Lao động
Nhiều điểm sáng trong dạy nghề cho lao động nông thôn tại huyện Krông Ana (Đắk Lắk)
02:52 PM 07/12/2018
(LĐXH) - Với đặc thù là một huyện nông nghiệp, trong các năm qua huyện Krông Ana (Đắk Lắk) đã tập trung thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong những chính sách quan trọng, góp phần giải quyết việc làm cũng như phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao.

Mô hình trồng nấm đang mang lại hiệu quả kinh tế cao tại huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk

 

Nhiều năm gần đây, với hiệu quả cho kinh tế cao và thu nhập ổn định, nghề trồng nấm đã và đang phát triển mạnh tại các địa phương như TP. Buôn Ma Thuột, huyện Krông Ana, Cư Kuin, Cư M’gar của tỉnh Đắk Lắk. Đây có thể được xem là giải pháp trong việc thực giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo đề án 1956.

Tại huyện Krông Ana, nhiều hộ dân tại Thị trấn Buôn Trấp, Quảng Điền, xã Dray Sáp sau khi học tại Trung tâm day nghề huyện Krông Ana cũng tận dụng nhiều lợi thế tại địa phương cùng vốn có đã học để phát triển nghề trồng nấm. Nhiều hộ dân đã có thể làm chủ công nghệ khi họ có thể cho nấm ra đúng ngày mình cần để dễ tiêu thụ, bán được giá cao. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư và mở rộng diện tích trồng nấm khi Trung tâm dạy nghề huyện triển khai thực hiện có hiệu quả đề tài KHCN “Xây dựng mô hình trồng nấm sò và nấm linh chi”.

Một trong những mô hình triển khai có hiệu quả việc ứng dụng KHCN trong việc trồng nấm là hộ ông Nguyễn Ngọc Chỉnh (Tổ dân phố 7, thị trấn Buôn Trấp). Theo ông Chỉnh, tận dụng hơn 400 m2 đất xung quanh nhà, ông đã xây dựng nhà trại để sản xuất nấm mèo, nấm sò và nấm linh chi; đặc biệt, nhờ ứng dụng KHCN vào quá trình trồng và chăm sóc đã giúp  ông có thể tự điều chỉnh được thời gian thu hoạch nấm vào các ngày 1 và 15 (âm lịch) nên sản lượng nấm của gia đình đều dễ dàng tiêu thụ với mức giá cao, trung bình mỗi năm ông Chỉnh thu về gần 200 triệu đồng.

Hay như tại thị trấn Buôn Trấp, tại nhà chị H’ Ghét Ênuôl (26 tuổi), ở (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana). Trước kia hầu hết những người trong gia đình chị đều đi làm thuê. Sau khi Trung tâm dạy nghề huyện có mở lớp học trồng nấm chị H’ Ghét đăng ký và đến Trung tâm dạy nghề huyện Krông Ana học nghề trồng nấm. Học được 2 tháng, chị về nhà dựng trại rộng 42m2 trồng nấm sò và nấm linh chi. Toàn bộ kinh phí xây trại, mua giống được Sở KH-CN tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ, khâu kỹ thuật có giáo viên trung tâm đến tận nhà hướng dẫn. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, nấm nhà chị phát triển tốt. Lứa đầu thu hoạch hơn 1 tạ nấm sò bán 25 nghìn đồng/kg và 15 kg nấm linh chi khô giá 550 nghìn đồng/kg. Chị kể : Nghề trồng nấm dễ học, dễ áp dụng thực tế, cho ra sản phẩm là có tiền ngay. Hiện chị đã trồng thêm nấm mèo (mộc nhĩ) và tiếp tục học làm nấm rơm. Chị mong có vốn mở rộng trại nấm, tăng thêm thu nhập, nhanh chóng thoát nghèo.

Cũng tại thị trấn Buôn Trấp,  mô hình trồng nấm rơm của anh Đào NgọcToản (thôn 2, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk)

Anh Toản chia sẻ: “Trước đây cả gia đình chủ yếu trông vào nguồn thu từ gần 1 ha cà phê. Tuy nhiên, do cà phê những năm đó cho năng suất thấp; lại thêm hạn hán mất mùa và giá cà phê nhiều năm liền sụt giảm khiến cuộc sống gia đình anh trở nên khó khăn, chật vật. Sau nhiều đêm suy nghĩ anh đã quyết định đến Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana để học nghề trồng nấm. Có kiến thức, anh quyết định đầu tư trồng nấm. Nhờ Trung tâm dạy nghề của huyện đứng ra tín chấp, anh được ngân hàng cho vay 18 triệu đồng. Ngoài khoản tiền tích cóp được của gia đình, anh vay mượn thêm của anh em, bà con…, và có được số vốn ban đầu để dựng nhà xưởng, xây lò hấp, mua sắm vật tư, nguyên liệu sản xuất.

Và hiện trại nấm của anh Toản có diện tích hơn 500 m2. Các loại nấm anh trồng là nấm linh chi, nấm mèo và nấm sò. Mỗi lứa anh Toản ươm trồng khoảng 5.000 – 7.000 bịch nấm các loại. Nấm linh chi, nấm mèo sau khi thu hái được phơi khô, bán sỉ cho các cơ sở thu mua. Nấm linh chi có giá 600.000 đến 700.000 đồng/kg, nấm mèo giá khoảng 100.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm anh Toản thu về hơn trăm triệu đồng từ tiền bán nấm linh chi và nấm mèo. Còn nấm sò thì mỗi ngày cũng bán được vài chục ký. Ngoài ra, cơ sở trồng nấm của anh Toản còn cung cấp hàng nghìn bịch giống nấm các loại đã cấy meo cho các hộ khác.

Ông Nguyễn Viết Đồng – Giám đốc Trung tâm day nghề huyện Krông Ana cho biết: “ Trong năm 2018 Trung tâm đã đào tạo nghề miễn phí cho lao động nông thôn và giải quyết việc làm trong và sau đào tạo cho 350 học viên (chỉ tiêu được giao 300), trong đó có 08 lớp Sơ cấp nghề: 419 học viên (nghề Trồng và khai thác nấm, May Công nghiệp, Xây dựng dân dụng, Điện dân dụng, Kỷ thuật nấu ăn). Đến thời điểm hiện tại đã triển khai các lớp ngắn hạn 8 lớp  ( 419 học viên). Đạt 139.66 % kế hoạch so với chỉ tiêu được giao. Các nghề Trồng và khai thác nấm, May Công nghiệp, Xây dựng dân dụng, Kỹ thuật nấu ăn, diện dân dụng trên địa bàn huyện; Thực hành xây dựng 15 công trình ( nhà vệ sinh, nhà ở,  tường rào cho trường Mần non trên địa bàn huyện ).

Ngoài ra, để thực hiện tốt công tác điều tra, phục vụ xây dựng đề án, ngoài việc giao sở LĐ-TB&XH tỉnh tổ chức các hội nghị quán triệt nội dung của Quyết định 1956, tiến hành tập huấn cho cán bộ và triển khai khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp”.

Lê Việt