Xã hội
Nghị lực vươn lên của những thương binh ở Trà Vinh
04:57 PM 22/11/2017
(LĐXH) - Rời quân ngũ trở về địa phương, dù sức khỏe suy giảm nhưng nhiều thương binh ở tỉnh Trà Vinh vẫn vượt lên thương tật, phát huy phẩm chất quý báu của “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục xung phong trên các mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng chính quyền cơ sở.
Người thương binh vượt khó thoát nghèo
Là một thương binh, năm nay đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe không còn được tốt nhưng ông luôn phấn đấu chăm lo phát triển kinh tế gia đình, dạy bảo con cháu chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và ông cũng tích cực tham gia các phong trào hoạt động xã hội ở địa phương và được bà con xóm giềng quí mến, đó là ông Dương Văn Xìa, ở ấp Dinh An, xã An Phú Tân là thương binh hạng 4/4 và cũng là một trong những tấm gương thương binh vượt khó thoát nghèo ở địa phương.

Ông Dương Văn Xìa bên đàn bò nuôi của gia đình

Năm 1968 theo tiếng gọi của quê hương đất nước ông từ giả gia đình tham gia cách mạng và đơn vị ông phục vụ là đơn vị Hậu Cần S608 thuộc Quân khu 9, khi ấy ông mới 25 tuổi. Trong suốt thời gian tham gia cách mạng ông cùng với đồng đội trực tiếp vận chuyển tiếp tế nhiều vũ khí, đạn dược và lương thực cho tiền tuyến đánh địch, góp phần cùng với quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975 thống nhất đất nước. Sau khi hòa bình lập lại ông tiếp tục ở lại đơn vị phục vụ cho đến năm 1981 ông xin nghỉ về công tác tại địa phương và giữ nhiều chức vụ chủ chốt ở Ủy ban kiểm tra Đảng ủy xã và Hội cựu chiến binh xã An Phú Tân, cho đến năm 2001 vì điều kiện sức khoẻ ông xin nghỉ hưu.
Được biết, sau giải phóng cuộc sống gia đình của ông gặp không ít khó khăn, khi ra ở riêng 2 vợ chồng ông được cha mẹ ruột cho 9 công ruộng làm kế sinh nhai, do trong thời kỳ đầu sản xuất một vụ lúa/năm và năng suất thấp nên cuộc sống cũng lắm phần vất vả. Nhưng với quyết tâm không cam chịu cái nghèo, không để con cái thất học trở thành gánh nặng cho xã hội, ông luôn tìm mọi cách để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống bằng con đường lao động chân chính của mình, ngoài canh tác lúa ông còn đầu tư xây chuồng nuôi bò sinh sản, mở lò quay heo gia công cho bà con ở địa phương, nhờ có tính cần cù siêng năng lao động, tiết kiệm trong chi tiêu và biết tích luỹ nên gia đình ông đã vượt qua nghèo khó, vươn lên khá giả, ổn định cuộc sống, hàng năm bình quân gia đình ông có mức thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Cũng từ nguồn vốn tích lũy được qua bao năm miệt mài lao động mà đến nay ông đã mua thêm được 25 công đất ruộng, nâng tổng diện tích ruộng của gia đình lên được 34 công. Nói về ý chí phấn đấu chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Dương Văn Xìa chia sẻ: “Tuổi cao sức yếu rồi nhưng cũng cố gắng làm sao mình phát huy vận động con cháu cả bản thân xây dựng kinh tế gia đình cho ấm no, hạnh phúc. Cở sở vật chất của mình tạo ra có rồi thì mình phải giữ được cái đó, mình tiếp tục sản xuất để có thể nâng cao từ đó trở lên không để bị tuột, cái nguyện vọng của mình là muốn làm sao đưa kinh tế của con cháu và gia đình mình đi lên để cho ấm no và hạnh phúc. Sức khỏe thì hơi kém nhưng cũng cố gắng làm thế nào sát cánh với anh em cựu chiến binh để xây dựng nông thôn mình thành nông thôn mới, ấp văn hóa, xã văn hóa”.
Trải qua nhiều nỗi thăng trầm, nhưng với nghị lực vượt khó, tinh thần cầu tiến, hăng say lao động, ông Dương Văn Xìa hiện đã có một cuộc sống sung túc, đầm ấm và hạnh phúc, các con của ông đều có cuộc sống ổn định. Ngoài chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Dương Văn Xìa còn tích cực tham gia công tác ở địa phương, hiện ông là hội viên Cựu chiến binh đang sinh hoạt tại Chi Hội Cựu chiến binh ấp Dinh An, ông là người luôn đi đầu tham gia các phong trào hoạt động của Hội cũng như các hoạt động xã hội ở địa phương.
Người thương binh tiêu biểu trên mọi mặt trận
Đó là thương binh Đoàn Trung Hậu (hạng 4/4), ở ấp Ô Dài, xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành. Sinh ra trong một gia đình trung nông, ngay từ thủa bé chứng kiến cảnh quê hương bị giặc tàn phá, ông đã nung nấu ý chí phải tham gia cách mạng để giành lại bình yên cho quê hương, đất nước. Tháng 9/1960, khi vừa tròn 16 tuổi, ông đã tham gia lực lượng du kích, hoạt động bí mật ở địa phương. Đến năm 1963, ông thoát ly và tham gia lực lượng du kích xã Thanh Mỹ, trong thời gian hoạt động ông đã không quản khó khăn, gian khổ, nguy hiểm tính mạng để chiến đấu và thời gian này ông đã trực tiếp tiêu diệt  7 tên địch.
Mùa xuân năm 1968, ông tham gia bao vây đồn, kết hợp với phong trào quần chúng nổi dậy giải phóng toàn bộ xã Thanh Mỹ. Đến tháng 3/1969, ông được đắc cử cấp ủy xã Thanh Mỹ và được cấp trên phân công làm phó chính trị viên xã hội xã Thanh Mỹ. Tháng 10/1970, ông được Huyện đội Châu Thành điều động lên làm chính trị viên đại đội 2 địa phương quân huyện Châu Thành hoạt động tại địa bàn các xã Thanh Mỹ, Đa Lộc. Tháng 10/1973, đại đội 2 được điều xuống xã Long Hòa bao vây và đánh địch phản kích trong thời gian 03 tháng giải phóng được 09 ấp từ Gạch Gốc đến Thủ Trước, Thủ Sau của xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Tháng 2/1974 được điều động về rừng Đon thuộc xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành. Thành lập tiểu đoàn 5 tỉnh Trà Vinh chuẩn bị đánh vào thị xã Trà Vinh. Tháng 3/1974 được điều động về xã Long Đức nhận nhiệm vụ mới đến ngày 29/4/1974 ông được bổ nhiệm làm chính trị viên đại đội 2 quyền tiểu đội phó, tiểu đoàn 5 của tỉnh Trà Vinh. Trong đêm 29/4/1975 nhận được nhiệm vụ đánh chiếm và giữ chốt địa điểm cầu Long Bình địch phản công rất ác liệt làm ông bị thương, ngày 30/4/1975, đại đội giữ chốt và đánh trả quyết liệt với địch đến 11 giờ trưa ngày 30/4/1975 địch đầu hàng. Đại đội của ông cùng với các tiểu đội khác tiếp quản toàn bộ thị xã Trà Vinh. Ngày 20/5/1975 được lệnh đại đội 2 rút về Quân khu 9 (Cần Thơ) thành lập tiểu đoàn 1 cảnh sát bảo vệ của quân khu 9. Sau khi thành lập tiểu đoàn 1, ông vẫn giữ chức vụ chính trị viên đại đội 2.
Đến tháng 3/1977 được phân công về Công an huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, cấp bậc: Trung úy; Chức vụ: Đội trưởng cảnh sát bảo vệ và phụ trách cảnh sát giao thông huyện Châu Thành. Đến năm 1979 ông nghỉ hưu về địa phương với lý do sức khỏe yếu do bị vết thương hoành hành. Năm 1990 được chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, Trà Vinh phân công làm chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh ấp Phú Mỹ, xã Thanh Mỹ, nay thuộc ấp Ô Dài, xã Mỹ Chánh cho đến nay, ông luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, ông còn tìm cách phát triển kinh tế gia đình, ông luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào cây trồng vật nuôi đạt hiệu quả thiết thực, hiệu quả kinh tế cao. Trước đây, với 10ha đất ruộng, hàng năm chỉ canh được 1 vụ lúa, năng suất thâp, cuộc sống gia đình gặp khó khăn. Năm 1990 ông tiến hành cải tạo 0,5ha đất ruông lên lếp trồng cây dừa đến 3-4 năm sau cho trái, nâng cao thu nhập hàng năm khoảng 20 triệu đồng. Năm 2012, gia đình tiếp tục chuyển 0,2ha đất lúa lên để thực hiện mô hình nuôi cá lóc mang lại hiệu quả cao. Nuôi 6 con bò, trong số này có 3 con bò sinh sản. Hàng năm bán bò con được khoảng 30 triệu đồng. Ngoài ra còn nuôi gà, vịt, lương, hàng năm thu nhập khoảng 12 triệu đồng. Tổng thu nhập gia đình hiện tại khoảng hơn 90 triệu một năm.
Với những thành tích của bản thân đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng Chủ nghĩ xã hội, ông được Nhà nước tặng thưởng: 01 huy chương chống Mỹ hạng nhất; 01 kỷ niệm chương; 06 giấy khen của huyện và xã; 01 giấy biểu dương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ./.

Cảnh Minh