Lao động
Nghệ An: Ban hành danh mục và mức chi phí đào tạo nghề trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
02:48 PM 28/08/2017
LĐXH - Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và cơ cấu ngành nghề đối với người lao động gắn với giải quyết việc làm và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, ngày 04/8/2017, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định về danh mục nghề đào tạo, mức chi phí đào tạo đối với từng nghề...
Lao động nông thôn học nghề tại chỗ ( ảnh: Internet)
Theo đó, đối tượng thụ hưởng là lao động có hộ khẩu thường trú trên địa bàn, trong độ tuổi lao động (nữ từ 15 đến 55 tuổi; nam từ 15 đến 60 tuổi) có nhu cầu học nghề, có trình độ, gồm 4 nhóm đối tượng: (i) Đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo; người ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc hộ nghèo; (ii) Người dân tộc thiểu số, người thuộc diện hưởng chính sách người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân; (iii) Người thuộc hộ nghèo; (iv) Người học là phụ nữ, lao động nông thôn khác không thuộc 3 nhóm đối tượng trên.
Các đối tượng tham gia học chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng  tùy đối tượng và ngành nghề đào tạo được hưởng mức hỗ trợ cao nhất là 1,3 triệu đồng/tháng, thấp nhất là 630.000đ/tháng.
Được biết, trong giai đoạn 2012 - 2016, tỉnh Nghệ An đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 404.562 lao động (Trong đó, các cơ sở đào tạo nghề công lập đào tạo được 167.892 người, các sở cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập đào tạo được 236.670 người)  gồm các trình độ: Cao đẳng (22.898 người);  Trung cấp (41.413 người); Sơ cấp và dạy nghề thường xuyên (340.251 người). Trong số lao động được đào tạo nghề, có 41.654 người được hỗ trợ kinh phí học nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh tăng nhanh hàng năm, từ 40% (năm 2011) lên 57% (năm 2016); trong đó, qua đào tạo nghề tăng từ 36% năm 2011 lên 50,2% năm 2016. Tỷ trọng lao động trong các ngành kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng lao động làm việc trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 64,8 năm 2011 xuống còn 59,6% năm 2016 (giảm 5,2%), lao động làm việc trong ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 12,4 năm 2011 lên 14,10 năm 2016 (tăng 1,7%), lao động làm việc trong ngành Thương mại - Dịch vụ tăng từ 22,8% năm 2011 lên 26,3% năm 2016 (tăng 3,5%)... Kết quả trên đã có tác động tích cực đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 tăng hơn 2 lần so với năm 2011, góp phần giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, trật tự xã hội.
Công tác nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đã thu được nhiều kết quả cũng như bài học kinh nghiệm về cơ chế quản lý, điều hành, năng lực thực hiện. Nhất là cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, đội ngũ giáo viên đã được đầu tư và từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo. Dự báo quy mô dân số Nghệ An đến năm 2020 khoảng 3,1 triệu người, lực lượng lao động xã hội khoảng 2,1 triệu người, số lao động bổ sung tăng thêm hàng năm khoảng 3,3 - 3,5 vạn người. Dự kiến giai đoạn 2016-2020 có khoảng trên  167 ngàn lao động có nhu cầu việc làm.
Trong kế hoạch giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Nghệ An phấn đấu tuyển sinh đào tạo nghề cho trên 292 ngàn lao động, nâng tỷ lệ lao động được đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp từ 17,3% năm 2016 lên 25% vào năm 2020 so với tổng số lao động được đào tạo hằng năm. Riêng năm 2017, tỉnh có kế hoạch tuyển sinh 5.500 người trình độ cao đẳng;  Trung cấp: 8.500 người; Sơ cấp và đào tạo thường xuyên: 60.800 người. Ngoài ra, thực hiện đào tạo các nghề trọng điểm đã được phê duyệt tại Quyết định số 854/QĐ-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% (trong đó đào tạo nghề đạt 61%),số lao động sau khi tốt nghiệp có việc làm đạt tỷ lệ 85-90%...
Với các giải pháp quyết liệt trên, thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ có nguồn nhân lực  dồi dào, có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển các mục tiêu kinh tế - xã hội, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.../.
D.Ngọc