Xã hội
Nhân ngày Công tác xã hội Việt Nam 25-3: Cảm thông và chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn
11:26 AM 26/03/2019
(LĐXH) Ngày 25/3/2019, Sở LĐ-TBXH tỉnh Đồng Nai tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Công tác xã hội nhằm biểu dương, tôn vinh đóng góp của những cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH), nhân viên, người lao động- những người đang hằng ngày sẻ chia, cảm thông với các hoàn cảnh khó khăn; đồng thời qua đó khẳng định những nỗ lực vượt khó của những người thuộc diện BTXH luôn vươn lên, khẳng định mình trong thực tiễn, hội nhập và phát triển.
Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Đồng Nai tặng hoa tri ân các cơ sở BTXH

Nỗ lực chăm sóc đối tượng BTXH

Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Kiều Oanh cho biết: Tỉnh Đồng Nai hiện có 15 cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) trong và ngoài công lập. Các cơ sở này đang quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ khoảng 79 ngàn trường hợp thuộc diện BTXH và gần 2000 đối tượng không nơi nương tựa. gần 500 cán bộ, viên chức, lao động, nhân viên công tác xã hội trên địa bàn cung cấp dịch vụ cho các nhóm đối tượng trên; kịp thời trợ cấp đột xuất cho những hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ họ vươn lên ổn định cuộc sống.

Trung tâm Công tác xã hội Đồng Nai đi vào hoạt động theo Quyết định 535 ngày 19-2-2019 của UBND tỉnh trên cơ sở hợp nhất các đơn vị: Trung tâm Bảo trợ người già, người khuyết tật, người tâm thần; Trung tâm Bảo trợ huấn nghệ cô nhi Biên Hòa; Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật; Nhà nuôi dưỡng cha mẹ liệt sỹ. Hiện Trung tâm đang quản lý, nuôi dưỡng 355 người là trẻ mồ côi, người khuyết tật, người cao tuổi, người tâm thần…Giám đốc Trung tâm Nguyễn Huỳnh Nhật Giang cho hay, hiện 120 cán bộ, nhân viên đang làm việc tại đây đã hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ trợ giúp cho các đối tượng BTXH, nhất là đối tượng còn sức khỏe, có khả năng học tập, nỗ lực vươn lên hòa nhập cuộc sống.

Bên cạnh đó, còn nhiều cơ sở BTXH ngoài công lập đã và đang cùng hệ thống cơ sở BTXH công làm tốt công tác xã hội như: Mái ấm tình thương Phúc Lâm (Long Thành); Trung tâm nhân đạo Làng tre; Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, tự kỷ bị bỏ rơi; Cô nhi viện Thiên Bình.... đang chăm sóc hàng trăm trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, lang thang cơ nhỡ. Họ đang nỗ lực để mang lại cuộc sống hạnh phúc trong “mái nhà chung” cho những hoàn cảnh thiếu may mắn. Nhân viên, người lao động các cơ sở này luôn ý thức “sống trong đời sống cần có một tấm lòng” giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là góp phần nhân lên những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Lãnh đạo Sở LĐ-TBXH và các trẻ em thăm quan gian hàng tại

Ngày Công tác xã hội tỉnh Đồng Nai năm 2019

Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Làng tre Thích Chiêu Bổn nhìn nhận, tinh thần nhân văn, lòng trắc ẩn là điều cần phải có ở mỗi con người; nhất là trước những mảnh đời khó khăn tinh thần nhân văn, lòng trắc ẩn, bao dung cần được tỏa sáng để đón nhận, hỗ trợ họ vươn lên. Hiện nay, Trung tâm Nhân đạo Làng tre đang quản lý và chăm sóc 219  đối tượng, trong đó có 60 trẻ mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, 32 người cao tuổi,  44 người khuyết tật, 22 người tâm thần, 61 người có hoàn cảnh khó khăn. Hằng ngày, 33 cán bộ, nhân viên nơi đây phải nỗ lực tất bật từ sáng đến tối khuya để hỗ trợ, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn đang được nuôi dưỡng tại trung tâm.

Cô nhi viện Hoa Mai Long Thành đang quản lý, chăm sóc 27 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi. Nhiều năm nay, bằng sự nỗ lực cơ sở đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho gần 100 trẻ em mồ côi, lang thang, bị bỏ rơi được đi học, đi làm, trưởng thành và các em luôn hướng về mái nhà chung đã có công nuôi dưỡng, hỗ trợ những ước mơ của mình. Đỗ Thị Huỳnh Trâm, một trẻ em mồ côi được nuôi dưỡng, trưởng thành từ đây kể lại, sau khi tốt nghiệp hệ cao đẳng tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Trâm đã về lại “mái nhà thân thương” để mong góp sức giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh giống mình.

Trâm chia sẻ: “Tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ, năm lên 7 tuổi được bà ngoại gửi vào Cô nhi viện Hoa Mai, được các sơ, các mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, cho đi học. May mắn hơn các bạn, tôi được tham gia khóa đào tạo tiếng Pháp do chính người sáng lập ra Cô nhi viện giúp đỡ”. Trâm vừa làm, vừa tham gia thông dịch tiếng Pháp mỗi khi có các bạn tình nguyện của Pháp sang giúp đỡ Cô nhi viện Hoa Mai và học năm thứ 4 Đại học chuyên ngành Công tác xã hội tại TP. Hồ Chí Minh. Sự nỗ lực vươn lên của Trâm chính là tấm gương để nhiều bạn nhỏ có chung hoàn cảnh vươn lên trưởng thành.

Nhân lên giá trị nhân văn tốt đẹp

Theo Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Đồng Nai Nguyễn Thị Kiều Oanh, với vai trò quản lý nhà nước, Sở đã phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền pháp luật như Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em và các chính sách có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình và xã hội trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng BTXH. Cùng với đó, hướng dẫn các đơn vị BTXH tổ chức nhiều hoạt động vận động, quyên góp, hỗ trợ có điều kiện chăm lo cho các đối tượng xã hội trên địa bàn.

Cũng theo bà Oanh, hỗ trợ các Trung tâm tham gia các hoạt động như tổ chức thăm quan, giao lưu nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, ngày người khuyết tật Việt Nam 18-4, ngày quốc tế người khuyết tật 3-12 và đặc biệt ngày Công tác xã hội. Cán bộ, nhân viên và đối tượng BTXH được giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm hay trong hỗ trợ đối tượng BTXH vươn lên trong cuộc sống. “Thông qua chương trình, Sở LĐ-TBXH lắng nghe được những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị từ các cơ sở BTXH để có định hướng hoạt động cũng như hỗ trợ về chủ trương, chính sách trong thẩm quyền, tạo điều kiện để các Trung tâm tiếp tục đồng hành chăm sóc người khó khăn, lang thang diện BTXH”, bà Oanh nhấn mạnh.

Hiện tỉnh đã đào tạo một lớp Cử nhân Công tác xã hội cho 65 học viên là cán bộ đang làm việc ở các trung tâm, các phường, xã nhằm bổ sung, kiện toàn đội ngũ làm công tác xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh có nhiều biện pháp thực hiện chính sách an sinh xã hội, ban hành các kế hoạch triển khai chương trình, đề án của Chính phủ về BTXH cho người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, lang thang, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đến nay, từ nguồn ngân sách của tỉnh đã có gần 300 ngàn lượt đối tượng xã hội được hưởng bảo trợ hằng tháng với số tiền hơn 960 tỷ đồng cùng các cơ sở ngoài công lập chăm sóc, nuôi dưỡng nhiều trường hợp với số tiền hàng tỷ đồng, góp phần đảm bảo trợ giúp 100% diện BTXH trên địa bàn.

Phó giám đốc sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Kiều Oanh cho rằng, việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày ngày Công tác xã hội còn là dịp để động viên, kêu gọi toàn thể cộng đồng, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân cùng vào cuộc hỗ trợ người khó khăn, khuyết tật, trẻ em đặc biệt, người già neo đơn không nơi nương tựa...theo tinh thần Quyết định 1791/2016 của Thủ tướng Chính phủ./.

Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25-3 năm nay có chủ đề: “Công tác xã hội- Thực tiễn hội nhập phát triển”. Sáng nay (25-3, Sở LĐ-TBXH sẽ tổ chức lễ kỷ niệm với nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội, ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng xã hội, góp phần đảm bảo thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân....

Nguyệt Hà