Xã hội
Nhà tạm lánh giải pháp ứng phó bạo lực giới tại Đắk Lắk
10:59 AM 24/05/2019
(LĐXH) - Đắk Lắk là một trong 10 tỉnh của cả nước được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chọn triển khai mô hình “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh” tại cộng đồng. Nhà tạm lánh bước đầu nhằm hỗ trợ những đối tượng bị bạo lực, khi bị bạo lực nhiều và gây ra những ức chế về tinh thần, thể chất và có thể ảnh hưởng đến tính mạng thì họ đến đây tạm lánh trong thời gian ngắn.
Cán bộ xã Bình Hòa giới thiệu về mô hình nhà tám lánh cộng đồng

Theo ông Nguyễn Hồng Quân – Phó chủ tịch UBND xã Bình Hòa (Huyện Krông Ana, Đắk Lắk), Trưởng ban quản lý mô hình cho biết: “ Mô hình nhà tam lánh cộng đồng tại xã Bình Hòa được ra mắt vào ngày 2/10/2018, đây là mô hình đầu tiên được thành lập tại tỉnh Đắk Lắk để tiếp nhận, bố trí nơi tạm lánh, nhằm hỗ trợ nạn nhân như tiếp nhận, bố trí nơi tạm lãnh khẩn cấp để cách ly và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người có nguy cơ bị bạo lực (và con của họ) khỏi đối tượng gây bạo lực, người có nguy cơ gây bạo lực. Chăm sóc y tế ban đầu, sơ cứu trong trường hợp nạn nhân bị thương tích nhẹ, trong trường hợp nặng hỗ trợ nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Ngoài ra, mô hình còn tư vấn ổn định tâm lý cho nạn nhân (và con của họ trong trường hợp cần thiết); Có biện pháp can thiệp đối với đối tượng gây bạo lực và kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Tư vấn pháp luật cơ bản cho nạn nhân nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nạn nhân. Kết nối các dịch vụ liên quan phù hợp để hỗ trợ nạn nhân khi có nhu cầu hoặc nạn nhân khi cần được chuyển tuyến; Hỗ trợ nạn nhân trở về gia đình sau thời gian tạm lánh khi đã đảm bảo đủ an toàn, tiếp tục theo dõi, hỗ trợ nạn nhân tối thiểu trong thời gian 6 tháng để đảm bảo bạo lực không tái diễn.

Theo đó, trong thời gian qua, để mô hình được triển khai thực hiện có hiệu quả và thông tin đến với các đối tượng bị bạo hành và người dân, ban chỉ đạo cũng đã tiến hành tuyên tuyền, tập huấn nâng cao nhận thức về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như: Thực hiện tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho người dân trên địa bàn các hình thức phù hợp, trong đó cần chú trọng cả nhóm đối tượng gây bạo lực hoặc có nguy cơ cao gây bạo lực, thông qua hoạt động lồng ghép trong các buổi tập huấn, sinh hoạt chuyên đề có liên quan; khuyến khích sự lên án của cộng đồng đối với các hành vi bạo lực trên cơ sở giới. Bồi dưỡng, tập huấn cao kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho cán bộ Ban quản lý Mô hình, người làm việc tại Địa chỉ tin cậy – Nhà tạm lánh và người dân trên địa bàn.

Về Ban quản lý mô hình nhà tạm lánh, gồm có Ban chủ nhiệm hoặc Ban điều hành, phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng thành viên. Các thành viên tham gia chủ yếu là đại diện các đoàn thể chính trị-xã hội, văn hóa, công an xã, tư pháp, chi hội trưởng phụ nữ ở các thôn, tổ dân phố..., trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND xã. Kể từ khi thành lập Ban quản lý cũng đã tiến hành xây dựng các kế hoạch hoạt động và kịp thời chỉ đạo các hoạt động của Mô hình như hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, kết nối với các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực. Chủ động xử lý các vấn đề phát sinh tại mô hình và điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp với sự thay đổi của tình hình thực tế của địa phương nhưng không trái với quy định của pháp luật.

Tổ chức tư vấn trực tiếp cho nạn nhân bị bạo lực, người gây bạo lực, giải quyết mâu thuẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Phân công trực tiếp cụ thể cho từng thành viên trong Ban quản lý, trong đó: phân công người hỗ trợ nạn nhân tại Địa chỉ tin cậy – Nhà tạm lánh cộng đồng và người trực số điện thoại của Ban quản lý (24/24 giờ) để tiếp nhận thông tin kịp thời xử lý, ứng phó với tình huống gây bạo lực (số điện thoại này được thông báo rộng rãi tới người dân trên địa bàn). Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động và tư vấn trực tiếp cho các nạn nhân bị bạo lực, người gây bạo lực, giải quyết mâu thuẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật, thường xuyên theo dõi, đánh giá, sơ kết, rút kinh nghiệm trong hoạt động triển khai Mô hình. Thu thập thông tin, báo cáo việc triển khai hoạt động Mô hình định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng và năm cho UBND và sở LĐ-TB&XH.

Ngoài ra, UBND xã còn thông báo số điện thoại, đường dây nóng (0262223009) trên các phương tiện truyền thông của thôn, xóm hoặc tại những nơi sinh hoạt cộng đồng để mọi người dân đều biết; bảo đảm thông tin liên lạc của người dân với cán bộ trực đường dây nóng qua số điện thoại được cung cấp vào mọi thời điểm, trực đường dây nóng đảm bảo 24/24. Khi nhận được thông tin phản ánh của người dân hoặc nạn nhân, phải kịp thời báo tin cho người đứng đầu cộng đồng dân cư, Trưởng Ban quản lý mô hình hoặc thành viên ban quản lý được phân công xử lý theo thẩm quyền. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu phạm tội thì phải báo cho công an địa phương và đảm bảo giữ bí mật thông tin về thân nhân của người phát hiện, báo tin về trường hợp bạo lực xảy ra.

 Theo ông Quân, qua thời gian triển khai hoạt động mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại xã Bình Hòa đã khẳng định được sự cần thiết và hữu ích đối với cộng đồng, góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em trước tình hình bạo lực gia đình ngày càng gia tăng. Do đó, đây là mô hình thiết thực sẽ giúp nâng cao chất lượng phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở cộng đồng, hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình phát triển bền vững/.

Lê Việt