Lao động
Nhiều cải thiện điều kiện lao động tại làng nghề
10:48 AM 24/01/2019
(LĐXH) – Ngày 23/1, tại làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ (Xã Hòa Phong – Huyện Mỹ Hào – Tỉnh Hưng Yên), Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kết quả tư vấn, tập huấn, cải thiện điều kiện lao động tại làng nghề”.
Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động phát biểu tại hội thảo
Trong khuôn khổ Dự án An toàn và sức khỏe cho lao động trẻ, Cục An toàn lao động đã phối hợp với UBND xã Đại Đồng (huyện Văn Lâm – Hưng Yên) và UBND xã Hòa Phong (huyện Mỹ Hào – Hưng Yên) triển khai hoạt động tư vấn, tập huấn, hướng dẫn cải thiện điều kiện lao động tại Làng nghề đúc đồng mỹ nghề và Làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, qua đó đã thu được những kết quả cải thiện đáng khích lệ. Hội thảo “Chia sẻ kết quả tư vấn, tập huấn, cải thiện điều kiện lao động tại làng nghề” nhằm tổng kết, đánh giá chia sẻ kinh nghiệm và lan tỏa những kết quả cải thiện của các hộ gia đình tham gia tới các hộ gia đình, các làng, xã khác trong tỉnh Hưng Yên cũng như trong các địa phương khác trên cả nước.
Ông Vũ Như Văn- Chuyên gia cao cấp ATVSLĐ đánh giá kết quả tư vấn,
tập huấn, cải thiện điều kiện lao động tại làng nghề
Làng nghề gỗ mỹ nghệ ở xã Hòa Phong có khoảng 2.300 lao động, chủ yếu là lao động trẻ từ dưới 30 tuổi (chiếm khoảng 60%), sản xuất đồ mộc gồm mộc mỹ nghệ, mộc trang trí, nội thất… Làng nghề đúc đồng mỹ nghệ ở xã Đại Đồng có 96 hộ gia đình với 137 lò đúc đồng, sản xuất đồ đồng mỹ nghệ, với các sản phẩm như: lư hương, đỉnh, hạc, nến, chuông, tượng… Đặc điểm chung của 2 làng nghề là có các xưởng sản xuất lớn, các hộ làm gia công chủ yếu sản xuất kinh doanh tại hộ gia đình chưa có quy hoạch làng nghề tập trung, máy móc, công cụ sản xuất rất đa dạng, từ tự động đến thủ công, lực lượng lao động không được qua đào tạo, chủ yếu là truyền nghề, chưa có kiến thức cơ bản về ATVSLĐ. Chính vì vậy, tại đây vẫn còn xảy ra những việc mất an toàn lao động và môi trường lao động chưa được đảm bảo.
Trong năm 2018, Cục An toàn lao động đã triển khai hoạt động tư vấn, tập huấn, hướng dẫn cải thiện điều kiện lao động tại 2 làng nghề (mỗi làng nghề có 05 cơ sở (hộ gia đình) tham gia). Theo đó, đã hướng dẫn cách nhận biết mối nguy hiểm, có hại; Tự đề ra giải pháp phòng ngừa với chi phí thấp nhất, đơn giản và hiệu quả; Cải thiện điều kiện làm việc; Phòng ngừa TNLĐ, BNN. Đồng thời tư vấn, hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về triển khai cải thiện ATVSLĐ, phòng ngừa TNLĐ, BNN.

Lãnh đạo Cục An toàn lao động và lãnh đạo xã Hòa Phong
tặng quà cho các hộ có những cải thiện điều kiện lao động tốt
Tại hội thảo, ông Vũ Như Văn- Chuyên gia cao cấp ATVSLĐ cho biết, hoạt động tư vấn, tập huấn, hướng dẫn cải thiện điều kiện lao động đã được các hộ gia đình tham gia tích cực. Đặc biệt, có nhiều hộ không thuộc diện được hỗ trợ nhưng thấy việc làm này rất thiết thực nên đã xin được tham gia cùng. Qua thời gian triển khai, các hộ gia đình đã có những cải thiện đáng kể (112 cải thiện). Qua đó, đã giúp cho người lao động nhận biết được các yếu tố nguy hại và rủi ro tiềm ẩn trong quá trình sản xuất và phương pháp phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm. Từ đó có phương án sắp đặt máy móc, công cụ phù hợp với điều kiện của từng hộ gia đình nhằm đảm bảo an toàn trong sản xuất. Cụ thể như: Trước khi được tư vấn, không có cơ sở nào có nội quy làm việc và nội quy vận hành máy; tủ thuốc sơ cứu; bình chữa cháy, tiêu lệnh chữa cháy, nội quy PCCN; hình ảnh tuyên truyền về ATVSLĐ; không có biện pháp an toàn điện, an toàn máy thiết bị… Sau khi được tư vấn tất cả các cơ sở đều có bảng nội quy làm việc và nội quy vận hành máy, thiết bị phù hợp; trang bị tủ thuốc kèm một số loại thuốc thông dụng; trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; Các thiết bị điện đã được nối đất để tránh giật điện, lắp attomat, dán nhãn; Kê lại vị trí máy, bộ phận truyền chuyển động được an toàn hơn…
Đại diện lãnh đạo xã Hòa Phong vui mừng chia sẻ: Sau thời gian được tham gia Chương trình, các cơ sở sản xuất và người lao động trong xã đã nhận thức được sự cần thiết của việc đảm bảo an toàn trong sản xuất, từ những việc tưởng như đơn giản như: sắp xếp nguyên vật liệu, chỗ ngồi làm việc, lối đi… Từ đó đã có những biện pháp đảm bảo an toàn. Để nghề mộc của xã tiếp tục phát triển bền vững, thời gian tới, Đảng ủy – UBND xã tiếp tục chỉ đạo các thôn, hộ sản xuất kinh doanh trong làng thực hiện một cách có hiệu quả công tác đảm bảo ATVSLĐ, cụ thể: Lấy mô hình của 5 cơ sở trong chương trình để duy trì và nhân rộng ra các hộ trong xã ; thường xuyên tuyền phổ biến chính sách pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động và nhân dân trong xã…
Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết: Lao động trẻ Việt Nam đang là lực lượng đông đảo trong lực lượng lao động của cả nước, với khoảng triệu 54 triệu người. Trong 2 làng nghề mộc mỹ nghệ và đúc đồng mỹ nghệ của xã Hòa Phong và xã đại đồng cũng có lực lượng lao động trẻ đông đảo, chiếm trên 50% trong tổng số gần 10.000 người lao động. Chính vì vậy, Dự án An toàn và sức khỏe cho lao động trẻ đã được chọn 2 làng nghề này để hỗ trợ tư vấn, tập huấn, hướng dẫn cải thiện điều kiện lao động.
Ông Nguyễn Anh Thơ cũng bày tỏ vui mừng vì những cải thiện tích cực của các hộ gia đình khi tham gia dự án và đề nghị các hộ gia đình cần phải duy trì và tiếp tục có những cải thiện tốt hơn trong sản xuất kinh doanh. Ông Thơ cũng tin rằng với những kết quả tốt như vậy, các mô hình sản xuất trong 2 làng nghề sẽ được nhân rộng ra toàn tỉnh Hưng Yên cũng như trong các địa phương khác trong cả nước. Góp phần đảm bảo an toàn cho lao động trẻ cũng như tất cả người lao động trong khu vực làng nghề và khu vực không có quan hệ lao động./.

Các cơ sở sản xuất sau khi được hỗ trợ tư vấn, tập huấn đã có nhiều cải thiện điều kiện làm việc,
giúp đảm bảo an toàn cho người lao động 
Nguyễn Hiền