Xã hội
Người bệnh binh “hai trong một”
09:23 AM 22/08/2017
(LĐXH)-Nhắc đến bệnh binh hạng 2/4 Phạm Thành Lê, người dân ở xã Phấn Mễ ai cũng biết và trầm trồ khen ngợi, bởi ông luôn nêu cao gương sáng của anh “bộ đội cụ Hồ”, không những làm kinh tế giỏi, mà còn đóng góp tích cực cho lĩnh vực y tế địa phương.
Năm 1975, khi đó chàng thanh niên Phạm Thành Lê ở thôn Bầu 1, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên tròn 20 tuổi. Đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tình nguyện nhập ngũ. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người chiến sĩ trẻ Phạm Thành Lê vào miền Nam làm nhiệm vụ và tham gia chiến trường Tây Nam Bộ ở tỉnh biên giới Tây Ninh. Đến năm 1979, ông được chuyển ra Bắc và theo học lớp trung cấp y, rồi trở thành y tá công tác tại Bệnh xá Sư đoàn 306. Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra, ông tham gia phục vụ chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang). Đến tháng 12/1991, y tá Phạm Thành Lê xuất ngũ trở về quê hương, hưởng chế độ bệnh binh.
Ông tâm sự: “Về quê nhà lúc đó điều kiện gia đình rất khó khăn. Cha mẹ hai bên thì thường xuyên đau yếu, con cái còn bé, vợ cũng chỉ trông chờ vào vài sào ruộng nên thiếu thốn đủ thứ. Bản thân tôi sức khỏe cũng giảm sút. Tuy nhiên, là một người lính chinh chiến bao nhiêu năm trận mạc, nhiều lúc đối mặt với cái chết, tôi nghĩ mình được trở về đã là may mắn lắm rồi. Do đó, tôi tự nhủ phải làm sao vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, làm gương cho con cháu, cho đồng đội cùng học tập kinh nghiệm để xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương”.
Bệnh binh Phạm Thành Lê tích cực chăn nuôi, sản xuất
“Ngày đó các con còn bé. Hai vợ chồng xoay đủ việc để kiếm tiền nuôi con, lo cho bố mẹ già. Ngoài nuôi lợn, gà, tôi mua máy bơm đi bơm nước thuê cho bà con, mua bàn ghế, phông bạt cho thuê đám cưới, rồi buôn cám lợn. Mình có vất vả nhưng bù lại các con được ăn học tử tế, nên người. Về sau có điều kiện hơn, tôi mở rộng mô hình chăn nuôi” - ông kể. Dẫn chúng tôi đi thăm trang trạng nuôi gà, ông cho biết mỗi lứa nuôi khoảng 3.000 con. Tháng vừa rồi thương lái về mua hết, nên giờ đang nuôi lứa gà con mới. Còn lợn mỗi lứa khoảng 60 con, đầu năm nay ông bán trên 3 tấn lợn hơi, hiện còn 30 con sắp đến kỳ xuất chuồng.
Khi được hỏi về thu nhập từ lợn, gà, ông chia sẻ: “Những năm trước thì còn khá hơn, cũng giành dụm được chút ít mua sắm đồ dùng gia đình. Nhưng năm nay giá lợn rớt thê thảm nên cũng chỉ đủ thu hồi vốn là khá lắm rồi. Nhưng thương lái vẫn tìm mua gà, lợn của gia đình vì toàn mối quen biết, bởi mình không nuôi bằng thuốc tăng trọng nên không lo ế. Ở địa phương có đám cưới nào đặt, gia đình cũng đủ gà để phục vụ”.
Không những làm kinh tế giỏi, được bà con địa phương khen ngợi, học tập noi theo, bệnh binh Phạm Thành Lê còn được biết đến là một cán bộ y tế thôn bản nhiệt tình, hăng say trong công việc, có chuyên môn vững vàng và luôn tận tâm với người bệnh. Vốn là một y tá trở về địa phương, nên ông luôn được người dân tìm đến mỗi khi ốm đau. “Hồi mới xuất ngũ về quê, đường xá đi lại còn khó khăn, người dân còn cổ hủ, lạc hậu trong chăm sóc sức khỏe nên tôi tình nguyện tham gia công tác dân số. Chăm sóc sức khỏe ban đầu là rất quan trọng, tránh được nhiều rủi ro. Ngày trước, người dân không có thói quen đi bệnh viện mỗi khi ốm đau mà mời thầy mo về cúng. Việc này vừa tốn kém tiền của lại không khỏi được bệnh. Tôi biết gì thì chỉ cho bà con, làm được gì thì chữa trị cho người bệnh, hướng dẫn bà con phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe, ốm đau phải tìm đến thầy thuốc” – ông Phạm Thành Lê tâm sự.
Sau hơn 20 năm chuyên trách y tế thôn bản, ông không thể nhớ hết bao lần phải bỏ dở việc đồng áng, chăn nuôi để chạy đến cứu chữa cho người bệnh. Ông lúc nào cũng trang bị đầy đủ thuốc men, bông băng, dụng cụ y tế cần thiết, cơ bản nhất mang theo người, để phòng khi có người gọi là sẵn sàng lên đường. Ở vùng miền núi như Phấn Mễ, ngày trước không có sóng điện thoại, nhiều hôm nửa đêm về sáng có người gọi cửa, ông lập tức trở dậy đi ngay. Khi mắc những bệnh thông thường như đau bụng, đau đầu, trẻ con bị sốt cao, bị bỏng nước sôi, ngã xây xước tay chân… bà con đều tìm đến ông để chữa trị. Là cộng tác viên dân số nên ông cũng rất “mát tay” đỡ đẻ cho nhiều sản phụ là người địa phương, do trước đây bà con không có thói quen đi đẻ ở bệnh viện. Ông đã thăm khám, tư vấn cho hàng trăm lượt sản phụ “đẻ sạch”, giúp họ “mẹ tròn con vuông”, giảm thiểu tai biến sản khoa ở xã nhà.
“Giờ làm y tế thôn bản có nhàn hơn trước. Cũng do công tác vận động, tuyên truyền nên người dân đã đến bệnh viện mỗi khi ốm đau, thai sản. Song tôi nghĩ khi mình còn sức khỏe, còn đóng góp gì được cho địa phương thì luôn sẵn sàng, vừa đỡ quên nghề vừa phần nào giúp mọi người vui khỏe để lao động, sản xuất” – ông chia sẻ thêm. Với những đóng góp cho y tế địa phương, bệnh binh Phạm Thành Lê đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân số.
Giúp ông vừa làm kinh tế giỏi, vừa tích tham gia công tác xã hội, không thể không nhắc tới vai trò của người bạn đời – bà Phạm Thúy Lành, một phụ nữ chịu thương thương chịu khó, hết lòng vì chồng con. Tiếp chúng tôi, bà Lành luôn toát lên nét vui tươi, hiền hậu. Bà Lành hiện là Chi hội trưởng hội nông dân của xóm Bầu 1, kiêm tổ vay vốn ngân hàng chính sách. Bà kể: “Hai gia đình bố mẹ chúng tôi ở liền kề nên rất hiểu hoàn cảnh của nhau. Lúc ông Lê đi bộ đội, các cụ đã có ý vun vào rồi nên năm 1979, trong một lần ông ấy về phép khi được chuyển ra Bắc, hai bên tổ chức làm lễ cưới. Bố mẹ tôi quý ông ấy vì bản tính hiền lành, chịu khó, thương người song cũng rất cương quyết, nói là làm. Thế nên từ hay bàn tay trắng với nếp nhà tranh vách đất khi lấy nhau, hai vợ chồng xoay đủ công việc để có được thành quả như hôm nay. Tôi nghĩ một phần do môi trường quân đội đã rèn nên tính cách của ông Lê”.
Anh Lê Bá Tuấn, công chức văn hóa xã Phấn Mễ cho biết thêm: “Trên cương vị Chi hội trưởng hội nông dân, bác Phạm Thúy Lành đã thường xuyên chăm lo cho 90 hội viên của xóm Bầu 1. Bác Lành đã được tặng Kỷ niệm chương Vì giai cấp nông dân vào năm 2016. Chúng tôi luôn lấy tấm gương của vợ chồng bác Lê – Lành để giáo dục thế hệ trẻ. Rất nhiều hộ dân ở đây cũng noi gương gia đình bác để vươn lên thoát nghèo. Hiện xóm Bầu 1 vẫn còn 3 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo trên 134 hộ. Gia đình bác Lê cùng với chính quyền địa phương đang có nhiều cách thức để giúp đỡ những hộ dân này có đời sống khấm khá hơn. Tuy nhiên, gia đình bác Lê vẫn chưa hết khó khăn, bởi vẫn phải nuôi dưỡng, chăm sóc người em gái gần 50 tuổi bị bệnh thận”.
Vợ chồng ông Lê – bà Lành sinh được 5 người con trai, tất cả đều được học hành đến nơi đến chốn và có công ăn việc làm ổn định. Người công tác trong ngành kiểm lâm, người làm trong ngành khoáng sản, người theo ngành y, riêng cậu út học xong phổ thông ở nhà phụ giúp bố mẹ làm kinh tế. Gia đình ông bà được UBND huyện Phú Lương tặng chứng nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu năm 2009”. Dù lúc làm việc hay tiếp khách, bệnh binh Phạm Thành Lê có thói quen mặc chiếc áo quân phục màu xanh. Ông nói: “Mặc để nhắc nhở mình không quên là người lính cụ Hồ. Lúc trẻ tham gia chiến đấu, về nhà còn sức khỏe thì tôi còn làm việc và cống hiến cho xã hội”./.
Dương Thìn
Từ khóa: Bệnh binh Phấn Mễ