Xã hội
Nghệ An: Từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị
10:38 AM 19/10/2020
(LĐXH)- Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành các văn bản nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, tạo cơ chế đảm bảo phụ nữ được tham gia nhiều hơn vào các quá trình ra quyết định; qua đó bảo đảm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 04 - NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chương trình phát triển nguồn nhân lực 2006 - 2010, trong đó chú trọng thực hiện Đề án 02 - ĐA/TU về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ cơ sở, cán bộ trẻ có triển vọng"; quyết định số 256 - QĐ/TU, ngày 21/4/2011 thành lập Ban chỉ đạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực 2011 – 2015.
Hàng năm ban hành các văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy các cấp triển khai công tác quy hoạch cán bộ, trong đó yêu cầu ưu tiên cán bộ nữ. Đặc biệt Ban Thường vụ tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 18/4/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác bình đẳng giới.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Sở LĐTB&XH gặp gỡ các nữ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh
Để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện Nghị quyết 11/NQTW của Bộ chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; công tác cán bộ nữ của tỉnh; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011- 2015, giai đoạn 2016-2020; Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 – 2020.
Sở LĐTB&XH tỉnh cũng tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa "Đề án phát triển đội ngũ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 - 2015, có tính đến 2020”; Hướng dẫn 08 - HD/TU ngày 24/12/2012 về xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2015 – 2020, trong đó đặt ra yêu cầu đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch ít nhất đạt 15%; Hướng dẫn số 05/HD-BTCTU ngày 19/9/2014 về công tác nhân sự cấp ủy tại đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở và cấp cơ sở, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong đó quan tâm tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trên một số lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác bố trí, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ nữ được quan tâm và thực hiện bảo đảm theo đúng quy trình, quy định.
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu cho thấy, tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ Đảng các cấp trong 10 năm qua đều tăng, trong đó tỷ lệ nữ tham gia Ban chấp hành Đảng bộ xã tăng nhiều nhất 3,8%.
Nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII có 3/13 đại biểu, đạt tỷ lệ 23,07%, tăng 3,07% so với nhiệm kỳ trước chỉ đạt 20%. Tại Quốc hội khóa XIV, nữ đại biểu Quốc hội có 4/13 đại biểu, đạt tỷ lệ 30,8%/ 30% kế hoạch, tăng 7,73% so với giai đoạn trước, vượt 0,8% Kế hoạch giai đoạn 2016-2020.
Tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016: Cấp tỉnh đạt 17,65%; cấp huyện đạt 27,97% (tăng 2,5% so với nhiệm kỳ trước); cấp xã đạt 23,01% (tăng 2,14%). Nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ Đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 27.5% tăng 9,85%; tỷ lệ nữ Đại biểu HĐND cấp huyện đạt 29.2% tăng 1,23%; tỷ lệ nữ Đại biểu HĐND cấp xã đạt 28.1%, tăng 5,26% so với nhiệm kỳ 2011-2016…
Ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐTB&XH Nghệ An phát biểu tại Hội nghị tổng kết, đánh giá hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh 2019
Theo đánh giá của Sở LĐTB&XH tỉnh, việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị đã được tỉnh chú trọng triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Cán bộ nữ ngày càng được tạo điều kiện trong việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí sử dụng.
Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021 đạt 30,8%/30% kế hoạch. Kết quả này cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể, minh chứng sự tiến bộ vượt bậc của tỉnh sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược.
Mặc dù hiện nay số cán bộ nữ giữ chức vụ chủ chốt trong các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể đã nâng lên, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của đội ngũ cán bộ nữ, tỷ lệ đạt còn thấp so với chỉ tiêu đề ra, hiện có 4/5 chỉ tiêu của mục tiêu chưa đạt so với kế hoạch giai đoạn đề ra, gồm: tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp, tỷ lệ nữ hội đồng nhân dân các cấp và tỷ lệ lãnh đạo chủ chốt là nữ ở cơ quan Đảng, tổ chức chính trị xã hội và cơ quan chính quyền các cấp.
Trong đó, một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ; tỷ lệ cán bộ nữ quy hoạch các cấp vẫn còn thấp. Một số ngành nghề đông nữ và nhiều lĩnh vực liên quan đến hoạch định chính sách chưa có cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt. Đa số cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cấp phó. Vẫn còn một số phụ nữ chưa nỗ lực rèn luyện, phấn đấu nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, còn tự ty. Trình độ cán bộ nữ một số cơ sở, nhất là vùng đặc thù chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra hiện nay.
Để đạt được kế hoạch đề ra so với Chiến lược Quốc gia bình đẳng giới còn nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị./.
Hồng Anh