Lao động
Nhiều khởi sắc trong công tác xuất khẩu lao động
07:01 AM 08/02/2019
(LĐXH- Công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) năm 2018 của Việt Nam có nhiều khởi sắc, vượt 30% so với kế hoạch đề ra, là năm thứ năm liên tiếp số lượng vượt mức 100.000 lao động.
Năm 2018 là năm hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, cả nước có 142.860 lao động đi làm việc ở nước ngoài (đạt 130% kế hoạch); trong đó, thị trường đông nhất là Nhật Bản (68.737 người), tiếp đến là Đài Loan (60.369 người), Hàn Quốc (6.538 lao động), Ả rập – Xê út (1.920 người), Rumania (1.319 người), Malaysia (1.102 lao động), An-giê-ria (1.014 lao động)… Riêng thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2018 với trên 68.700 lao động (chiếm gần 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài), nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản lên hơn 140 nghìn người. Thị phần của lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan tiếp tục gia tăng đều đặn, bình quân tăng từ 0,7 – 1,3%, nâng tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại đây lên hơn 222.600 người (chiếm 31,52%)…
Lao động Việt Nam đi làm dệt may tại Đài Loan
Để đạt được kết quả này, bên cạnh việc giữ vững các thị trường truyền thống, một số thị trường truyền thống và tiềm năng như: Đài Loan, Nhật Bản và một số thị trường Châu Âu có những tín hiệu tích cực về việc tiếp nhận lao động Việt Nam, tạo thêm nhiều cơ hội cho lao động có chuyên môn kỹ thuật đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài... Đặc biệt, Bộ Lao động – TBXH ký thêm được nhiều Hiệp định, Thỏa thuận hợp tác với các nước, tạo khung pháp lý và cơ chế thực hiện việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xúc tiến đẩy mạnh các thị trường khác như tổ chức hội nghị các doanh nghiệp đưa lao động đi làm giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út; tổ chức hội thảo hợp tác lao động Việt Nam - Cô-oét; tổ chức Hội thảo đánh giá chương trình đưa thực tập sinh nông nghiệp đi I-xra-en tại Hà Nội...
Điểm nổi bật trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm qua đó là thị trường Nhật Bản có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam ngày càng tăng cao, đa dạng về ngành nghề; một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng các  ngành nghề mới mà Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt, có nhu cầu đưa đi như điều dưỡng, hộ lý và lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường, đầu tư bài bản cho công tác tạo nguồn lao động và đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ cho lao động trước khi xuất cảnh. Trong số 362 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động, có 44 doanh nghiệp đưa được trên 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trong năm 2018, người lao động Việt Nam đã đi làm việc tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị phần lớn tập trung ở khu vực Đông Bắc Á (Nhật Bản chiếm 48%, Đài Loan chiếm 42%, Hàn Quốc chiếm 5%). Đây cũng là năm đầu tiên số lượng thực tập sinh sang Nhật Bản vươn lên dẫn đầu các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam. Tính đến hết tháng 12/2018, số lượng thực tập sinh được phái cử sang Nhật Bản đạt 48,11%, nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản lên hơn 140 nghìn người, và trở thành nước có số lượng thực tập sinh phái cử nhiều nhất trong số 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản. Đối với thị trường Đài Loan, số lao động Việt Nam đang làm việc tại nước này trên 222.000 người.
Cấp chứng chỉ tiếng Đức B2 cho thực tập sinh chuẩn bị sang CHLB Đức làm việc
Mặc dù có nhiều khởi sắc trong công tác xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là khu vực Trung Đông mặc dù vẫn có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài nhưng với mức lương thấp, một số nước duy trì chính sách bảo hộ lao động trong nước như I-xra-en, An-giê-ri. Sự bất ổn về kinh tế, biến động về chính trị và xung đột vũ trang tại một số nước ở khu vực Trung Đông - Châu Phi, kinh tế các nước khu vực Trung Đông – Bắc Phi hồi phục chậm do giá dầu duy trì ở mức thấp, đặc biệt là cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Ả-rập Xê-út và một số quốc gia láng giềng đã ảnh hưởng không nhỏ tới người lao động Việt Nam đang làm việc cũng như hoạt động đưa người lao động sang làm việc tại một số nước.
Bên cạnh đó, nguồn lao động của Việt Nam còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp với yêu cầu cao của một số thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp; nhận thức và chất lượng của người lao động chưa thể nâng cao trong thời gian ngắn tập trung đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giành hợp đồng cung ứng lao động giữa các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước dẫn đến giảm quyền lợi, tăng chi phí đóng góp của người lao động chậm được khắc phục...
Đứng trước những thách thức và yêu cầu nêu trên, trong năm 2019, Bộ Lao động – TBXH sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, hoàn thiện hồ sơ xây dựng và chuẩn bị trình nội dung về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Cùng với việc ổn định và mở thêm những thị trường xuất khẩu lao động mới, tiếp tục quan tâm mở rộng những ngành nghề mới, đặc biệt là những ngành nghề có nhu cầu lao động có chuyên môn kỹ thuật. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thường xuyên cập nhật thông tin về các chính sách, qui định mới của Việt nam cũng như các nước tiếp nhận, các thông tin giới thiệu về các chương trình tuyển dụng mới và nhu cầu của các thị trường tiếp nhận lao động cho những bạn trẻ quan tâm đến việc làm ngoài nước...

Chí Tâm