Xã hội
Nghệ An chú trọng chính sách ưu đãi với lao động nữ
08:49 AM 25/08/2017
(LĐXH)- Thời gian qua, nhờ việc đa dạng hóa các ngành nghề, ban hành nhiều chính sách ưu đãi với lao động nữ, tại Nghệ An, vị thế người phụ nữ ngày càng được nâng cao.
Theo bà Lê Thị Nguyệt, Trưởng phòng Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An: Lao động nữ tại Nghệ An chiếm khoảng 50,1% tổng số lao động. Thời gian qua, để thực hiện tốt các chỉ tiêu, mục tiêu về bình đẳng giới, dựa trên đặc thù, tính chất công việc, các ngành, đoàn thể đã chủ động xây dựng nhiều nội dung hoạt động liên quan đến việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu về bình đẳng giới thuộc ngành quản lý, đẩy mạnh việc tạo việc, tạo nghề cho lao động nữ.

Nhờ đó, nhiều phụ nữ, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa đã có điều kiện tiếp xúc với nhiều ngành nghề, học hỏi tiến bộ khoa học kỹ thuật để chủ động tạo dựng cuộc sống; tiếp cận vốn vay tín dụng, phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, giúp họ tăng thu nhập và có cuộc sống tốt hơn.

Chị em lao động nông thôn ở huyện Yên Thành (Nghệ An) tham gia lớp học trồng nấm


Hiện nay, ở Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung, phụ nữ làm nông nghiệp vẫn đang chiếm tỉ lệ lớn. Tuy nhiên, người nữ nông dân thời đại mới đã không còn phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất với công cụ thô sơ, lạc hậu như trước mà đã chủ động nghiên cứu và áp dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đa dạng hóa ngành nghề trong nông nghiệp, tăng sản phẩm có giá trị kinh tế cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Thực hiện chính sách của Nhà nước, thời gian qua, tỉ lệ phụ nữ Nghệ An tham gia vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ đã tăng cao. Năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nhiều chị em đã vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho các hội viên Hội phụ nữ khác, khẳng định “thương hiệu” phụ nữ Nghệ An ở trong nước và thế giới.

Bên cạnh đó, các dự án vay vốn tạo việc làm, dự án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài với mô hình liên thông xuất khẩu lao động (XKLĐ) chính quyền xã, phường với đơn vị trực tiếp XKLĐ đã được nhân rộng trên địa bàn.

Dự án hỗ trợ phát triển thị trường lao động, hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm và dạy nghề được đầu tư nâng cao năng lực hoạt động. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, thông tin thị trường lao động, tổ chức sàn giao dịch việc làm được quan tâm triển khai tới nhiều lao động nữ ở khắp các vùng, miền. Đồng thời, các cấp, các ngành đã thực hiện chính sách ưu tiên dạy nghề cho lao động nữ thuộc các Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, Đề án Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015.

Trong đó, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ học nghề cho lao động nữ nông thôn thuộc đối tượng hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người tàn tật, người dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất canh tác. Riêng Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xây dựng đề án phát triển doanh nghiệp, trong đó quan tâm tới các giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. 

Lao động nữ học nghề may và được nhận vào làm việc tại các công ty may trên địa bàn tỉnh
Theo Ủy ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Nghệ An, trong năm 2016, Nghệ An đã không ngừng cố gắng, nỗ lực khẳng định vị thế của người phụ nữ. Theo đó đã giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số  đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động: Tỷ lệ nam, nữ được tạo việc làm mới đạt tỷ lệ 100% kế hoạch năm; tỷ lệ nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt tỷ lệ 101% kế hoạch năm.
Nguyên nhân do Nghệ An chú trọng đầu tư phát triển kinh tế, công nghiệp, dịch vụ, chủ trương thu hút đầu tư, phát triển và mở rộng các khu công nghiệp của tỉnh, tạo việc làm cho người lao động, trong đó chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nữ ở nông thôn, các địa bàn dân tộc thiểu số. Hợp tác quốc tế về đào tạo lao động, xuất khẩu lao động đã tạo điều kiện cho nhiều lao động, trong đó có lao động nữ được tạo việc làm và thu nhập ổn định.
Để phát huy vai trò hơn nữa của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như để chị em tiếp cận cơ hội việc làm, thời gian ới, Ủy ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Nghệ An xác định: Tổ chức thực hiện các chỉ tiêu bảo đảm việc làm, chỉ tiêu tuyển dụng lao động nữ. Thực hiện công tác lồng ghép giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động và giáo dục nghề nghiệp có phân biệt theo giới tính (nam, nữ).
Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, pháp luật, kiến thức thị trường cho các chủ doanh nghiệp, trong đó ưu tiên chủ doanh nghiệp nữ. Phối hợp tăng cường giáo dục nghề nghiệp và khả năng tiếp cận các nguồn lực kinh tế cho phụ nữ. Thực hiện các hoạt động lồng ghép giới trong kế hoạch giáo dục nghề nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ vay vốn từ các chương trình giảm nghèo nhằm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Bên cạnh đó, thu hút và tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các loại hình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, hợp tác xã, câu lạc bộ; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp cho lao động nữ vào những lúc nông nhàn, hỗ trợ đào tạo nghề nông thôn, nhằm khắc phục tình trạng thiếu việc làm của phụ nữ nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm việc thực hiện chế độ chính sách đối với phụ nữ tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đặc biệt đối với những đơn vị có sử dụng nhiều lao động nữ./.
Dương Nguyễn