Người thầy thuốc hết lòng vì trẻ em khuyết tật
05:36 PM 30/10/2020
Bài 2: Làm những gì tốt nhất cho trẻ em khuyết tật



(LĐXH) Với quan điểm lấy trẻ em khuyết tật làm trung tâm, bác sỹ Trần Văn Lý và các cộng sự của mình luôn cố gắng làm tất cả những gì có thể, dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em khuyết tật, giúp các em khắc phục những khó khăn do khuyết tật mang lại, cải thiện về thể chất, vui vẻ về tinh thần.
BS Trần Văn Lý khám cho trẻ khuyết tật
Xin học, tìm gia đình cho người khuyết tật
BS Lý tâm sự: Tất cả những ý tưởng, những việc ông làm đều hướng tới trẻ khuyết tật, thấy việc gì có lợi cho các em, không vi phạm pháp luật ông đều tìm mọi cách làm cho bằng được!.
Có những câu chuyện về việc giúp đỡ trẻ khuyết tật đã để lại những dấu ấn sâu sắc, kỷ niệm đẹp đối với ông. Đó là trường hợp em Nguyễn Thanh Trà, quê ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Trà bị bại não, cơ bị co cứng, 2 chân bị liệt không đi lại được. Đang học cấp 2 thì em phải vào Trung tâm điều trị. Sau thời gian điều trị 4 năm,  kết quả phục hồi tốt, em được Trung tâm cho về gia đình để tiếp tục đi học cấp 3. Song, do lúc đó em đã 19 tuổi, trường THPT ở gần nhà không tiếp nhận em vào học với lý do đã quá tuổi Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Thương đứa trẻ hiếu học, ông đã vận dụng nhiều mối quan hệ xin cho em vào học bổ túc văn hóa tại các trung tâm giáo dục thường xuyên của một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội nhưng không thành công. Con đường học hành của em có nguy cơ dang dở. Trà lại buồn bã “cầu cứu” BS Lý. “Còn nước còn tát”, ông cùng anh em trong Trung tâm nghiên cứu các văn bản pháp luật của Bộ Giáo dục và Đào tạo có liên quan, kết quả là không có văn bản nào quy định học sinh 19 tuổi không được vào học cấp 3, việc các trường THPT ở địa phương không tiếp nhận em Trà vào học là sai quy định!. Tiếp đó, ông trực tiếp làm công văn gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày sự việc và đề nghị Bộ can thiệp. Nửa tháng sau đó, Trung tâm nhận được công văn phản hồi của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc yêu cầu trường THPT công lập của huyện Thanh Trì tiếp nhận em Trà vào học. Đến nay, em hoàn thành chương trình học cấp 3, thi đỗ vào Khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học xã hội, Đại học Quốc gia HN và đã tốt nghiệp.
Một góc Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An
Còn câu chuyện tìm gia đình cho em Lò Thị Thương, người dân tộc Mông ở Yên Bái khá “li kỳ”. Em Thương bị câm điếc, khoảng năm em 12 tuổi, em được người dân nhìn thấy trong tình trạng đói lả, lang thang ngoài đường. Do em không nói được, mọi người đoán em là trẻ mồ côi, lạc từ Trung Quốc sang và đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái, rồi từ đây em lại được đưa đến Trung tâm Thụy An để được dạy văn hóa và dạy nghề. Sau hơn 6 năm ở Trung tâm Thụy An, Thương được các cô giáo ở đây chăm sóc, dạy học đến hết lớp 5, dạy ngôn ngữ ký hiệu dành cho người câm điếc và nghề làm tranh đá quí. Vào thời điểm Trung tâm chuẩn bị đưa em về địa phương để hòa nhập cộng đồng, Thương đột ngột tâm sự với cô giáo của mình về hoàn cảnh gia đình em. Thương kể em không phải là trẻ mồ côi, cũng không phải là người Trung Quốc, quê em ở Yên Bái, cách chợ khoảng km, nhà em có 3 chị em, Thương là con thứ 2. Do buồn cảnh bố hay uống rượu, đánh chửi mẹ và mấy chị em Thương nên em bỏ nhà đi. Em lần ra đường vẫy xe khách,  sau khi đi được mấy chục cây số, do không có tiền trả, lại không biết nói nên em bị lái xe đuổi xuống giữa đường.
Biết được hoàn cảnh của Thương, ông Lý đã chỉ đạo nhân viên Trung tâm một mặt soạn công văn gửi về Sở LĐTBXH một số tỉnh miền núi phía Bắc; mặt khác đưa thông tin về em lên mạng xã hội để giúp em tìm gia đình của mình. Một tháng sau, sau khi đọc được thông tin trên mạng xã hội em gái Thương đã gọi điện cho BS Lý hỏi thăm và nhận chị mình. Đơn vị đã cử người đưa em về tận nhà…
 
Phát huy khả năng còn lại của trẻ em khuyết tật
Phục hồi chức năng, phát huy tối đa khả năng còn lại của trẻ khuyết tật và giúp các em hòa nhập cộng đồng là tiêu chí hoạt động, là mục tiêu lớn nhất mà BS Trần Văn Lý và các cộng sự của mình hướng đến. Hàng tháng, hàng quí, ông luôn duy trì việc tổ chức lấy ý kiến các cán bộ, nhân viên Trung tâm về các giải pháp nâng cao chất lượng PHCN cho trẻ em khuyết tật, từ đó lựa chọn áp dụng những giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Ths Vũ Trọng Quỳnh, Trưởng phòng Nghiệp vụ công tác xã hội, Trung tâm PHCN người khuyết tật Thụy An hồi tưởng lại quãng thời gian bác sỹ Trần Văn Lý vất vả cùng các đồng nghiệp tạo dựng các khoa, phòng mới ở Trung tâm: Bác sỹ Lý rất tâm huyết, năng động, sáng tạo và chịu khó tìm tòi, áp dụng những phương pháp mới, kỹ thuật hiện đại vào quá trình chăm sóc, PHCN cho người khuyết tật. Ông đã “tiên phong” thành lập Phòng CTXH và Khoa can thiệp cho trẻ tự kỷ từ trước khi có chỉ đạo chính thức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH).
Khoảng 10 năm về trước, trong quá trình tiếp nhận và điều trị cho trẻ em khuyết tật và phát hiện có nhiều trẻ em tự kỷ, ông đã quyết định thành lập Khoa can thiệp cho trẻ tự kỷ, đưa Trung tâm Thụy An là một trong những đơn vị y tế công lập đầu tiên của Miền Bắc  thành lập khoa này. Đến nay Khoa đã có sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng chuyên nghiệp, mô hình can thiệp, PHCN cho trẻ tự kỷ bước đầu được hoàn thiện và đã điều trị hiệu quả cho hàng trăm trẻ em thuộc đối tượng này trên cả nước, trong đó có những bệnh nhân nặng, lớn tuổi mà các cơ sở khác không tiếp nhận. Các cán bộ của Trung tâm còn được mời tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp can thiệp trẻ tự kỷ cho một số trung tâm bảo trợ xã hội trên cả nước.
Một buổi can thiệp, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ
Nhận thấy trong 6 nhóm khuyết tật mà Luật Người khuyết tật qui định chưa đề cập đến chứng tự kỷ, ông đã chủ động kiến nghị Bộ LĐTBXH xếp đối tượng này vào dạng khuyết tật khác trong văn bản hướng dẫn thực hiện Luật để từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với những trẻ em này.
Sự tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, và nhất là “cái tâm” của BS Lý đối với trẻ em khuyết tật đã truyền cảm hứng tích cực đến toàn thể cán bộ, nhân viên Trung tâm, để họ đồng tâm hiệp lực, gắn bó, đồng hành cùng ông xây dựng nên một đơn vị uy tín, tin cậy, làm được nhiều điều có ích cho trẻ em khuyết tật.
Ông tâm sự, người khuyết tật thường có tâm lý tự ti, mặc cảm với những khiếm khuyết của mình, nhưng lại có những khả năng đặc biệt mà nếu được động viên, khuyến khích kịp thời thì có thể phát huy rất tốt. Vì thế, ngay từ khi còn là bác sỹ trực tiếp điều trị cho đến khi trở thành người đứng đầu Trung tâm, ông luôn tranh thủ thời gian trò chuyện, tìm hiểu hoàn cảnh, lắng nghe những tâm tư, tình cảm của trẻ khuyết tật để khuyên nhủ, khích lệ các em vươn lên trong cuộc sống, đặc biệt là động viên các em cố gắng học văn hóa, học nghề để có thể tự lập, tự nuôi sống bản thân. Ông còn “treo giải” em nào thi đỗ đại học sẽ tìm nguồn tài trợ giúp các em ăn học cho đến khi tốt nghiệp.
Tập phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật
Huy động nguồn lực chăm sóc, điều trị trẻ em khuyết tật
Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, ông rất coi trọng và nỗ lực kết nối, huy động sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài nước để có thêm nguồn lực chăm sóc, điều trị cho trẻ em khuyết tật.
Trước đây Trung tâm chỉ đào tạo 2 nghề với qui mô nhỏ, ông Lý đã cùng một số cán bộ Trung tâm tìm thêm một số nghề thủ công phù hợp với trẻ khuyết tật rồi kêu gọi một số đơn vị, cá nhân hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí , sau đó kết nối để tiêu thụ sản phẩm học sinh làm ra và hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho các em. Hiện nay, Trung tâm đang đào tạo 8 nghề: Thêu, May, làm tranh đá quí, đồ hanmade, làm tranh bút lửa, hoa lụa, hương thơm, tin học cho 70 người khuyết tật. Năm 2018 – 2019, có 15 em đã được hỗ trợ tìm việc làm với thu nhập 3 – 4 triệu đồng/tháng. 
Ông kể, trước đây, để thu hút các tình nguyện viên quốc tế đến làm việc tại Trung tâm không đơn giản. Do chưa quen với việc người nước ngoài đến địa phương “làm không công” nên lúc đầu cơ quan công an rất “cảnh giác”, sợ họ có ‘âm mưu, hoạt động gì đen tối” thường xuyên vào kiểm tra. Để phòng tránh những tình huống xấu có thể xảy ra, Giám đốc Lý cho soạn thảo một bản cam kết đối với tình nguyện viên về những việc được phép và không được phép làm, rồi cử người giám sát các hoạt động của họ… Đến nay, mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận trên 100 tình nguyện viên từ Anh, Mỹ, Đức, Autrailia, Nhật Bản, Hàn Quốc… đến làm việc, hỗ trợ trực tiếp cho trẻ và giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhân viên của Trung tâm.
Lớp học chuyên biệt của trẻ em khuyết tật
Hàng năm, Trung tâm còn tổ chức gần 100 cuộc giao lưu với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Qua các hoạt động này, đơn vị đã thu hút được sự hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chuyên môn và vật tư cần thiết. Người khuyết tật nhận được sự quan tâm, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần, giúp các em tích cực hơn trong học tập, PHCN.
Dưới sự lãnh đạo của Giám đốc Trần Văn Lý, Trung tâm Thụy An đã có bước phát triển mạnh mẽ. Cơ sở vật chất của Trung tâm được xây dựng khang trang, trang bị đầy đủ các máy móc, trang thiết bị PHCN hiện đại. Nhờ được tận tình chăm sóc, điều trị bằng những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, tình trạng của nhiều trẻ khuyết tật được cải thiện rõ rệt, mang lại tương lai tươi sáng hơn cho các em và niềm hạnh phúc to lớn cho gia đình các em. Nhiều em khi ở gia đình chỉ đặt đâu ngồi đấy nhưng sau khi được vào Trung tâm chữa trị đã đi lại được, chủ động hơn trong sinh hoạt hàng ngày; có em đã kết hôn, sinh con, có một gia đình hạnh phúc. Có thể kể tới trường hợp em Nguyễn Anh T bị bại não, liệt hoàn toàn 2 tay, sau quá trình PHCN tại Trung tâm em đã học hết lớp 8, tất cả các hoạt động hàng ngày và sinh hoạt cá nhân em đều có thể tự thực hiện bằng đôi chân rất thành thục. Em còn có thể thổi sáo, chơi cờ tướng, cờ vua và làm được nhiều bài thơ hay; thậm chí có thể đánh máy, sử dụng chuột máy tính thành thạo, xử lý đồ họa bằng các ngón chân.
Trong 5 năm gần đây có 5 em khuyết tật được PHCN tại Trung tâm thi đỗ đại học. Một số em sau khi tốt nghiệp đã được Trung tâm nhận vào làm việc.
Với sự nhiệt huyết, tận tâm cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc, điều trị, PHCN cho trẻ em khuyết tật, BS Trần Văn Lý đã nhiều lần được Bộ LĐTBXH tặng danh hiệu Chiến sỹ Thi đua cấp cơ sở, cấp Bộ; Bộ trưởng Bộ LĐTBXH tặng nhiều Bằng khen. Năm 2016, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba và  Bộ Y tế tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Song, phần thưởng lớn nhất đối với ông chính là sự cải thiện tình trạng thể chất, tinh thần của nhiều người khuyết tật và niềm tin yêu, mến phục của các bệnh nhân cũng như gia đình họ dành cho mình./.
Thảo Lan