cho họ: ông Thái đưa ra những ví dụ thực tế.

Bên cạnh những ý kiến trên, tại hội thảo nhiều đại biểu còn đưa ra các ý kiến về: lập hồ sơ điện tử quản lý lao động; giao kết hợp đồng lao động, đặc biệt là hợp đồng lao động điện tử; trách nhiệm vật chất; tiền lương làm thêm giờ,…

Tiếp thu và trực tiếp trả lời những ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động – Tiền lương cho rằng, thứ nhất về lương làm thêm giờ, nguyên tắc trong hướng dẫn là phải hướng dẫn khoản mục và theo điều. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, đơn vị phải căn cứ vào đấy để tính. Còn về hợp đồng lao động điện tử, đây là vấn đề mới, nên vấn đề này để áp dụng vào thực tế phải có quy định riêng. Nhưng theo Cục trưởng Hưng, hệ thống điện tử đó phải được pháp luật công nhận và phải được thể hiện của cả hai bên, người sử dụng lao động và NLĐ đồng ý, thế là được thừa nhận. “Về vấn đề trợ cấp mất việc làm, dưới 01 tháng, hay 01 tháng không quan trọng gì cả. Chúng ta phải xuất phát từ bản chất vấn đề. Tại sao trợ cấp mất việc làm; Tại sao trợ cấp thôi việc làm người ta nói từ 01 năm trở lên, được hưởng 01 tháng tiền lương; Trợ cấp mất việc làm, ít nhất là 02 tháng tiền lương trở lên. Bởi bản chất thôi việc chủ yếu tính vào thời gian đóng góp công hiến của NLĐ với doanh nghiệp; Còn trợ cấp mất việc làm nó còn có ý nghĩa nữa là phần mất việc, phần bị động của NLĐ. Khi bị động thì cần có trợ cấp cao hơn để NLĐ có thời gian ổn định cuộc sống, đi tìm việc làm mới. Xuất phát từ ý tứ đó, doanh nghiệp phải trả cho NLĐ mất việc làm cao hơn lao động thôi việc. Chứ không phải trừ cho người ta bằng không: Cục trưởng Cục  Quan hệ lao động – Tiền lương lý giải.


Nhiều ý kiến  thắc mắc của các doanh nghiệp nêu lên tại Hội thảo về hướng dẫn Bộ Luật lao động năm 2019

Còn việc, trước khi ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động cần lấy ý kiến công đoàn cấp trên hay công đoàn cơ sở. Theo Cục trưởng Nguyễn Huy Hưng, luật đã quy định, quyền ban hành nội quy lao động là quyền của người sử dụng lao động. Việc lấy ý kiến của công đoàn chỉ mang tính tham vấn, có đưa ý kiến của công đoàn vào nội quy lao động hay không là quyền của người sử dụng lao động.

 Đăng Hải