Văn hóa - Thể thao
Ngày Hội Lục Bát Đinh Dậu 2017: Tôn vinh hồn quê Việt, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh
01:01 PM 24/09/2017
(LĐXH) Lục Bát (gọi theo dân gian là “Lộc Phát”) không chỉ là tên một thể thơ truyền thống của Việt Nam, mà còn là Hồn quê, là Văn hóa cội nguồn và Tâm linh của người Việt. Đó vừa là di sản vô giá, vừa là tài sản độc đáo, từ bao đời cha ông truyền lại cho con cháu hôm nay và mai sau.
Quán thơ của CLB Lục Bát Đoàn Thị Điểm, Hưng Yên.
Trong một năm, các địa phương trên cả nước có rất nhiều Lễ hội và Ngày hội, nhưng thường là vào Mùa Xuân. Riêng “Ngày hội Lục Bát Việt Nam” có từ năm 2008, do Cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam khởi xướng, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam (www.moitruongvadothi.vn) là cơ quan Thường trực, phối hợp với một số cơ quan Nghiên cứu - Báo chí - Truyền thông đồng tổ chức, vào dịp 6 tháng 8 âm lịch hằng năm; không chỉ tôn vinh hồn quê Việt mà còn góp phần xây dựng Môi trường Văn hóa lành mạnh, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. 
Ngày Lục Bát được tổ chức vào “Mùa Phát Lộc” hàng năm, sẽ cộng hưởng như một điểm nhấn, để nhắc nhở mọi người ý thức về cội nguồn, về bản sắc và sự kế thừa Di sản Văn hóa của cha ông từ ngàn đời. Đây thực sự là một nhịp cầu nối giữa Truyền thống với Hiện tại, giữa Quá khứ với Tương lai; góp phần làm cho thế hệ trẻ hôm nay thêm nhớ tới công lao của tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống của quê hương đất nước mình…
Lần đầu tiên, với sự phối hợp giữa Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc; Hội Đồng hương Văn nghệ sĩ Báo chí Hưng Yên tại Hà Nội; Ngày Lục Bát Đinh Dậu – 2017 được đề xuất tổ chức tại Hưng Yên – vùng đất giàu truyền thống văn hiến, yêu thơ ca và nhiều địa chỉ văn hóa nổi tiếng. “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Hưng Yên là mảnh đất có truyền thống lâu đời, nơi sản sinh nhiều anh hùng hào kiệt, các nhà văn hóa lớn. Thời trước, riêng tỉnh Hưng Yên đã có đến 8 Trạng nguyên trong tổng số 53 Trạng nguyên của cả nước. Hưng Yên cũng là vùng đất có nhiều lễ hội đặc sắc: 364 lễ hội các loại. Trong đó, có 326 lễ hội dân gian, 22 lễ hội tôn giáo, 13 lễ hội tín ngưỡng. (Nếu có thêm Lễ hội Lục Bát được tổ chức thường niên, thì trung bình trong năm, mỗi ngày Hưng Yên sẽ có một Lễ hội). Đó là những không gian văn hóa truyền thống, không gian tâm linh, hiện hữu nét đẹp văn hóa vật thể, phi vật thể, là điểm đến đầy hấp dẫn du khách thập phương.  
Ban Tổ chức Ngày hội Lục Bát đã và đang cố gắng vận động tổ chức kỷ niệm Ngày Lục Bát như một cách xây dựng thương hiệu cho Thơ và tạo thêm một sản phẩm du lịch độc đáo. Qua đó, xây dựng một Thương hiệu Môi trường Văn hóa lành mạnh, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Thương hiệu ấy rất xứng đáng được tôn vinh, sản phẩm du lịch ấy xứng đáng được quảng bá, được thường xuyên duy trì, bảo tồn, xây dựng và phát triển mãi mãi; khẳng định tầm quan trọng không thể thiếu, không thể mai một, không thể mất của thể Thơ Lục Bát, luôn được coi là hồn thiêng, là tinh túy của dân tộc Việt Nam.
Cách đây tròn 5 năm, vào năm 2012, được sự chỉ đạo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sự bảo trợ chuyên môn của Hội Nhà văn Việt Nam; cuộc thi sáng tác thơ Lục Bát “Tổ quốc và Đạo pháp” đã được phát động, tiến hành trong thời gian 6 năm, mỗi năm trao một bộ giải thưởng độc đáo bằng vàng và bạc thật. Và năm Đinh Dậu – 2017 sẽ diễn ra Lễ sơ kết và trao thưởng lần thứ 5 của cuộc thi này. Bởi thế, “Lộc Phát Đinh Dậu – 2017” cũng là món quà tặng vô cùng ý nghĩa trong Lễ trao thưởng nêu trên.
Đã trở thành một truyền thống tốt đẹp và nhân văn từ nhiều năm qua, mỗi năm các cây bút yêu thích Lục Bát từ khắp mọi miền đất nước lại tự chọn và đứng chung trong một tập thơ nhiều tác giả mang tên “Lộc Phát” gắn với tên của 12 con giáp. Ấn phẩm “Lộc Phát Đinh Dậu – 2017” là tập sách thứ 9 trong tủ sách “Lộc Phát” đó. Với gần 300 sáng tác mới của 154 Tác giả - có thể coi đây không chỉ là kết quả, mà còn là hơi thở của không khí sáng tác Lục Bát trong năm qua.
Thảo Lan