Xã hội
Người cựu chiến binh và tấm lòng tâm huyết với nghề công tác xã hội
03:51 PM 29/12/2018
(LĐXH) – Chẳng biết từ bao giờ, cơ sở bảo trợ xã hội Từ Tâm Nhân Ái (thuộc xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đã trở thành mái ấm của nhiều cô nhi, bệnh nhân, người già neo đơn. Và cũng chẳng biết từ bao giờ, ông Nguyễn Minh Mẫn đã tự nhủ với lòng mình sẽ dành cả cuộc đời để chăm sóc, nuôi dưỡng cho những mảnh đời bất hạnh này.
Ông ba chưa vợ, nhưng có một đàn con
Ông Mẫn sinh năm 1945 tại xã Lai Hưng, huyện Bến Cát (nay là huyện Bàu Bàng), tỉnh Bình Dương. Sau chiến tranh, nhận thấy xung quanh mình có nhiều người già neo đơn, trẻ bị bỏ rơi, người mắc bệnh hiểm nghèo không ai chăm sóc, ông quyết định thành lập cơ sở bảo trợ xã hội. Năm 2005, dưới sự cho phép của chính quyền địa phương, trung tâm Từ Tâm Nhân Ái ra đời, thực hiện những công việc đúng như tên gọi của nó: làm việc thiện, yêu thương con người.
Từ Tâm Nhân Ái dành diện tích lớn để xây dựng khu nhà cho người già.
Thời gian đầu, ông Mẫn cùng các nhân viên của cơ sở đi khắp nơi để kêu gọi, gây quỹ chăm sóc cho tổng cộng 66 người trong cơ sở, gồm người già, trẻ cô nhi, người bệnh nặng bị bệnh viện trả về.
Cả cuộc đời, ông Mẫn chưa từng lập gia đình, nhưng ở Từ Tâm Nhân Ái, đi đến đâu cũng nghe tiếng gọi ba, gọi ông. Chỉ cần ông xuất hiện là lũ trẻ từ khắp nơi lại nhao nhao lên, nhào vào lòng, khoe cái này, mách cái kia. Mỗi đứa bé được ông đặt cho một cái tên, gắn với câu chuyện cuộc đời của chúng, như thằng Rau Nhút, thằng Chuột, anh em Bí Bo…
Từ căn nhà tạm bợ nuôi vài người vào năm 2006, đến nay, Từ Tâm Nhân Ái đã được xây dựng lên khang trang, với những khu nhà tách biệt, nuôi trên 100 người già, người bệnh, trẻ cô nhi.
Chăm lo từ miếng ăn, giấc ngủ
Nói về công việc của mình, ông Mẫn cho biết nơi đây nhận về những người “đã bị cuộc sống vứt bỏ”. Từ những đứa nhỏ bị cha mẹ bỏ rơi còn chưa đứt dây rốn, những cô gái lầm lỡ mang thai, những người già neo đơn con cháu không đoái hoài tới, những người bệnh nặng không còn sức lao động.
Lũ nhỏ về đây, được ông ba Mẫn chăm sóc, nuôi lớn, cho đi học. Cũng như những gia đình khác, ông treo đầy bằng khen của đám con lên tường. Bọn trẻ được phân ra thành nhiều lứa tuổi khác nhau, từ những đứa còn ẵm ngửa, vài đứa chập chững tập đi, đến những đứa đang đi học.
Những đứa trẻ hồn nhiên tại Từ Tâm Nhân Ái.
Đằng sau khu nhà, ông dành riêng một khu rộng rãi cho người già. Những người bệnh có khu nghỉ ngơi, bếp, nhà vệ sinh riêng sạch sẽ. Hàng ngày, họ được những cô tình nguyện viên đến nấu nướng, lau chùi, trò chuyện cùng.
“Tôi đang xây thêm một khu nhà nữa cho người bệnh. Họ đã ốm yếu, phải được nằm ở nơi sạch sẽ, mát mẻ. Thiết kế khu nhà do chính tôi làm, nguyên liệu tôi đi mua, ngày nào tôi cũng ở đây với đội thợ để thúc đẩy việc xây dựng sớm hoàn thành”, ông Mẫn nói.
Chia sẻ về kế hoạch trong năm 2019, ngoài việc xây nhà mới cho người bệnh, ông còn khởi công xây thêm nhà nguyện, là nơi thờ cúng, ma chay cho những người xấu số. Ông còn tìm tòi cách để làm cho đám trẻ một chiếc bể bơi, để “cho sắp nhỏ bơi lội cho khoái”, ông Mẫn giải thích.
Từ Tâm Nhân Ái trở thành mái ấm của những cô nhi, người già, người bệnh từ khắp nơi.
Từ Tâm Nhân Ái được mở rộng bằng sự chung tay góp sức của nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, trong đó có P&G Việt Nam. Nhiều năm nay, các lãnh đạo của tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới này luôn dành thời gian tới thăm đám trẻ, người già ở đây. Những phần quà, lời động viên, cũng như sự hỗ trợ tài chính để lưu trì hoạt động của trung tâm chính là lý do ông Mẫn có thêm động lực để duy trì Từ Tâm Nhân Ái.

L.Quân