Thời sự
Người đứng đầu ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã giải quyết kịp thời khúc mắc của công dân
05:16 PM 20/07/2022
(LĐXH)- Đây là những ý kiến nhận xét của nhiều công dân về người đứng đầu ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tại buổi tiếp công dân định kỳ được tổ chức vào ngày 20/7.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và lãnh đạo các đơn vị (Thanh tra Bộ, Cục Người có công, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Vụ Bảo hiểm Xã hội) đã lắng nghe các ý kiến, thắc mắc của công dân và xem xét các tài liệu kèm theo. Trong đó có nhiều kiến nghị, đề nghị được hưởng chế độ ưu đãi thương, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc hóa học; đề nghị được giám định bổ sung vết thương còn sót đối với thương binh…
Quang cảnh buổi tiếp công dân
Chia sẻ với phóng viên về cảm xúc của mình sau cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, công dân Tạ Văn Sốp, cho biết: Hôm nay, tôi rất cảm ơn Bộ trưởng đã quan tâm giải quyết chính xác, thấu tình đạt lý trường hợp của tôi. Khi tôi trình bày vấn đề của mình, Bộ trưởng luôn tập trung lắng nghe ý kiến của người dân. Tôi thấy Bộ trưởng là tư lệnh ngành hiểu sâu sắc vấn đề, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Bộ trưởng đã đưa ra những quyết định kịp thời, chính xác đúng tinh thần của Đảng, Nhà nước là quan tâm, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thực sự của những người có đóng góp cho cách mạng, cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Được biết, anh Tạ Văn Sốp (sinh năm 1963), trú tại tổ 16, khu tập thể Văn hóa nghệ thuật, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy (thành phố Hà Nội) là người từng tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) và bị thương do pháo địch bắn. Sau 2 tháng được điều trị vết thương quay lại tiếp tục tham gia chiến đấu đến tháng 10/1987 ra quân.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người dân
Anh Tạ Văn Sốp làm đơn đề nghị tiếp được giám định bổ sung vết thương còn sót (hiện trong cơ thể còn mảnh kim khí trong khớp háng). Anh Sốp đã có giấy chứng nhận bị thương tật (giám định tỷ lệ thương tật 16%) sau khi điều trị vết thương. Tuy nhiên, do trái gió trở trời, sức khỏe đau yếu và giảm sút, năm 2008, anh Sốp đi chụp chiếu thì mới phát hiện mảnh kim khí (do đạn pháo nổ thời chiến tranh) vẫn còn trong cơ thể. Sau khi được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, anh Sốp có mong muốn được đề nghị giám định vết thương tại vị trí khớp háng…
Ngay tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đồng ý và chỉ đạo các đơn vị cho vận dụng giám định bổ sung vết thương theo đề nghị của công dân Tạ Văn Sốp để đảm bảo người có công được kịp thời hưởng các chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước.
Công dân đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nộp đơn trước khi gặp Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
Còn bác Lương Tuấn Khanh (sinh năm 1941) ở tỉnh Bình Dương, trình bày: Tôi bị địch bắt từ đày tại nhà tù Hội An trong thời gian từ năm 1966 – 1969 và đề nghị được xem xét giải quyết chế độ bị địch bắt tù đày. Mặc dù tôi chưa bổ sung đầy đủ hồ sơ, song Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã lắng nghe nguyện vọng của mình và giao Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có văn gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp xác minh, xem xét bổ sung hoàn thiện hồ sơ cho tôi. Tôi cảm ơn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã lắng nghe và xem xét giải quyết thấu tình đạt lý từng trường hợp cụ thể của công dân.
Bác Lương Tuấn Khanh (tỉnh Bình Dương) trình bày nguyện vọng với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
Theo đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, bà Vũ Thị Mùi (sinh năm 1942) ở phòng 10, nhà A11, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng (thành phố Hà Nội) thì bà Mùi là người từng tham trong đội tự vệ bắn rơi máy bay địch, bà đề nghị xem xét giải quyết chế độ Huân chương Kháng chiến chống Mỹ. Về trường hợp này, Bộ trưởng đã giao Thanh tra Bộ tiếp nhận đơn, hướng dẫn Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội điều tra thông tin do công dân cung cấp, xác minh, báo cáo Bộ trước ngày 25/8.
Anh Tạ Văn Sốp vẫn còn mảnh kim khí trong khớp háng do đạn pháo nổ thời chiến tranh 
Sau khi nghe các công dân trình bày thắc mắc, kiến nghị và cung cấp tài liệu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và ưu tiên tới việc xây dựng các chính sách hướng tới đảm bảo và nâng cao mức sống người có công với cách mạng. Do chiến tranh và đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, số đối tượng người có công đông nên công tác thực hiện chính sách vẫn tiếp tục được hoàn thiện và bổ sung. Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội vẫn đã và đang nỗ lực tìm kiếm thông tin, hoàn thiện hồ sơ để người có công thực sự được hưởng các chính sách của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt là quan tâm giải quyết các vấn đề còn tồn tại, phát sinh theo quan điểm có lý, có tình, không né tránh và đùn đẩy trách nhiệm.
Công dân là người có công ở thành phố Hải Phòng trình bày kiến nghị với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng bày tỏ những day dứt trước một số trường hợp người có công vẫn chưa được hưởng chính sách do những vướng mắc về thủ tục hồ sơ. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số ít trường hợp lợi dụng, trục lợi chính sách ưu đãi người có công gây bức xúc trong dư luận xã hội. Chính vì vậy, Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục thanh tra toàn diện trên phạm vi cả nước về việc thực hiện các chính sách người có công để bảo đảm công bằng, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật trong giải quyết chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và không làm ảnh hưởng đến tư tưởng, lòng tin của nhân dân.
“Tất cả những vấn đề công dân nêu trong ngày hôm nay, những vấn đề nào thuộc thẩm quyền Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, lãnh đạo Bộ sẽ chỉ đạo giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Trên tinh thần không để công dân phải đi lại nhiều, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng trường hợp nào giải quyết được sẽ giải quyết dứt điểm. Còn những vấn đề không thuộc thẩm, Bộ sẽ có văn bản gửi các cơ quan, ban, ngành, địa phương xem xét xử lý, giải quyết” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khẳng định.

Trần Thắng