Xã hội
Người cựu chiến binh thoát nghèo từ nông nghiệp
09:49 AM 26/12/2018
Sau thời gian lên đường nhập ngũ rèn luyện để bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc, trở về với cuộc sống đời thường, nhiều người lính năm xưa tiếp tục phát huy phẩm chất của người lính “bộ đội Cụ Hồ”, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống và đóng góp công sức để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Cựu chiến binh Phạm Duy Hải (48 tuổi, sống tại tổ dân phố 12 phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội) là một ví dụ điển hình như thế.
Đồng chí Phạm Duy Hải sinh năm 1970. Năm 1988, đồng chí vào quân đội theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau 3 năm trong quân ngũ, năm 1991 trở về địa phương. Trong hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, bố mẹ già yếu, con thì còn nhỏ, gia đình chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp, độc canh cây lúa và trồng màu nhưng ruộng lại ít, sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ, ngành nghề không có nên luôn luôn thiếu ăn.
Nhờ phát triển hiệu quả mô hình kinh tế, gia đình cựu chiến binh Phạm Duy Hải đã có cuộc sống ổn định
Là gia đình nông dân thuần phác, gắn bó với đồng ruộng, anh Hải nhận thấy nếu chỉ cấy lúa đơn thuần thì chỉ đủ lương thực sinh hoạt, muốn tăng nguồn thu thì phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào thâm canh, đồng thời phải cải tạo vườn trồng cây ăn quả được thị trường ưa chuộng và đẩy mạnh chăn nuôi lợn tạo sự tác động hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Gia đình anh cấy ba sào ruộng lúa, thu hoạch chẳng được là bao, vài chục cân thóc một sào, suy đi tính lại, làm sao để năng suất thâm canh tăng cao nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực cho gia đình, anh mạnh dạn chuyển đổi sang trồng ngô,  nhưng thu hoạch lại càng thấp, năng suất không cao, cuộc sống lại càng khó khăn, bế tắc.
Sau nhiều đêm trăn trở,  xác định hướng đi cho mình, phải đi lên từ chăn nuôi, trồng cây ăn quả trên bãi sông Hồng. Được hợp tác xã nông nghiệp chia cho 1500m2 đất bãi, sau nhiều lần anh đi khảo sát thực địa, nhận thấy khu đất này có ưu điểm đất phù sa, nguồn nước sông thuận tiện, xa dân cư, chắc chắn sẽ phù hợp với chăn nuôi quy mô lớn và trồng cây ăn quả để tận dụng nguồn phân bón.
Nảy ra ý tưởng phát triển quy mô "Vườn, ao chuồng". Được  gia đình, vợ con ủng hộ anh càng quyết tâm thực hiện bằng được. Ban đầu cũng vô vàn khó khăn, gian khổ, vốn ít, kinh nghiệm không có, anh cũng lặn lội khắp nơi, đến những vùng đất chuyên canh, những gia đình đã thành công trong phát triển chăn nuôi trang trại để học hỏi mang về áp dụng.
Đồng chí Phạm Duy Hải đã gom toàn bộ vốn liếng của gia đình, vay mượn của người thân đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại quy mô khép kín với 7 ô chuồng, mỗi ô 12m2, có ô chứa phân hợp vệ sinh, lắp đặt hệ thống làm mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông đảm bảo cho đàn lợn luôn khỏe mạnh. Anh là người kỹ tính, ngay khâu chọn giống phải là những con đẹp, có chất lượng. Mỗi lứa anh nuôi khoảng trên 50 con.
Để đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho đàn heo, đích thân anh đã ký hợp đồng với các nhà hàng tận dụng thức ăn thừa cùng với cám ngô, cám gạo, rau xanh  chế biến làm thức ăn chính cho lợn. Ngày nào anh cũng thường xuyên tắm cho đàn heo, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cho ăn no, kết hợp với tiêm phòng đúng thời điểm nên đàn lợn của gia đình anh hay ăn chóng lớn, hiệu quả kinh tế cao, cứ khoảng 6 tháng anh lại xuất chuồng một lần. Anh đã xây bể Biôga để tận dụng nguồn nhiên liệu trong sinh hoạt, xây lò nấu cám lợn, vì vậy môi trường sạch sẽ, không có mùi hôi và tiết kiệm được thời gian.
Ngoài đàn lợn, gia đình anh còn chăn nuôi thêm 50 con gà đẻ và 10 con chó,  trồng các loại cây ăn quả có giá trị để tăng thêm thu nhập như chuối,  ổi,  xoài, bưởi,  đinh lăng.... Lấy ngắn nuôi dài, thâm canh các loại cây: ớt, đu đủ, rau ngót và rau gia vị. Anh đã khoan một cái giếng để chủ động bơm nước tưới cây và sinh hoạt cho hợp vệ sinh. Với quy mô sản xuất như vậy anh đã giải quyết công ăn việc làm cho người thân và những người xung quanh hàng xóm.
Tổng thu nhập từ chăn nuôi và các loại cây ăn quả, trừ chi phí, gia đình đồng chí được lãi mỗi năm hơn 120 triệu đồng, thành viên trong gia đình, người thân có việc làm, thu nhập ổn định. Do chi tiêu hợp lý, tiết kiệm, những năm qua gia đình đồng chí Phạm Duy Hải đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Đồng chí cùng gia đình luôn gương mẫu chấp hành các chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các quy định ở địa phương, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Đồng chi cũng là người tích cực đóng góp ủng hộ các quỹ từ thiện, đồng bào bị bão lụt, nạn nhân chất độc da cam, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo do địa phương và Hội phát động. Không những lo làm kinh tế cho gia đình, đồng chí luôn giúp đỡ và phổ biến kinh nghiệm làm vườn và chăn nuôi cho các hộ nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Nhiều năm qua, gia đình đồng chí Phạm Duy Hải luôn được công nhận gia đình văn hóa, đồng chí xứng đáng là CCB gương mẫu, tiêu biểu trong phong trào Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi để mọi người học tập và noi theo. Năm 2018, đồng chí được Hội CCB phường biểu dương và đề nghị hội CCB quận Long Biên khen thưởng.

Nguyễn Kim Đan