Kinh tế
Ngày hội trái cây Lục Ngạn lần thứ hai diễn ra từ ngày 25 - 27/11/2017
03:22 PM 09/11/2017
(LĐXH) UBND huyện Lục Ngạn sẽ tổ chức Ngày hội trái cây Lục Ngạn lần thứ II năm 2017 trong 3 ngày (từ 25/11 đến 27/11) nhằm quảng bá, giới thiệu các loại trái cây chất lượng cao, đặc sản của tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Lục Ngạn nói riêng với thị trường trong và ngoài nước.
Sáng 9/11, tại Hà Nội, UBND tỉnh Bắc Giang và UBND huyện Lục Ngạn đã tổ chức buổi họp báo thông tin về sự kiện Ngày hội trái cây Lục Ngạn lần thứ II năm 2017.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Cao Văn Hoàn - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Lục Ngạn, Phó Trưởng Ban tổ chức cho biết, ngày hội trái cây Lục Ngạn năm nay được tổ chức có quy mô cấp tỉnh, UBND tỉnh giao UBND huyện Lục Ngạn cùng các Sở, ngành phối hợp thực hiện. Ngày hội sẽ diễn ra từ ngày 25/11 đến 27/11 tại vườn hoa trung tâm và một số tuyến đường trên địa bàn thị trấn Chũ (Lục Ngạn).
 Theo đại diện UBND huyện Lục Ngạn, Ngày hội trái cây năm nay có nhiều điểm mới. Trong đó, Ban tổ chức bố trí 100 gian hàng (tăng 40 gian so với năm trước) để các xã, thị trấn trưng bày, giới thiệu, bán trái cây cho du khách. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia trưng bày đều phải đăng ký sử dụng tem xuất xứ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, Ngày hội cũng được UBND huyện Lục Ngạn tổ chức lực lượng công an địa phương phối hợp với lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn trong thời gian diễn ra sự kiện. Đồng thời, Ban tổ chức cũng bố trí lực lượng, phương tiện vật tư đảm bảo công tác y tế, bảo đảm ăn nghỉ cho các đại biểu dự sự kiện.
Ngoài ra, Ban tổ chức Ngày hội cũng đã yêu cầu đơn vị phòng cháy chữa cháy địa phương lên phương án, bố trí các phương tiện và cử nhân viên theo dõi công tác phòng cháy chữa cháy thường xuyên.
Nhằm quảng bá cho Ngày hội, ngoài tổ chức tại TP. Bắc Giang, Ban tổ chức đã tổ chức họp báo, giới thiệu Ngày hội tại TP. Hà Nội và thông tin về Ngày hội trên các xe khách từ Lục Ngạn đi các tỉnh và ngược lại.
Đại diện UBND huyện Lục Ngạn cũng cho biết, trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra Hội nghị xúc tiến thương mại với chủ đề “Kết nối cung cầu các sản phẩm nông sản Bắc Giang, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời,  tổ chức các cuộc thi chất lượng trái cây, biểu diễn kỹ thuật, nghệ thuật cắt, tỉa, tạo hình, trang trí trái cây; thi thiết kế, trưng bày mâm ngũ quả; gian hàng đẹp, kỹ thuật chiết, ghép, nhân giống các loại cây ăn quả, các trò chơi dân gian…
Được biết, tổng kinh phí dự kiến cho chương trình là khoảng 4 tỷ đồng. Trong đó, vốn của ngân sách huyện cấp là 500 triệu đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ là 1,5 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa là 2 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp báo, ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang biểu dương kế hoạch tổ chức Ngày hội trái cây của huyện Lục Ngạn và các đơn vị liên quan. Ông Thái đánh giá, Ngày hội trái cây là dịp không thể tốt hơn để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến những loại trái cây chất lượng cao, đặc sản của tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Lục Ngạn nói riêng.
Huyện Lục Ngạn là huyện miền núi, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang nên được thiên nhiên ưu đãi tạo nên một vùng khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt thích hợp để phát triển nhiều loại cây ăn quả hàng hóa chất lượng cao như: vải, nhãn, cam, bưởi, táo... Hiện nay, Lục Ngạn có trên 26.600 ha cây ăn quả các loại, trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc; trong đó vải thiều là 15.200 ha, cây có múi chiếm 5.290 ha...Trước đây nhiều người chỉ biết đến Lục Ngạn qua vải thiều, nhưng 3 năm gần đây, sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển từng loại cây trồng, vật nuôi trên từng vùng đặc trưng, đến nay, Lục Ngạn đã có vùng cây trồng đa dạng, cho năng suất và chất lượng tốt, bước đầu đã tạo được thương hiệu trong nước cũng như quốc tế.
"Tại huyện Lục Ngạn, ngoài những loại cây vốn đã mang thương hiệu, còn có những giống cây là đặc sản nổi tiếng của các vùng miền mang về trồng cũng cho năng suất, chất lượng tốt như vải thiều, cam bưởi... Bắc Giang đang dần hình thành vùng cây ăn quả tập trung hơn 47 nghìn ha, quy mô lớn thứ 3 cả nước. Trong đó, cây có múi như bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam ngọt, lòng vàng nổi tiếng của các vùng miền được trồng tại Lục Ngạn đều cho năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng... Ngoài những điều kiện tự nhiên, để có những sản phẩm cây ăn quả chất lượng phục vụ người tiêu dùng thì cũng phải khẳng định có sự đóng góp không nhỏ của người dân nơi đây", ông Thái nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện tỉnh Bắc Giang, từ nhiều năm này, tỉnh đã cùng chính quyền địa phương tích cực đẩy mạnh hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap; chú trọng chuyển đổi mô hình sản xuất bền vững; vận động, khuyến khích nông dân tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã để có tổ chức ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, từ đó phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ cũng như thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn dễ dàng hơn.
Năm 2016, tại ngày hội Trái cây Lục Ngạn lần thứ nhất năm 2016, riêng ngày khai mạc đã có 35.000 lượt khách, sau đó đơn hơn 10.000 lượt khách đến Lục Ngạn. Thị trường phía Nam cũng đã biết đến trái cây Lục Ngạn và lần đầu tiên đã có công-ten-nơ chở cam, bưởi Lục Ngạn vào phía Nam.
Thảo Lan