Xã hội
Người thương binh làm giàu trên quê hương mới
09:53 AM 07/05/2018
LĐXH)- “Người lính không được phép nghèo” - đó là câu nói thể hiện ý chí quyết tâm vươn lên của người cựu chiến binh, thương binh hạng 4 Nguyễn Văn Khanh ở xóm Dọc Hèo, xã Khe Mo - huyện Đồng Hỷ. Ông cũng là điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương, được bà con tin yêu, ngưỡng mộ.
Năm 1969, khi ấy chàng thanh niên Nguyễn Văn Khanh ở xã Chương Dương, Thường Tín (Hà Tây cũ) vừa tròn 19 tuổi. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ vào chiến trường miền Đông Nam Bộ, rồi sau đó là chiến trường nước bạn Campuchia. Ông đã từng 4 lần bị thương và đến nay vẫn còn mang trong đầu những mảnh đạn cùng và di chứng của chất độc màu da cam, khiến một bên tai bị điếc.
Năm 1976, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người thương binh trẻ xuất ngũ với cấp bậc thượng sĩ, trở lại quê hương Hà Tây khi đã để lại tuổi xuân và một phần xương máu nơi chiến trường. Sau đó, ông xây dựng gia đình và sinh được 3 người con cả trai lẫn gái.
Ông Nguyễn Văn Khanh bên đàn bò của gia đình
Ông kể: “Ngày đó kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Ra quân sức khỏe yếu, bố mẹ lại đông con, dù làm lụng chăm chỉ nhưng vẫn không đủ ăn. Vì thế năm 1983, tôi dẫn bố mẹ, 3 con và một chú em lên xóm Dọc Hèo này lập nghiệp. Tất cả cơ ngơi, cuộc sống gia đình tôi phải gây dựng lại từ đầu trên quê hương mới này”.
Ông tâm niệm, trong chiến đấu, người chiến sĩ không khuất phục trước kẻ thù thì về địa phương cũng không thể nhìn cảnh vợ con nheo nhóc, cái đói cái nghèo đeo bám được. Tuy mang trên mình nhiều vết thương, thường đau nhức lúc trái gió trở trời, nhưng với khối óc và bản lĩnh của người lính trên trận mạc, kiên gan trên mặt trận chống quân thù bao nhiêu thì càng phải anh dũng trong cuộc chiến chống lại đói nghèo, lạc hậu bấy nhiêu.
Xóm mới Dọc Hèo trước kia điều kiện sống vô cùng khó khăn, đi lại xa xôi, “rừng thiêng nước độc”, thiếu thốn trăm bề. Những hộ gia đình mới chuyển đến như ông đều không phải dân gốc bản địa, còn “lạ nước lạ cái”, con còn bé, sống xa quê nên phải tự mình làm chủ vươn lên.
Lúc đó, ông đi vay mượn anh em bạn bè được một cây vàng để mua 3 ha đất đồi rừng. Vợ chồng ông không quản ngày đêm, tay cày tay cuốc làm lụng, chăn nuôi, trồng rừng, quyết tâm phát triển kinh tế cải thiện đời sống. Đến nay, với mô hình kinh tế tổng hợp gồm 2 ha rừng, 5 sào chè, trên 300 gốc cây ăn quả các loại, 13 con bò sinh sản và trên 20 con lợn nái, mỗi năm cũng cho thu nhập khoảng trên 150 triệu đồng.
Khi điều kiện kinh tế đã tương đối ổn định, ông có điều kiện giúp đỡ những hộ nghèo, thương bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương bằng cách hỗ trợ con giống, cho vay bò giống sinh sản; hướng dẫn bà con cách trồng và chăm bón cây trồng hiệu quả, cho năng suất cao.
Không những làm kinh tế giỏi, thương binh Nguyễn Văn Khanh còn được nhân tin tin tưởng bầu làm Trưởng thôn Dọc Hèo trong suốt 20 năm qua. Ông cũng tham gia Ban Mặt trận Tổ quốc, Tổ trưởng tổ điện, Tổ trưởng tổ vay vốn, Hội nạn nhân chất cam ở địa phương. Dù ở cương vị nào, ông cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, sống gương mẫu, luôn phát huy phẩm chất tốt đẹp của “người lính cụ Hồ”.
Thương binh Nguyễn Văn Khanh chăm sóc vườn cây ăn trái
Những khi rảnh rỗi, ông lại tìm đến đồng đội để thăm hỏi động viên, tư vấn họ cách chăm sóc sức khỏe cũng như giúp đỡ kịp thời mỗi khi bệnh tình tái phát. Những hoạt động thiết thực của ông và đồng đội đã góp phần động viên, cổ vũ tinh thần, giúp các nạn nhân chất độc da cam ở địa phương có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Với những cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh, ông luôn gần gũi, xây dựng mối đoàn kết thân ái giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, động viên đồng đội vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng xóm làng văn hóa.
Những đóng góp của ông Nguyễn Văn Khanh luôn được chính quyền địa phương ghi nhận, tôn vinh, được bà con yêu mến. Năm 2017, ông được lãnh đạo xã mời đi dự hội nghị điển hình tiên tiến nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; sau đó được bầu đi dự Lễ kỷ niệm cấp huyện; được huyện Đồng Hỷ tặng Giấy khen là người có công tiêu biểu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Giấy khen vì hoàn thành tốt công tác Hội nạn nhân chất độc da cam.
Giờ đây, người thương binh nhiễm chất độc da cam Nguyễn Văn Khanh đã coi Dọc Hèo như quê hương thứ hai của mình. Những người con của ông bà đã phương trưởng, có kinh tế ổn định. Ông bà luôn răn dạy con cháu sống sao cho xứng đáng với những gì thế hệ cha anh đã cống hiến cho Tổ quốc.
Chia tay chúng tôi, ông lại xắn tay áo để chăm sóc cho đồi chè, rừng keo, đàn bò. Ngắm những đồi chè, rừng keo xanh mơn mởn ngút tầm mắt của gia đình thương binh Nguyễn Văn Khanh, những người khách phương xa càng thêm cảm phục ý chí của người lính già dũng cảm./.
Nguyễn Thìn