Người “Mẹ” của những đứa bé ở Làng trẻ mồ côi Hà tĩnh
01:57 PM 01/11/2020
(LĐXH) –Hơn 22 năm gắn bó với Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh, trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hôi tỉnh, bà Vương Thị Liễu, sinh năm 1966, nhân viên Bảo mẫu của Làng đã không ít lần trào dâng cảm xúc khi được những đứa bé mồ côi do chính bàn tay mình chăm sóc gọi bằng tên gọi thân thương: “Mẹ Liễu”...
Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh (Làng) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, được thành lập vào ngày 12 tháng 01 năm 2004 với chức năng tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các đối tượng là trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biêt khó khăn, trẻ bị bỏ rơi vào chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục; tạo điều kiện để các cháu được học văn hóa, học nghề, giải quyết việc làm và hòa nhập cộng đồng khi các cháu đến tuổi trưởng thành.
Hiện Làng đang trực tiếp nuôi dưỡng 96 cháu, trong đó có 56 cháu trẻ mồ côi học văn hóa, 24 cháu mồ côi khuyết tật, lang thang, trẻ bị bỏ rơi và 16 cháu khuyết tật theo hình thức tự nguyện.
Với mục tiêu lấy trẻ làm đối tượng trung tâm phục vụ, thời gian qua, Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả được cấp trên ghi nhận; từ năm 2018 lại nay, đơn vị đã huy động xã hội hóa trên 14 tỷ đồng xây dựng bổ sung nhà ở, các trang thiết bị nâng cao chất lượng, phục vụ chăm sóc nuôi dưỡng trẻ mồ côi.
Bà Vương Thị Liễu tự tay chăm lo từng bữa cơm cho trẻ trong Làng
Chia sẻ với phóng viên, “Mẹ” Liễu cho biết, dân gian thường có câu: “Còn cha gót đỏ như son; không cha, không mẹ như đàn đứt dây”. Mỗi cháu vào Làng đều mang một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, tâm sinh lý lứa tuổi và điểm xuất phát khác nhau. Chính vì vậy mà đòi hỏi người trực tiếp chăm sóc phải có kinh nghiệm vững vàng trong công tác chăm sóc trẻ, phải thật sự gần gũi và hiểu được tâm lý của từng đứa trẻ. Việc giúp các cháu xóa đi những mặc cảm tự ti do hoàn cảnh của mình để vươn lên trong cuộc sống, luôn mạnh khỏe, linh hoạt, học tập tốt đòi hỏi người cán bộ phải tâm huyết với nghề, có phẩm chất đạo đức tốt, thực sự là tấm gương sáng cho các cháu noi theo.
Cùng với đó, việc chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ sơ sinh đòi phải phải kiên trì, nỗ lực và luôn phải tìm tòi, sáng tạo để tìm ra các giải pháp tốt nhất trong công tác chăm sóc, giáo dục các cháu phát triển toàn diện về mọi mặt.
Đối với việc chăm sóc chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, bà luôn là người đề xuất, tham mưu với cấp trên về chế độ dinh dưỡng, định lượng cũng như khẩu phần ăn hợp lý cho từng trẻ. Thường xuyên đề xuất các giải pháp kịp thời trong công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Chính vì vậy mà, trẻ luôn khỏe mạnh, thông minh, nhanh nhẹn. Đến nay, 100% trẻ không có dấu hiệu suy dinh dưỡng.
Trong công tác giáo dục, học tập, sinh hoạt hàng ngày của trẻ, bà luôn sát cánh từng trẻ, đôn đốc các cháu học bài, có ý thức chăm ngoan, lễ phép, luôn tu dưỡng và rèn luyện đạo đức nhân cách tốt. Chính vì vậy mà trong những năm qua, không có trường hợp nào vi phạm, vô lễ, gây mất trật tự trong Làng. Nhìn chung, trẻ trong Làng luôn ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập, biết đoàn kết, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Đặc biệt là luôn tuân thủ mọi nội quy, giờ giấc, nề nếp và ý thức cao trong sinh hoạt. Hàng năm, 70% trẻ đạt kết quả học sinh khá giỏi trở lên, tỷ lệ trẻ đậu Đại học đạt 90%.
Xác định việc chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ khuyết tật dạng bại não, thần kinh tâm thần, động kinh, bại liệt… là công việc hết sức khó khăn và phức tạp, bà luôn ý thức viêc trẻ không có khả năng tự phục vụ, nằm một chỗ, hoặc không thể nhận thức được mọi thứ. Việc vệ sinh cá nhân, tắm rửa hàng ngày, đảm bảo dinh dưỡng và theo dõi sức khỏe đối với những trẻ này phải túc trực thường xuyên và phải thật sát sao. Đối với trẻ thường xuyên lên cơn động kinh, lên cơn thần kinh nếu không có thuốc và sự kiểm soát hành vi kịp thời sẽ dẫn đến nguy hiểm tính mạng cho trẻ.
Bữa cơm đầm ấm của nhóm trẻ mồ côi tại Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh
Ngoài việc đòi hỏi sự nhẫn nại, kiên trì, bà còn tham mưu cấp trên để có được chế độ chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh, trẻ khuyết tật. Có những trường hợp được sinh ra trong những hoàn cảnh và điều kiện khắc nghiệt, trẻ thiếu tháng, trẻ bại não bẩm sinh, khuyết tật… việc chăm sóc hết sức khó khăn, đặc biệt, có trẻ bị bỏ rơi ở đống rác, cánh đồng hoang hay ngoài đường khi tiếp nhận có trường hợp trẻ đã bị nhiễm trùng nặng, chưa rụng rốn nhưng bị côn trùng cắn, bị bỏ đói… đối với những trẻ bị nhiễm HIV, sức đề kháng hết sức nhạy cảm. Những đứa trẻ sinh ra đã thiếu vòng tay yêu thương, thiếu hơi ấm và thiếu dòng sữa mát ngọt của mẹ… Rất nhiều trẻ rơi vào trường hợp này đều có bàn tay của “Mẹ” Liễu tận tâm chăm sóc bằng chính tình yêu thương vô bờ bến, bằng bản năng làm mẹ với những cử chỉ nhỏ bé, thân thương len lỏi vào cả những giấc mơ bình yên của trẻ…
Với những việc làm âm thầm, tận tụy, “Mẹ” Liễu luôn chăm sóc trẻ bằng tình thương như chính con ruột của mình; cùng trẻ trải qua những lúc trái gió trở trời, những lúc trẻ ốm đau, những đêm thức cùng các cháu để học bài, thức thâu đêm để theo dõi trẻ sơ sinh, trẻ khuyết tật, trẻ động kinh mỗi khi các cháu lên cơn… Có trải qua những năm tháng vất vả ấy mới cảm nhận được sự sâu sắc, mãnh liệt trong người hình hài người đàn bà nhân hậu và bao dung ấy.
Trải qua 22 năm công tác, “Mẹ” Liễu đã nuôi dưỡng được 88 trẻ trưởng thành, trong đó 50 cháu đã xây dựng gia đình và nhiều cháu giữ nhiều trọng trách trong xã hội, 20 trẻ khuyết tật, 18 trẻ sơ sinh. Hiện tại, bà cũng đang trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng 25 cháu trẻ mồ côi.
Để có được kết quả ngày hôm nay, bà Vương Thi Liễu đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách an sinh xã hội và nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, càng tự hào khi được làm việc, công tác, cống hiến trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Đặc biệt, bà đã vinh dự được góp mặt trong Đại hội thi đua yêu nước ngành Lao động – Thương binh và Xã hội năm 2020 và là một trong  những tấm gương được chọn để vinh danh tại Hội nghị Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng năm 2020.
Với bà, khi đã chọn nghề phải thật sự cố gắng và tâm huyết với nghề thì nghề sẽ không phụ mình. Cũng như các nhân viên bảo mẫu tại Làng, việc chọn sự nghiệp “trồng người” để gắn bó cả cuộc đời mình chính là “phần thưởng” quý giá nhất đối với bà. Niềm vui trong công việc của bà chính là sự quan tâm chia sẻ, động viên đối với các cháu và chứng kiến các cháu trưởng thành hơn mỗi ngày. Đây cũng chính là động lực để bà vượt qua và không ngừng phấn đấu, nỗ lực trong công tác. Và hạnh phúc lớn nhất không có gì sánh bằng của là khi được các cháu gọi mình bằng một cái tên không thể thân thương hơn: “Mẹ Liễu”.
Với những thành tích đã đạt được, bà Vương Thị Liễu đã vinh dự được nhận bằng khen là điển hình tiên tiến của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015 - 2020; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vì những thành tích tiêu biểu trong công tác, giai đoạn 2015 - 2020./.
Thục Quyên